Trào lưu xấu năm 2017: Dìm hàng đồng nghiệp!
Vẫn biết tình trạng bằng mặt không bằng lòng, nghĩ mình là cả thế giới luôn là thực trạng không thể đổi thay của một bộ phận làng giải trí, nhưng ít nhất thì tới trước năm 2017, ý nghĩ ấy ít nhiều vẫn được giấu kín trong cái tôi rất lớn của nhiều nghệ sĩ ngôi sao.
Hiếm hoi lắm mới có một vài lời chê bai, cạnh khóe được "buột miệng" hay "lỡ lời" gửi tới nhau, chứ chưa bao giờ và chưa khi nào, phong trào "dìm hàng" đồng nghiệp lại trở thành một trào lưu sôi nổi như hiện giờ!
Nói việc nghệ sĩ "dìm" nhau trở thành hẳn một thứ mốt mới của showbiz Việt cũng không hề quá lời, khi mà người ta thấy những sân si xấu xí hiển hiện trong mọi lĩnh vực của làng giải trí.
Từ ca hát cho tới sản xuất âm nhạc, từ nhạc sĩ cho tới producer, từ diễn viên cho tới người mẫu, từ hài kịch cho tới mọi thể loại khác có sự tham gia của những người làm nghệ thuật.
Chẳng khó khăn để kể ra hàng loạt những vụ "dìm hàng" không thương tiếc, không lỡ lời và cũng chẳng "vô tình" một chút nào giữa những nghệ sĩ với nhau: Đó là nhận xét thẳng mặt kiểu "hát như Miu Lê, như Chi Pu mà cũng làm ca sĩ thì chán quá" của Ngọc Anh cho tới mai mỉa không ngần ngại kiểu Miu Lê "lên google tìm tên anh Dương Cầm toàn ra... đàn piano".
Những vụ dìm hàng trong showbiz không chỉ đơn thuần gói gọn trong chuyên môn hay nghệ thuật, mà còn bao gồm cả những nhận xét đầy cảm tính kiểu "Trường Giang, Trấn Thành từ giờ cho tới hết nghề vẫn mãi như thế" của Vượng râu.
Thậm chí nặng nề tới mức tuyên bố "đó là một sự sỉ nhục thực sự cho nghề và danh dự của những người làm nghề chân chính như tôi" của Văn Mai Hương gửi Chi Pu.
Và còn nhiều lời lẽ khó tưởng tượng mà những ngôi sao dành tới cho nhau, ngay cả trên sân khấu hay trên sóng truyền hình!
Một thứ trào lưu thật sự đã được bắt đầu: Trào lưu dìm hàng đồng nghiệp trong showbiz!
Tại sao những ngôi sao ưa sân si và chê bai đồng nghiệp?
Để giải thích câu hỏi này, người ta cần phải có hẳn một công trình nghiên cứu mang tính học thuật sâu sắc và uyên bác. Trong khuôn khổ bài viết ngắn ngủi, những lý giải chỉ có thể mang tính phỏng đoán mà thôi.
Thứ nhất, cái tôi của mỗi người làm nghệ thuật đều rất lớn. Họ có sự tự tin vô điều kiện vào khả năng của bản thân và dưới góc nhìn của họ, mọi thành công của người khác sẽ rất khó có thể được đánh giá một cách công bằng.
Đặc biệt, khi họ tự cho mình quyền "vượt trội" hơn người khác về một mặt nào đó, thì những sự đánh giá sẽ khe khắt và nghiệt ngã hơn gấp bội.
Hãy nhìn trường hợp Chi Pu bị những nghệ sĩ có thực tài chê bai, nhận xét một cách không thương tiếc để hiểu rõ hơn về tâm lý "ưu việt" của những ngôi sao đó.
MV "Em sai rồi anh xin lỗi em đi" của Chi Pu.
Ở chừng mực nào đó, nhận xét của họ là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, đặc biệt là những đánh giá về giọng hát hay kỹ thuật.
Nhưng, tâm lý "ưu việt" đã dẫn họ đi quá xa, khiến cho họ có cảm giác trách nhiệm trên đôi vai mình nặng nề hơn gấp bội. Bắt nguồn từ sự không hài lòng về một giọng ca chưa tốt, nhưng cái tôi cá nhân khiến họ lún sâu hơn vào những câu chuyện khác, phi nghệ thuật và phi lý hơn mục đích ban đầu.
Trường hợp của Miu Lê, Only C và Dương Cầm cũng tương tự. Bắt nguồn từ những tranh cãi về mặt chuyên môn, họ nhanh chóng sa đà vào những tranh cãi vụn vặt khác chính bởi cái tôi cá nhân, sự kiêu hãnh quá lớn của một người nổi tiếng.
Tuy nhiên, không thể không nhắc tới một nguyên nhân thứ 2, đó là "giá trị" của những cãi vã và va chạm. Trong tất cả mọi ồn ào của showbiz, chẳng một ai là nạn nhân đúng nghĩa.
Họ chỉ thay đổi vai cho nhau liên tục, từ thủ phạm cho tới nạn nhân. Phía sau mỗi cuộc tranh cãi không khoan nhượng, những lời lẽ nặng nề tưởng chừng mất kiểm soát đều là những toan tính kỹ càng.
Đừng vội quy kết Chi Pu là nạn nhân tội nghiệp của những ghen tị trong showbiz, bởi trên góc độ nào đó, cô cũng chính là người châm ngòi cho mọi lùm xùm hướng về mình.
