Là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Việt Nam, nhưng ít ai biết rằng, Thanh Hằng lại có một cuộc sống đầy bất hạnh và tủi hờn. Theo lời Thanh Hằng kể trên truyền hình, cô đã từng tự tử vì bị bạo hành quá nhiều, cứ bước xuống sân khấu là bị đánh.
Câu chuyện đáng thương này không khỏi khiến Trấn Thành xúc động. Anh đã khóc giàn giụa nước mắt tới 4 lần cùng Thanh Hằng.
Trấn Thành bật khóc trước câu chuyện của Thanh Hằng
Tuổi thơ không cha, phải lưu lạc từ nội sang ngoại
Tôi sinh ra trong một gia đình 4 đời nghệ sĩ. Bốn chị em tôi, ai cũng là nghệ sĩ. Năm tôi 6 tuổi, ba mẹ chia tay, tôi về ở bên ngoại. Nhưng được một thời gian thì bà nội lại sang đón về nuôi.
Tới 9 tuổi, bà nội dắt tôi lên thành phố để học nội trú. Tôi cứ tưởng nội trú là trại trẻ mồ côi nên sợ quá trốn về ngoại. Nhà ngoại lúc đó chẳng có ai, tôi cứ đứng ngoài khóc mãi. Đến khi ngoại về, ngoại mới dắt vô nhà.
Thế là từ đó, tôi ở nhà ngoại cùng em gái Ngân Quỳnh. Hai chị em cứ mở cát xét lên hát ngân nga theo nó cả ngày. Bà ngoại thấy chúng tôi mê hát quá mới nói:
"Bây giờ bà sẽ mua cho con cái máy may để con học may. Nếu con theo nghề hát, sau này có tuổi, khán giả sẽ chê con là nghệ sĩ già, nó bạc bẽo lắm.
Còn nếu con học may thì càng già càng nhiều kinh nghiệm, người ta sẽ may đồ của con nhiều hơn. Giờ con chọn đi hát hay đi may?".
Nghe ngoại nói vậy, tôi xin cho một ngày để suy nghĩ. Tới hôm sau, tôi vẫn xin ngoại cho đi học hát vì mê quá rồi. Ngoại đồng ý và dẫn tôi đi học hát ở thầy Út Trâm.
Học thầy Út Trâm được 1 năm thì tôi xin phép về nội chơi vì nhớ nội quá. Ngoại giận mới nói: "Nếu con đi thì tới ngày ngoại nhắm mắt con cũng đừng về". Nhưng tôi vẫn ôm đồ về nội và bắt đầu đi múa cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga.
Chưa đầy một năm, cô diễn viên Bé Bự mới bảo tôi: "Mày là con nhà nòi thì đi hát chứ đi múa làm chi". Vậy là, tôi trốn theo cô ấy đi hát.
Lấy chồng vì sợ bị sàm sỡ nhưng lấy nhầm phải kẻ cờ bạc, bạo hành
Thời gian đầu, tôi phải làm tỳ nữ đấm bóp chán chê chứ chưa được đi hát ngay. Lúc đó ở tập thể, tôi cứ sợ xảy ra chuyện nam nữ, sàm sỡ này nọ, mà mình thì chưa có chồng sẽ mang tiếng. Thế nên, tôi đành lấy đại một ông chồng cho có.
Chồng tôi khi ấy là người chỉ ghế cho khán giả ngồi, cùng ở trong đoàn đó. Lấy về thì tới năm 17 tuổi, tôi sinh con.
Sau đó, ông ấy sinh ra máu đỏ đen. Tôi lại mê hát, nhiều khi chưa kịp cho con bú mà ở trên gọi thì cũng phải chạy lên hát, nên tôi mới kêu người gọi ổng về trông con.
Cái giống cờ bạc đang chơi mà bị cắt ngang thì họ không vui. Tôi chỉ hỏi: "Sao không trông con cho em hát" là ổng giơ tay táng liền. Ổng cứ đánh tới tấp như vậy chứ không nói gì hết.
Tôi chỉ mê hát thôi. Mặc dù bị đánh mặt mày sưng húp, đau đớn khắp người, nhưng tôi chỉ mong tới giờ được ra sân khấu hát là vui rồi. Đau tới mấy tôi cũng hát được.
Tôi cứ chịu đựng như vậy vì tôi nghĩ rằng, nếu đánh trả thì là người vợ hỗn. Vợ chồng gây gổ với nhau, tôi chỉ sợ người ta cười chê. Hơn nữa, tôi sợ chia tay nhau rồi, con mình sẽ lại giống mình, nay ở nội, mai ở ngoại.
Mà nó không có nội, ngoại thì đi hát nay đây mai đó rồi, lấy đâu chỗ mà ở. Thế nên, tôi ráng bỏ qua để sống tiếp.
Từ đó, cứ năm này tháng nọ tôi bị đánh như vậy. Cứ thời điểm gần tết là tôi sợ vì lúc đó tụ tập cờ bạc nên tôi bị đòn nhiều nhất. Trên sân khấu thì tôi đóng vai ác, nhưng cứ hễ bước xuống là bị đánh.
Bị đánh tới mức phải tự tử, nhưng vẫn muốn níu kéo chồng cũ
Rồi một ngày, tôi uống thuốc sốt rét tự tử vì không có con đường nào, không biết tâm sự với ai.
