Cao thủ Võ đả hổ đánh gãy tay “Hùm xám đất Tây Đô” ở trận tỉ thí gây chấn động Sài Gòn

Tiểu Mã (ghi chép) |

Trong một tích tắc, Từ Thanh Phong tung cú phang ống sấm sét. Một tiếng "rắc" khô khan vang lên. Cánh tay của “Hùm xám đất Tây Đô” bị chia thành hai đoạn lủng lẳng…

Thất bại đau đớn nhất của "Hùm xám đất Tây Đô"

Theo võ sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường, ông từng chứng kiến rất nhiều trận tỉ thí nảy lửa trên võ đài ở các tỉnh thành phía Nam trước năm 1975. Trong đó, một trong những trận đấu căng thẳng, đáng nhớ và cũng bất ngờ bậc nhất phải kể tới màn tỉ thí giữa võ sư Từ Thanh Phong (võ đường Từ Thiện) gặp Nguyễn Hóa – người được mệnh danh là "Hùm xám đất võ Tây Đô".

Câu chuyện xảy ra vào khoảng năm 1965 - 1966, khi võ sư Hồ Văn Lành dẫn các võ sĩ của võ đường Từ Thiện xuống thị xã Cần Thơ (thuộc tỉnh Phong Dinh, tên gọi lúc đó) để đấu võ đài.

Trong kỳ võ đài đó, có một trận đấu vang danh giới võ lâm đương thời là màn thượng đài của võ sĩ Từ Thanh Phong (tên thật là Lê Hồng Sơn, hiện đang sống tại Bến Phà Rạch Miễu cũ, tuổi đã ngoài 80) với  Nguyễn Hóa - một võ sư nổi tiếng đương thời tại thị xã Cần Thơ lúc đó, sở hữu rất nhiều đệ tử.

Biết đối thủ là võ sĩ sở hữu đẳng cấp rất cao, Từ Thanh Phong vẫn chấp nhận thử lửa với "Hùm xám" của đất Cần Thơ. Trước đó, Từ Thanh Phong từng nhiều phen tung hoành trên võ đài Sài Gòn - Chợ Lớn cũng như ở nhiều võ đài tổ chức tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cho đến khi tham dự võ đài ở Cần Thơ, Từ Thanh Phong cũng đã sáu, bảy năm trui rèn ở võ đường Từ Thiện với nhiều bậc đàn anh đồng môn khác. Từ Thanh Phong xuất thân trong một gia đình nghèo, sống với nghề mua gánh, bán bưng ở khu vực chợ Cầu Muối.

Riêng bản thân anh sống với nghề bán hành nên trong võ đường hay gọi anh là "Be bán hành". Chữ "Be" là tên gọi ở nhà của anh bởi vì anh rất thích nhân vật Rô Be trong các phim hành động thời đó.

Do xuất thân như vậy nên anh Be (Từ Thanh Phong) vẫn thường xin thuốc tẩm luyện tay chân cứng chắc của các đàn anh đồng môn khác, chứ không có tiền mua thuốc ngâm riêng cho mình. Anh rất siêng năng tập luyện, thường xuyên luyện tập những cú đá vào bao cát cho đỏ cả chân rồi tẩm luyện cho cứng chắc, với mục đích hộ thân, bởi vì chuyện bán hành của anh hay bị giành giật mối lái. Nhờ vậy mà đôi ống quyển của anh cứng như thép.

Cao thủ Võ đả hổ đánh gãy tay “Hùm xám đất Tây Đô” ở trận tỉ thí gây chấn động Sài Gòn - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Trở lại chuyện đấu võ đài với võ sư Nguyễn Hóa. Khi mới vào hiệp thứ nhất chừng một phút, Từ Thanh Phong đã tấn công áp đảo đối phương bằng cặp chân cứng chắc của mình. Trong một tích tắc, Từ Thanh Phong đá tạt ngang bằng chân phải vốn là chân mạnh hơn vào ngang lưng của võ sư Nguyễn Hóa (ngày này thường gọi là đá phang ống).

"Tôi nhớ như in rằng lúc đó, võ sư Nguyễn Hóa đã dùng ngay cánh tay trái gạt mạnh từ trong ra ngoài để chặn đòn đá lại hoặc phản công ngay bằng một đòn gì đó. Lúc đó, tôi đứng gần võ đài để chụp hình. Tôi nghe một tiếng"rắc" khô khan vang lên. Nhìn lên võ đài, một cảnh tượng kinh hoàng: cánh tay của võ sư Nguyễn Hóa bị chia thành hai đoạn không nối liền nhau nữa... Tay của võ sư đất Tây Đô bị gãy sau khi gạt cú đá của Từ Thanh Phong" – võ sư Hồ Tường thuật lại.