Cứ nhớ rằng sau câu phát ngôn gây bão "hãy gọi tôi là ca sĩ", cô đã nhanh chóng cho ra đời tiếp tuyên bố shock chẳng kém "hãy gọi tôi là hoa hậu". Không khó để hiểu rằng Chi Pu hình như không hề sợ va chạm mà ngược lại, cô còn có chút... chờ mong những điều tương tự sẽ đến.
Gạch đá không hoàn toàn vô tác dụng và trong nhiều trường hợp, gạch đá lại giúp xây lên ấn tượng ban đầu về một ngôi sao. Ít nhất, trong thời buổi hiện tại là như vậy.
Tương tự với Chi Pu, rất nhiều nạn nhân cũng đã "đổi vai" thành thủ phạm hoặc tìm cách tận dụng tối đa sức nóng của những tranh chấp và cãi vã.
Chẳng có điều gì giúp thu hút sự chú ý của người xem mạnh mẽ hơn là những lùm xùm giữa những nghệ sĩ và câu chuyện "khát khao scandal" chẳng phải điều gì lạ lẫm ở thế giới giải trí này.
Có thể, nhiều sự việc đã bị khơi mào một cách vô tình, nhưng khi nó kéo dài lê thê và không có hồi kết, khán giả có quyền nghi ngờ rằng chính mình... đang là nạn nhân của những chiêu trò showbiz, chứ không phải là những ngôi sao!
Nguyên nhân thứ 3 và phổ biến nhất dẫn tới mọi cuộc "chiến tranh" của những ngôi sao, đó chính là sự ganh tị và đố kỵ. Thực sự, quá khó để bất kì ngôi sao nào mỉm cười thật lòng và chúc phúc chân thành cho thành công của đồng nghiệp khác, nhất là những người không hề thân thiết.
Ca sĩ Ngọc Anh: Gây sốc khi nhận xét về Only C, Chi Dân và nhạc Việt
Sự bon chen, đấu đá luôn là một phần không thể khác của guồng quay giải trí và bởi vậy, nếu không muốn người khác bỏ lại phía sau, mỗi ngôi sao phải luôn vận động và tiến về phía trước.
Sự không hài lòng, cảm giác ghen tị khi chứng kiến thành công của những đồng nghiệp khác chính là ngọn nguồn của rất nhiều những điều xấu xí trong showbiz Việt.
Người ta vẫn bảo, bên cạnh giọng hát dở của Chi Pu, lý do khiến cô bị nhiều người công kích còn nằm ở sự quan tâm, thu hút cô tạo ra được sau những MV ca nhạc.
Trấn Thành, Trường Giang bên cạnh những lỗi lầm nho nhỏ trên sân khấu còn mắc một "tội lỗi" lớn hơn nhiều, đó là lấn át danh tiếng và sức hút của rất nhiều ngôi sao hài khác.
Tương tự vậy, những Chi Dân, Only C hay Miu Lê cũng phải "chịu trách nhiệm" cho sự nổi tiếng của mình, nhất là khi thành công đến với họ có phần nhanh và dễ dàng hơn nhiều người khác...
Bao giờ thì trào lưu xấu xí này mới lụi tàn?
Câu trả lời sẽ không dễ dàng để đưa ra. Sự đố kỵ và ganh ghét, bon chen không hề đẹp đẽ, nhưng nó là một phần của thế giới giải trí này. Phía sau những ánh đèn và tiếng vỗ tay, mỗi người nghệ sĩ đều phải là một chiến binh thực thụ.
Ở một góc độ nào đó, những va chạm và bon chen này là cần thiết bởi nó buộc người nghệ sĩ phải nỗ lực hơn sau mỗi ngày nếu muốn tồn tại và nổi tiếng. Ánh hào quang showbiz không dành cho những kẻ lười biếng và không biết đấu tranh!
Những cuộc chiến sẽ không bao giờ ngừng tiếp diễn, nhưng có lẽ, chúng sẽ tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn nếu như chuyển "chiến trường" từ mạng xã hội, phương tiện truyền thông lên sân khấu.
Người nghệ sĩ hoàn toàn có thể cạnh tranh một cách công bằng và đẹp mắt dựa trên tài năng và cống hiến của mình, thay vì những điều xấu xí, phi nghệ thuật.
Muốn chứng minh sự vượt trội của mình ư? Hãy thể hiện điều đó bằng giải thưởng, bằng tình yêu của người hâm mộ. Muốn "đè bẹp" đối thủ ư? Hãy thu hút tất cả khán giả về phía mình và làm lu mờ đối thủ bằng ánh hào quang tỏa ra từ sự cố gắng của bản thân.
Đó mới là cách chiến đấu văn minh nhất, hiệu quả nhất mà một nghệ sĩ nên làm, thay vì mải miết sân si, chê bai bằng ngôn từ hay mồm miệng.
Khán giả không trông mong điều đó từ nghệ sĩ và càng không bao giờ muốn chứng kiến điều đó trên sân khấu - nơi mà chính những nghệ sĩ luôn vỗ ngực muốn bảo vệ sự thiêng liêng và giá trị của nghệ thuật vô điều kiện...
Những cạnh tranh, va chạm và bon chen sẽ chẳng thể nào mất đi đâu. Chừng nào con người ta còn khao khát vươn lên, họ sẽ không ngừng chiến đấu cho mục đích của mình.
Chỉ có điều, hãy lựa chọn cho mình cách chiến đấu văn minh nhất, công bằng nhất và đẹp mắt nhất, chứ đừng bao giờ đẩy mình vào những cuộc chiến xấu xí mà cả hai bên đều là người thua cuộc...