Khi tôi tỉnh lại, nhìn con mình, tôi mới hối hận. Tôi tự hỏi, lỡ chết rồi thì sao mà hát và ai nuôi con mình. Thế nên, tôi cứ cố sống như vậy để hát.
Nhiều lúc, tôi hát xong một vai mà không muốn bước vào hậu trường, chỉ muốn đứng trên sân khấu hoài vì sợ sẽ bị đòn. Tôi đứng hát khô cả cổ mấy tiếng liền mà cũng không dám xuống hậu trường uống nước vì sợ bị đánh.
Bị đánh lâu ngày quá, tôi quyết định rời khỏi đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Thực ra, nếu tôi báo cho anh Minh trưởng đoàn chuyện này thì chồng tôi mới bị cho nghỉ vì không phải người hát trong đoàn. Nhưng mà thôi, tôi ra đi cho ổng ở lại. Dù sao, tôi cũng sẽ đi được đoàn khác còn ổng thì không.
Đêm đó, ông chửi mắng, hăm dọa tôi này nọ. Tôi cứ để ổng nhậu với ban nhạc say khướt, tới 4 giờ sáng, tôi mang bộ tóc giả và đồ makeup đi, để lại hết quần áo.
Trước khi đi, tôi vẫn nhìn ổng lần nữa để xem có níu kéo mình quay lại được hay không. Tôi cứ nghĩ, làm gì thì làm nhưng phải cố sống một vợ một chồng tới cuối đời cho con mình có được hạnh phúc.
Nhưng khi nhìn thấy ổng, tôi nhớ lại những lúc bị đòn nên quyết tâm ra đi. Hai tuần sau thì tôi tìm được đoàn mới.
Trong thời gian ở đoàn mới, tôi vẫn được mời về đoàn cũ để hát vai chính cho một vở cải lương. Vì họ cầu khẩn tha thiết quá và ông chồng tôi cũng bị đuổi đi rồi nên tôi mới quay lại hát. Lúc hát xong, có người biết tôi đã độc thân nên tặng một chiếc đồng hồ, dù tôi không lấy
Ai ngờ, ông chồng tôi vẫn ở đó và nhìn thấy. Giữa lúc khán giả còn vây quanh thì ổng nhảy vào tát tới tấp mấy cái liền.
Cuộc gặp định mệnh và con đường sang Úc
Cuối năm 93, 94, tôi được Sở Văn hóa gửi thư mời đi hát bên Úc tầm một tháng. Tình cờ một lần đi chơi, tôi quen anh Giỏi là chủ nhà hàng bên đó. Lúc tôi về thì ảnh đem cả con cái ra tiễn và nói sẽ về Việt Nam tìm tôi.
Lúc anh tìm về thì tôi nảy sinh cảm tình và xin phép mẹ cho cưới ảnh. Tới năm 96 thì tôi sinh con gái út.
Năm 2000, tôi quyết tâm qua Úc sống với ảnh để con gái út được học hành tới nơi tới chốn. Tôi sợ cảnh chia tay nên âm thầm lặng lẽ đi. Lúc tôi đi, chỉ mình chú Bảo Quốc biết vì ngày ra sân bay, tôi còn kịp hát một show cho chú.
Ngồi trên taxi là tôi đã khóc rồi. Tới phi trường, tôi cố kìm lại vì không muốn chồng mình thấy. Lúc đó, tôi trốn ảnh vào nhà vệ sinh gọi điện cho mẹ. Gọi xong, tôi tắt máy đi luôn.
Lúc mới qua, cộng đồng người Việt bên đó rất ngưỡng mộ tôi nên cũng mời tôi đi hát. Thế là tôi lại được đi hát vào dịp cuối tuần. Sau này, vì hát nhiều quá nên tôi phải giảm bớt lại để đưa đón con đi học và chăm con.
Ở bên đó, tôi được tạo điều kiện để đi học tiếng Anh, rồi học làm nail. Nói chung, cuộc sống của tôi cũng có khá nhiều niềm vui.
Ngày nào cũng ra công viên ngồi hát, rồi lại về nấu cơm
Được một thời gian thì tôi bị gai cột sống phải đi mổ, nên không đứng trên sân khấu được nữa. Lúc đó, ngày nào tôi cũng đem cái máy nghe nhạc có thu vở diễn của mình ra công viên ngồi ca, cười, nói, khóc cho đã cái vai đó đi, xong rồi về nấu cơm.
Nhiều lúc vào shop mà thấy người ta bật cải lương là tôi đi ra ngay vì sợ nhớ nghề. Lâu lâu, tôi lén coi lại tuồng mà khóc. Có lúc, tôi quyết về Việt Nam để được hát, nhưng vì con nên đành ở lại.
Sau khi tôi mổ xong, tôi được một người bạn rủ đi bán nước. Việc nào cũng là công việc, dù đi bán nước trái cây, tôi vẫn hãnh diện vì được làm nó. Là một người nghệ sĩ, nhưng tôi vẫn làm được những công việc như vậy để lo cho con được học hành, nên tôi hãnh diện.
Tôi cứ bán như thế, cho tới ngày gặp Trấn Thành và được rủ về Việt Nam. Lúc gặp Trấn Thành ở Úc, tôi ôm cậu ấy và khóc nhiều vì muốn xin cậu ấy cho tôi được hát.
Không hát ngay lúc đó mà để Trấn Thành về Việt Nam thì tôi sẽ lại quay về cuộc sống bình thường. Chỉ cần được hát là tôi không còn thiết gì nữa.