Từ vòng 16 V-League 2012, tức đến nay đã sáu năm rồi, các vua sân cỏ đã được nâng cấp và nâng chế độ cùng với việc trang bị đầy đủ thiết bị kỹ thuật hỗ trợ như bộ đàm, tai nghe… nhằm phục vụ công tác trọng tài.
VPF nhiệm kỳ đầu xác định cần phải “làm mới” trọng tài
Hồi đấy VPF ra đời chưa tròn một năm nhưng vì muốn cải tổ công tác trọng tài đã không ngại tốn kém để trang bị và nâng chế độ cho trọng tài. Chủ tịch HĐQT VPF hồi bấy giờ là ông Võ Quốc Thắng từng chia sẻ: “Chúng tôi hiểu nỗi khó của trọng tài Việt Nam (VN). Họ thua kém các trọng tài nước ngoài nhiều thứ, trong đó có chế độ, có trang thiết bị. Và trong hoàn cảnh cho phép, chúng tôi - VPF sẽ cố gắng hỗ trợ để nâng cấp và nâng chất cho công tác trọng tài cùng việc mua sắm các thiết bị hỗ trợ. Song song đó, công tác chuyên môn của trọng tài cần được chú trọng hơn và có những định hướng tốt để bóng đá VN nói chung và giải chuyên nghiệp VN nói riêng phát triển tốt…”.
Chính vì lẽ đó mà chưa đầy một năm sau khi VPF thành lập, những nhà điều hành giải chuyên nghiệp đã “vượt mặt” VFF đầu tư lớn cho đội ngũ trọng tài. Ngay từ vòng 16 V-League 2012 , các trọng tài bóng đá VN đã được trang bị các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ như bộ đàm, tai nghe…
Trước đó, đầu mùa giải 2012 là giai đoạn “chạy rôđa” với chỉ bốn bộ đàm, tai nghe và chỉ đáp ứng được bốn trận mỗi lượt đấu nhưng phần vì thiết bị rẻ tiền, phần vì các trọng tài còn lạ lẫm nên chỉ “chạy” vài trận rồi cất vào kho.
Sau đó, sự cố từ trọng tài ở các trận đấu tiếp tục tăng cao khiến có lần trong cuộc họp của VPF, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng và Phó Chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức đã bàn nhau và hứa hẹn bằng mọi giá sẽ chi ra số tiền lớn để mua 16 bộ trang thiết bị hỗ trợ gồm bộ đàm, tai nghe… cho các trọng tài làm việc ở V-League và giải hạng nhất và phải là những bộ thuộc loại hiện đại như các đồng nghiệp ở châu Âu. Được biết giá mua hồi đấy của mỗi bộ không dưới 80 triệu đồng và trọn gói thiết bị trên là 1,3 tỉ đồng.
Lần đầu các bộ trang thiết bị hiện đại trên được thử nghiệm là hiệp 2 vòng 16 mùa giải 2012 trên sân Bình Dương và tất cả đều hài lòng qua lần thử nghiệm đấy dưới thời tiết khắc nghiệt, kể cả khi trời mưa rất to.
Thẻ vàng thứ hai cho Hồ Tấn Tài nhưng trọng tài Lập lại quên rút thẻ đỏ, thế là cầu thủ không hợp lệ vẫn tiếp tục thi đấu. Ảnh: HUY PHẠM
Sáu năm sau, cũng lại sân Bình Dương với sự cố “liệt” bộ đàm
Nếu sáu năm trước, bộ đàm, tai nghe cho trọng tài được thử nghiệm rất tốt, rất thành công, mở ra một chương mới cho công tác trọng tài VN thì sáu năm sau, cũng tại cái sân đấy, mọi người lại bị rơi vào trạng thái “liệt” bộ đàm.
Sự cố trọng tài chính Trần Văn Lập rút thẻ vàng thứ hai với cầu thủ Hồ Tấn Tài của B. Bình Dương nhưng lại quên trước đó đã rút một thẻ vàng với cầu thủ này. Thế là Tấn Tài thay vì phải rời sân vì thẻ vàng thứ hai lại ung dung ở lại sân và tiếp tục thi đấu. Sau đó thì cũng chính Tấn Tài là người chuyền bóng cho Tiến Linh ghi bàn, nâng tỉ số lên 2-1 vào lưới Than Quảng Ninh . Đến lúc này thì các giám sát chạy xuống nhắc và lúc đấy thì trọng tài Lập mới sửa sai bằng cách rút thẻ đỏ đuổi Tấn Tài, đồng thời không công nhận bàn thắng của B. Bình Dương.
Sự cố nổi cộm nhất trong tuần qua của làng bóng VN được mổ xẻ rất nhiều và cũng khoanh lỗi lại rất nhiều trước khi Ban Trọng tài và Ban Kỷ luật VFF làm việc ra quyết định. Tuy nhiên, có một điều mà rất ít ai nhìn vào một cách trực diện đó là các trợ lý trọng tài và trọng tài thứ tư, nhưng người trợ giúp cho trọng tài chính Trần Văn Lập khi ấy làm gì?
Nói đó là một trận đấu căng thì thực sự trước tình huống xảy ra sự cố trận đấu đấy cũng không căng. Nói như trọng tài Lập là ông quên cộng thẻ và rút thêm thẻ đỏ thì cứ cho là sai sót của một trọng tài đặc biệt ở thời gian cuối trận nhưng các trợ lý của ông những ba người chẳng lẽ cũng đều quên. Họ mang thiết bị hỗ trợ, họ được trang bị tận răng nhưng họ lại không sử dụng công cụ hỗ trợ đấy vì thực tình bản thân họ cũng để trôi các tình huống như trọng tài chính. Nói đúng hơn là họ thiếu trách nhiệm của những người làm công tác trợ giúp thiết thực.
Phần “liệt” của bộ đàm, của tai nghe thực chất là do “liệt” từ chính phần người mà các trọng tài được trang bị tận răng nhưng lại thiếu trách nhiệm.
Một sự cố buồn cho bóng đá nước nhà ở mùa chuyên nghiệp thứ tám nhưng mọi vận hành, đặc biệt là công tác trọng tài thì rất nghiệp dư. Cũng có thể nói công sức của bầu Thắng, bầu Đức ngày nào khi tham gia HĐQT VPF không ngại đầu tư nâng cấp, nâng tầm và lo trang thiết bị tận răng cho trọng tài đổ sông đổ biển.
B. Bình Dương đổ cho trọng tài và đòi phải công nhận bàn thắng cũng không chuyên nghiệp
Nói B. Bình Dương mất một chiến thắng thì không đúng bởi pha bóng đó đội chủ nhà thi đấu với một cầu thủ không hợp lệ vì đã nhận hai thẻ vàng. Ở đây cũng cần sòng phẳng là Hồ Tấn Tài biết mình nhận thẻ vàng thứ hai nhưng trọng tài không rút thẻ đỏ thì lơ luôn và đá luôn. Ban huấn luyện B. Bình Dương cũng không thể không biết nhưng cũng để luôn vì "không đuổi cầu thủ mình thì cứ để nó đá". Cũng không thể nói rằng vì trọng tài sai chứ mình không sai nên phải công nhận bàn thắng vì đó là cách cãi cùn.