Sau đó, trọng tài bước ngay đến bên võ sư Nguyễn Hóa lắc đầu và định tuyên bố Nguyễn Hóa thua cuộc vì cánh tay gãy đôi lủng lẳng. Tuy nhiên, võ sư Nguyễn Hóa đã không đồng ý, quyết đòi đánh tiếp.

Ban tổ chức và bác sĩ bảo hiểm cũng không chấp nhận lời xin đấu tiếp của Nguyễn Hóa. Nhưng cuối củng, ban tổ chức đã buộc Nguyễn Hóa ký vào biên bản cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra trong quá trình đấu tiếp tục sau đó. Nguyễn Hóa đã chấp nhận ký tên vào bản cam kết. Trận đấu tiếp diễn sau khi tạm dừng gần nửa giờ.

Trong phần còn lại của trận đấu, quả là đáng nể vị cho võ sư của vùng đất Tây Đô. "Hùm xám" đã chiến đấu vô cùng kiên cường. Mặc dù bị thương một cánh tay, chỉ còn sử dụng một cánh tay còn lại cùng với hai chân, nhưng Nguyễn Hóa thi đấu rất đẹp mắt.

Tuy nhiên, chấn thương đau đớn đã ít nhiều làm cho những đòn tấn công, phản công và gạt đỡ của võ sư Nguyễn Hóa không được nhanh lẹ. Toàn bộ cục diện trận đấu đều là sự chủ động tấn công áp đảo của Từ Thanh Phong.

Về phía Từ Thanh Phong, cánh tay trái bị đau của Nguyễn Hóa đáng lẽ là vị trí phải triệt để khai thác hòng hạ địch thủ sớm, nhưng với tinh thần thượng võ "không đánh người ngã ngựa" nên Từ Thanh Phong không hề tấn công vào cánh tay bị gãy đó mà chỉ tấn công vào các vị trí khác.

Sau ba hiệp, Từ Thanh Phong đã thắng điểm 5/5. Tuy nhiên, việc ra khỏi võ đài để trở về khách sạn là cả một vấn đề. Bởi vì sau khi xuống đài, Từ Thanh Phong đã bị ngay một nhóm đông người kéo đến vây quanh kiếm chuyện. Có lẽ là học trò của võ sư Nguyễn Hóa. Lúc đó, võ sư Nguyễn Hóa đã được đưa đi bệnh viện để chữa trị cánh tay bị gãy. Lực lượng quân cảnh (nay là kiểm sóat quân sự) có trách nhiệm trật tự võ đài đã can thiệp kịp thời.

Ngay trong đêm hôm đó, võ sư Hồ Văn Lành đã trực tiếp tìm đến bệnh viện để thăm võ sư Nguyễn Hóa. Tại đây, võ sư Nguyễn Hóa đã nói lời xin lỗi vì hành động không đẹp của các đệ tử.

"Trận thắng Nguyễn Hóa là trận tỉ thí gây chấn động bởi nó diễn ra với kịch bản quá bất ngờ. Nguyễn Hóa khi đó rất mạnh, được ví là Hùm xám. Sau lần thượng đài ấy thì Từ Thanh Phong đấu khoảng 10 trận nữa, hầu hết là thắng, chỉ có 1 trận thua. Hiện tại, Từ Thanh Phong vẫn còn khỏe nhưng đã ở tuổi bát tuần, đang sống tại Bến Phà Rạch Miễu cũ" – võ sư Hồ Tường cho biết.

Trận tỉ thí nhớ đời giữa cặp "chú cháu" vùng Đông Nam Bộ

Theo võ sư Hồ Tường thì một trận đấu khác diễn ra với thế cục bất ngờ không kém so với trận đấu của Từ Thanh Phong với Nguyễn Hóa phải kể tới lần chạm trán giữa võ sư Từ Hoàng Lợi gặp Bảy Xệ.

Trận tỉ thí nổi tiếng giữa Từ Hoàng Lợi đấu Bảy Xệ diễn ra ở kỳ võ đài tại Long Điền (xưa là tỉnh Phước Tuy, nay thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) khoảng năm 1974.

Khi đó, Bảy Xệ khoảng gần 40 tuổi nhưng vẫn còn cực kỳ sung sức, còn Từ Hoàng Lợi mới chỉ 20 tuổi, vốn chưa có nhiều kinh nghiệm đấu đài. Dĩ nhiên là Bảy Xệ được đánh giá cao hơn hẳn so với Từ Hoàng Lợi.

