Cách đây ít tháng, một anh Tây mắt xanh mũi lõ ở đâu rỗi hơi tự nhiên sang Hà Nội làm một đoạn phim rất dài về ẩm thực Việt Nam. Hình ảnh tiêu biểu nhất, đáng nhớ nhất đó là bà chủ quán bún chửi.
Người phụ nữ này mặt khó đăm đăm, mặc bộ quần áo ngủ đã ngả màu, tay thì liên tục bốc bún, thái thịt... miệng thì chửi khách như hát hay. Tôi không nhớ rõ người phụ nữ này miệt thị, khinh khi, xỉa xói khách ra sao, chỉ nhớ nhất cái câu như gần như đã trở thành slogan của quán: Không ăn thì biến, gớm, báu lắm đấy.
Trấn Thành khiến nhiều người không hài lòng với phát ngôn "Nếu thấy chúng tôi diễn hài nhảm, khán giả có thể tắt tivi".
Sau khi đoạn phim phim của anh Tây được phát trên kênh truyền hình Discovery, gần như cả thế giới đã lên cơn sốt. Chà chà, Việt Nam có món bún huyền thoại, món này chắc ăn vào phải trẻ ra mấy tuổi hoặc có thể sống lâu thêm vài năm.
Nếu không như thế thì tội gì những khách hàng ở đây lại chấp nhận vừa ăn vừa cúi mặt nghe chửi. Rõ ràng trong văn hoá người Việt, họ đã từng có châm ngôn, miếng ăn là miếng nhục kia mà.
Vì lập luận như vậy nên rất nhiều khách Tây đã đến Hà Nội, họ phải ăn món ăn này để có thể sống lâu thêm vài tuổi, dù có bị chửi mấy câu cũng không sao, đằng nào thì họ cũng có hiểu tiếng Việt mấy đâu.
Nhưng thực ra khách Tây đã nhầm. Món bún chửi chả giúp người ta trẻ ra như kỳ vọng.
Vậy vì sao một bộ phận người Việt vẫn ăn. Chỉ có thể giải thích thế này, vì họ dễ dãi, họ chấp nhận thứ văn hoá đường chợ, thô lỗ như vậy bởi mọi chuẩn mực văn hoá với họ đã không còn tồn tại. Nhân cách, giá trị của chính họ đã tự hạ thấp khi chấp nhận bỏ tiền ra ăn và cúi mặt nghe sự nhục mạ, xúc phạm của người khác.
Chính họ thích như vậy nên bà bún chửi đã có tiền lại được chửi sướng cả mồm.
Và bà biết rõ, ở Hà Nội còn lâu quán bún chửi mới bị tẩy chay.
Tưởng như câu chuyện bún chửi đã lắng xuống thì mới đây nó lại nóng lên với phát ngôn của Trấn Thành.
Trấn Thành thì cũng nổi tiếng không kém gì quán bún này ở Hà Nội. Nếu kém thì anh cũng chỉ kém đôi chút vì chưa được lên truyền hình Discovery của nước Mỹ.
Thành nói: Nếu thấy chúng tôi diễn hài nhảm, khán giả có thể tắt tivi.
Thật sự khi nghe xong tôi lại nghĩ đến bà bún chửi. Hai phát ngôn giống hệt nhau: Không xem thì tắt và không ăn thì biến.
Tại sao Trấn Thành lại có thể tự tin phát ngôn giống bà bún chửi. Hỏi cũng chính là trả lời. Cả hai đều là những đầu bếp tiếng tăm...
Bà bún chửi bán món ăn vật chất, Trấn Thành bán món ăn tinh thần. Bà bún chửi mấy mươi năm làm nghề, quán của bà tích cóp danh tiếng từng ngày, từng tháng.
Đến nay bà thừa khách nên nếu ai dám ý kiến ý cò, rằng thì món của bà hôm nay nhạt, thịt có vẻ hơi ôi, bún có vẻ thiu thiu bà sẽ chửi cho sấp mặt và đuổi ra khỏi quán ngay lập tức.
Trấn Thành và Trường Giang.
Trấn Thành thì cũng đã qua nhiều năm gây dựng tên tuổi. Anh bán món hài, MC, kịch, đóng phim, giám khảo, khách mời...
Khách hàng của anh rất đông, vậy nên nếu ai dám ý kiến ý cò rằng hài của anh nhạt quá, nhảm quá, anh cười hềnh hệch khi làm giám khảo, anh khóc tồ tồ và dễ chảy nước mắt ở rất nhiều nơi... thì anh sẽ đốp chát cho ngay: Thấy nhảm thì tắt tivi đi. Nào có ai ép các vị phải xem.
Thật sự Trấn Thành đã rất thẳng thắn nói lên suy nghĩ của mình.
Trấn Thành lại là bạn của Trường Giang. Trường Giang cũng có lần bị chọi chai nước lên sân khấu và anh ngúng nguẩy
bỏ diễn bất chấp cả trăm người khác đã mất tiền mua vé.
Đấy, nghệ sĩ là phải dứt khoát như Trấn Thành, Trường Giang.
Các anh cứ yên tâm diễn bán những gì mà mình có, càng dễ dãi càng tốt, càng đông khách. Phần lớn khách hàng Việt Nam chưa có thói quen tẩy chay nên chẳng có gì phải lo lắng.
Tôi xin dừng bút và đi ăn bát bún, vừa ăn tôi sẽ bật Trấn Thành diễn hài để vừa ăn vừa thưởng thức.
Tôi cứ nghĩ mãi, nếu mà quán bún chửi Hà Nội có thêm cái tivi và bật Trấn Thành diễn hài cho khách hàng xem nhỉ. Sẽ là sự kết hợp tuyệt vời. Khi đó món bún chắc sẽ ngon, rất lạ và không ở đâu có được.