Tết 2024 là mùa Tết thứ ba khán giả được thưởng thức những bộ phim cộp mác Trấn Thành. Sau thành công vang dội từ Bố Già và Nhà Bà Nữ với tổng doanh thu xấp xỉ 1000 tỷ, lần này, Trấn Thành trở lại với một bộ phim có màu sắc hoàn toàn mới. Đó là Mai, một tác phẩm đã ít đi sự ồn ào cũng không quá nhiều tiếng cười với nhân vật trung tâm là người phụ nữ mang trong mình những nỗi đau, ẩn ức từ quá khứ.
Có thể thấy, Mai là một bước đi đầy mạo hiểm của Trấn Thành. Mạo hiểm với một đề tài mới, ít nhiều xa rời câu chuyện về tình cảm gia đình, mâu thuẫn thế hệ đã giúp làm nên thương hiệu từ hai mùa Tết trước. Mạo hiểm với một câu chuyện khá nặng tâm lý có nhiều cảnh phim bạo, rất có thể sẽ không hoàn toàn phù hợp với không khí Tết. Sự mạo hiểm mà đối với Trấn Thành, nó giúp anh làm mới chính mình, để khán giả không còn phải thấy một Trấn Thành cũ kỹ và quá quen thuộc. Xem Mai, khán giả sẽ vẫn nhận ra màu của Trấn Thành nhưng bên cạnh đó, là những yếu tố mới mẻ hơn, thú vị hơn và ít nhiều là cả sự “trưởng thành” của Trấn Thành trong cương vị đạo diễn.
Đến với chúng tôi trong một buổi trò chuyện ngắn giữa những ngày cuối năm tất bật lo đủ thứ mà lo nhất có lẽ là màn ra mắt sắp tới của đứa con tinh thần thứ ba, Trấn Thành vô cùng hào hứng khi nhắc đến Mai, đến những thông điệp mà mình muốn truyền tải và người cộng sự đã giúp mình hoàn thiện tác phẩm. Anh cũng thẳng thắn nhìn vào những vấn đề của bản thân, để thấy rằng, chính mình đã thay đổi ra sao sau những năm tháng nỗ lực ở vai trò đạo diễn.
Trấn Thành chia sẻ về Mai và sự nghiệp phim ảnh
Tôi muốn làm bộ phim để cho thấy rằng ai cũng có quá khứ, cũng có một vết sẹo
Động lực, cảm hứng nào khiến anh quyết tâm theo đuổi dự án Mai?
Chỉ đơn giản vì tôi thấy trong cuộc sống có quá nhiều người họ gặp hoàn cảnh quá khó khăn. Mỗi ai trong đời cũng có những lúc vướng phải một tội lỗi nào đó. Có thể vì tuổi trẻ cũng có thể vì không may mắn hoặc vì hoàn cảnh gia đình. Nhưng rồi họ cũng phải vươn lên thay đổi vì muốn làm lại một cuộc đời mới. Đến lúc chúng ta thực sự muốn thay đổi thì liệu xã hội có gạt bỏ những định kiến để cho chúng ta có một hướng đi tích cực hay không?
Đến đi tù cũng có thời hạn mà, trừ những tội không thể dung tha. Sát nhân cũng có ngộ sát và cố sát mà. Nếu trong quá khứ họ lỡ sai, những cái sai đó có thể tha thứ được, không lẽ mình không cho họ làm lại. Thế nên tôi muốn làm Mai để cho thấy rằng ai cũng có quá khứ, cũng có một vết sẹo, đặc biệt là người phụ nữ.
Chúng ta đều có quá khứ, hãy để cho mọi thứ được tiếp tục phát triển. Mai là đại diện cho hi vọng, Mai là "ngày mai", lúc nào chúng ta cũng thấy được ánh sáng của ngày mai. Hi vọng xem phim xong mọi người sẽ muốn yêu hơn và yêu phụ nữ nhiều hơn.
Không phải vì anh muốn làm một phim về yêu và cách để yêu nhau sao?
Tôi làm Mai thì cũng chưa đến đoạn yêu đâu. Và tương lai tôi cũng sẽ làm một bộ phim để người ta thấy yêu nhau là phải như thế nào, mình chia sẻ kinh nghiệm với khán giả. Phim đó có thể về đề tài hôn nhân. Còn Mai, thông điệp lớn nhất là để mọi người thương phụ nữ hơn. Phụ nữ họ không mạnh mẽ như đàn ông, họ cũng không vô tư như đàn ông. Đàn ông gặp chuyện, ngày mai đi uống bia là hết, rồi sức dài vai rộng cũng sẽ đi làm chuyện khác. Phụ nữ chuyện tới để luôn trong lòng, nhớ mãi nên khổ lắm, trời sinh đã vậy.
Tôi nghĩ sao không có bộ phim nào làm cho phụ nữ vậy, nhất là những người đã có quá khứ. Nếu trong quá khứ, lỡ họ sai thật đi, thì cũng phải cho họ làm lại cuộc đời chứ.
Sau thành công với những bộ phim về tình thân, gia đình thì Mai lại là một bộ phim về phụ nữ và tình yêu, lý do của hướng đi mới này là gì?
Tôi chỉ nghĩ mình phải làm mới bản thân. Đến mình cũng thấy cũ kỹ thì khán giả sẽ còn thấy cũ hơn. Nên hãy làm điều gì mới mẻ hơn một chút. Thứ hai, khi làm điều gì có tính thử thách, nó sẽ thú vị hơn là mình cứ mãi an toàn. Cuộc sống là những cuộc phiêu lưu mà, hãy phiêu lưu khi còn có thể để khi nhìn lại tuổi trẻ của mình, mình không thấy nuối tiếc.
Về sự lựa chọn Phương Anh Đào, tại sao anh lại lựa chọn diễn viên này?
Tôi chỉ có thể nói là hợp vai. Với tôi, muốn diễn hay điều đầu tiên phải hợp vai đã. Hợp là gì? Nghĩa là đầu tiên người diễn viên đó phải phù hợp về ngoại hình, vóc dáng và về cả sự cảm tình. Khi khán giả nhìn vào diễn viên, họ sẽ tin người đó chính là nhân vật. Còn nếu không tin thì phải can thiệp bằng hóa trang, để biến diễn viên thành nhân vật. Nếu người diễn viên đó, cái nội hàm bên trong của người ta đã giống với nhân vật rồi, đó là điều tuyệt vời. Vì điều đó giúp hơn 50% để diễn viên có thể lột tả được nhân vật. Cái thứ hai là về lực diễn của Phương Anh Đào, bạn ấy là một diễn viên có nghề, có thực lực. Tôi rất thích sự chuyên nghiệp của cô ấy. Cho nên đó là Mai thôi! Và đặc biệt hơn hết, điều khiến tôi cảm nhận được Đào phải là Mai là khoảnh khắc tôi kể cho Đào nghe về nhân vật, bạn ấy cảm được ngay và ngồi khóc trong buổi thảo luận về kịch bản. Tôi nghĩ đây là một người phụ nữ nhạy cảm nên sẽ hợp với vai này.
Đây cũng là lần thứ 2 Tuấn Trần đóng chính trong một dự án điện ảnh của Trấn Thành, có phải do thị trường điện ảnh của mình có quá ít gương mặt trẻ mà anh có thể tin tưởng, giao phó?
Thực ra nói điều này cũng không sai. Rõ ràng thị trường điện ảnh của chúng ta đang rất thiếu những ngôi sao trẻ, nhất là những ngôi sao trẻ có thực lực. Rất buồn khi mình phải thừa nhận điều đó là đúng. Tôi cũng muốn tìm những gương mặt mới, tôi sẽ làm điều đó, vì tôi muốn mọi thứ được phát triển và mọi người đều có cơ hội như nhau.
Nhưng riêng trường hợp với Tuấn Trần, không phải vì không tìm được ai nên mới mời Tuấn. Tôi làm Mai còn trước cả Nhà Bà Nữ. Sau Bố Già, tôi thấy Tuấn rất cầu tiến, chuyên nghiệp, sống rất tình cảm nên tôi rất muốn cộng tác với Tuấn trong một dự án tiếp theo. Và sau Bố Già, tôi đã lập tức đặt hàng Tuấn làm Mai. Nhưng vì Nhà Bà Nữ chiếu trước nên tôi phải đợi đến bây giờ. Tôi hi vọng là trong những bộ phim sau, tôi sẽ có cơ hội casting những bạn trẻ mới để họ có cơ hội thể hiện tài năng, cống hiến cho điện ảnh nước nhà.
Mỗi phim của Trấn Thành đều bán được trên 5 triệu vé thì tôi tin có 5 triệu con người đang ủng hộ mình
Có những khán giả họ chia sẻ họ ngại xem phim Trấn Thành vì nó ồn ào quá, khi lắng nghe những ý kiến này, anh cảm thấy thế nào?
Tôi phải nói điều này thêm 1000 lần nữa, rằng bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào, không riêng gì Trấn Thành, đều có dư luận hai chiều. Chỉ là chúng ta thấy được nó ở đâu mà thôi. Đặc biệt là những tác phẩm mình nêm gia vị hơi đậm đà một chút. Nhưng đó là một điều rất bình thường mà các nghệ sĩ phải đối diện. Chúng ta làm sản phẩm thì phải nhận khen chê. Ngay cả khi mở một quán ăn cũng thế, có người khen người chê, người thích món này, người thích món kia. Nhưng người ta không thích không đồng nghĩa với việc bạn nấu dở. Đó chỉ là khẩu vị mà thôi, mỗi người sẽ có một khẩu vị thích hợp. Mình hãy nghĩ như vậy.
Đầu tiên là cứ làm tốt việc mình làm đi, phục vụ được cho nhóm người thích mình đã. Người ta đã thích mình rồi mà còn khiến họ thất vọng, đó mới là tệ. Tôi nghĩ không một nghệ sĩ nào trên thế giới này có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Khen chê là chuyện hiển nhiên ở đời và mỗi phim của Trấn Thành đều bán được trên 5 triệu vé thì tôi tin rằng đâu đó có 5 triệu con người đang ủng hộ những gì mình đang làm. Mình cứ phục vụ thật tốt cho họ để khi họ bỏ tiền ra mua vé, họ không bị thất vọng về mình. Đối với tôi nhiêu đó đã là một sự khích lệ rất lớn rồi.
Sau một vài năm ở vai trò đạo diễn, anh tự nhận thấy bản thân có những điểm cộng hay những điều cần khắc phục nào?
Điểm đầu tiên tôi thấy được là Trấn Thành vẫn ngây thơ. Tôi vẫn hồn nhiên, ngây thơ và có những cảm xúc như ngày nào. Xem lại những bản dựng ngày xưa, tôi vẫn có cảm xúc, vẫn khóc được, có nghĩa là mình vẫn thích nó, vẫn thích điều mình đang làm.
Cái thứ hai là tôi đã bớt nóng tính, không cần quát tháo nhưng vẫn có được những gì mình muốn, học được cách nói chuyện nhẹ nhàng hơn để mọi người có thể lắng nghe.
Thứ ba là tôi vẫn muốn làm mới, chưa có sợ sự rủi ro, muốn tiếp tục được cống hiến, được thử thách, đây là điều rất quan trọng với một nghệ sĩ, một đạo diễn trẻ như mình. Ở độ tuổi này chưa gì đã sợ rủi ro thì rất đáng lo đấy. Ngay lúc này, tôi vẫn thấy mình rất sung sức, muốn làm, muốn cống hiến.
Với anh, một bộ phim thế nào sẽ khiến anh quyết định đầu tư công sức của mình?
Điều quan trọng nhất là sự đầu tư phải đúng đắn để ra được chất lượng cần thiết cho bộ phim đó. Tiền không phải giấy, mình cũng phải cân nhắc và chọn lọc, đừng đầu tư vào những chuyện không đáng, vào những cái hào nhoáng bên ngoài mà quên đi nội dung bên trong. Vì cuối cùng điều kéo khán giả đến rạp vẫn là nội dung, hãy đầu tư vào chất xám, vào nội dung của bộ phim điều hơn.
Trong thời gian tới, anh muốn chinh phục những cột mốc mới nào?
Trước tiên tôi muốn thắng bản thân mình trước. Thứ hai là tôi muốn được học hỏi nhiều hơn. Mình cũng là một đạo diễn trẻ thôi, còn rất nhiều điều cần học hỏi từ các đàn anh, tiền bối trong nghề. Tôi muốn cứ mỗi một phim sau, khán giả sẽ thấy được một góc nhìn mới, một phong cách làm phim mới của Trấn Thành. Đó là một cách kể chuyện mới nhưng vẫn nhận ra, đó là Trấn Thành. Một nghệ sĩ được yêu thích phải có chữ ký, có đặc điểm nhận dạng của mình. Nếu không có đặc điểm nhận dạng, người nghệ sĩ sẽ dễ bị quên lãng. Khi khán giả thấy được mình là ai, đang làm gì, chỉ cần nhìn qua sản phẩm là họ thấy được mình, đó là một thành công lớn cho người nghệ sĩ. Tôi rất muốn trong tất cả các tác phẩm điện ảnh của mình, khán giả sẽ nhận ra đó là phim Trấn Thành. Nhưng mỗi phim phải có sự phát triển mới, góc nhìn mới để mình không bị nhàm chán trong mắt của họ.
Cảm ơn Trấn Thành, chúc cho dự án Mai sẽ thắng lớn ngoài phòng vé!