Sở hữu nhiều kinh nghiệm hởn hẳn lại là võ sĩ nổi tiếng hơn, Bày Xệ đắc chí, nhìn Từ Hoàng Lợi cười khinh, bởi vì thấy đối thủ này đáng tuổi con mình, thể hình lại ốm nữa, chỉ 48 kg, kém Bảy Xệ cả gần chục ký.

Thế nhưng, kịch bản trận đấu lại khiến nhiều khán giả phải ngỡ ngàng. Sau khi bái tổ bắt đầu hiệp đấu, võ sư Bảy Xệ đã giậm chân rầm rầm trên sàn đài, miệng hét to, hai tay vỗ ngực thình thịch rồi quơ quào, vẽ vời, hai chân sàng bộ qua lại, hai mắt mở to nhìn chằm chằm đối thủ, để áp đảo tình thần một tên… "võ sĩ nhí".

Cao thủ Võ đả hổ đánh gãy tay “Hùm xám đất Tây Đô” ở trận tỉ thí gây chấn động Sài Gòn - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Trước màn thị uy của đối thủ, Từ Hoàng Lợi không hề nao núng. Ông bình tỉnh dò xét thực nghề của võ sư Bảy Xệ. Từ Hoàng Lợi mở đợt tấn công võ sư Bảy Xệ bằng đòn chân nhảy tới đạp thẳng vào bụng. Dĩ nhiên là võ sư Bảy Xệ dùng tay gạt phăng chân của Từ Hoàng Lợi ra và nhanh chóng phản công bằng một đòn đá tạt ngang "đảo sơn cước".

Từ Hoàng Lợi nhảy lùi ra một bước để tránh, đồng thời quan sát hai tay của võ sư Bảy Xệ buông thả hai bên hông, thiếu sự phòng thủ. Điều này làm cho nguyên bộ phận đầu, mặt, quai hàm của võ sư Bảy Xệ trở nên trống trải.

Tận dụng khoảnh khắc chủ quan của đối thủ, Từ Hoàng Lợi khẽ xoay người. Võ sư Bảy Xệ cũng xoay theo, rồi bất ngờ nhảy tới tấn công Từ Hoàng Lợi một cú đá ngang bằng chân trái. Từ Hoàng Lợi vừa nghiêng người né thì cú đá bồi bằng chân phải đã tiếp ngay.

Họ Từ liền sấn tới nhập nội, định phản công thì võ sư Bảy Xệ đã nhảy lùi ra sau, nhoẻn miệng cười tỏ vẻ không thể bị phản công dễ dàng.

Thế nhưng, ngay lúc đó, Từ Hoàng Lợi đá tiếp một cú bằng chân phải để phá chân trụ của võ sư Bảy Xệ. Bảy Xệ hạ ngay tay trái xuống để gạt. Họ Từ bỏ chân phải xuống, đá bồi ngay chân trái tạt vào phía bên phải của võ sư đất Long Điền. Danh bất hư truyền, hai tay của võ sư Bảy Xệ đã cùng một lúc đưa qua phải để chặn cú đá của Từ Hoàng Lợi.

Thấy địch thủ vô đúng bẫy của mình là "giương đông, kích tây", Từ Hoàng Lợi liền đặt ngay chân trái tới sát người võ sư Bảy Xệ, dùng cùi chỏ tay phải đánh ngang vào quai hàm của đối thủ.

Với đòn này, Từ hoàng Lợi đánh nhanh quá, võ sư Bảy Xệ không kịp đỡ, lãnh trọn cùi chỏ đánh trúng vào quai hàm, cả thân người Bảy Xệ ngã xuống sàn đài một cái rầm giống như một thân cây bị đốn, không một phản ứng nào. Võ sư Bảy Xệ nằm im thin thít mặc cho trọng tài đếm đến tiếng thứ 10 cũng bất động. Từ Hoàng Lợi được tuyên bố thắng knock-out.

"Chiến thắng trước Bảy Xệ thực sự đã gây ngỡ ngàng cho những khán giả từng theo dõi trận đấu đó. Bởi trước trận đấu, không nhiều người nghĩ Hoàng Lợi có thể làm được điều đó. Hiện nay, Từ Hoàng Lợi đã 61 tuổi, đang vui tuổi già cùng gia đình ở xã An Phú, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh" – võ sư Hồ Tường cho biết.

(Bài viết được ghi chép theo lời kể của võ sư, tiến sĩ Hồ Tường – Chưởng môn phái Võ Lâm Thân Khánh Bà Trà).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại