Trận hỏa hoạn kinh hoàng từng suýt biến Luân Đôn thành bình địa

Mỹ Huyền |

Nửa đêm ngày 2/9/1666, một đám cháy bùng lên tại cửa hàng bánh nằm ở trung tâm Luân Đôn thời Trung Cổ. Không ai ngờ được trận hỏa hoạn này đã thiêu hủy gần như toàn bộ thành phố.

Hỏa hoạn từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử Luân Đôn, đặc biệt là vào năm 1212, nhưng tháng 9/1666, nhiều điều kiện hợp nhất để biến thành phố thành khung cảnh "hỏa ngục".

Trận hỏa hoạn kinh hoàng từng suýt biến Luân Đôn thành bình địa - Ảnh 1.

Đám cháy lịch sử

Thành phố có 500.000 dân lúc đó thực sự trở thành một mồi lửa lớn với đường phố chật hẹp, nhà cửa chủ yếu bằng gỗ. Những chuồng trại chất đầy rơm và cỏ khô ở khắp mọi nơi, nhiều căn hầm, nhà kho chứa vật liệu dễ cháy như nhựa thông, dầu đốt đèn, than đá.

Tồi tệ hơn, hạn hán kéo dài vài tháng dẫn đến tình trạng thiếu nước, biến những căn nhà gỗ thành củi khô dễ bắt lửa.

Ngọn lửa định mệnh nhen nhóm vào rạng sáng chủ nhật ngày 2/9, tại tiệm bánh ở Pudding Lane của Thomas Farriner. Trước khi đi ngủ, Farriner đã kiểm tra cửa hàng một lần cuối cùng.

Ông cũng cào than trong lò, vốn còn ấm sau một ngày làm bánh cho đội tàu Hải quân của Vua Charles II. Farriner thề là đã dập tắt lò trước khi nghỉ ngơi, nhưng có vẻ than vẫn cháy âm ỉ và bùng lên thành một đám cháy.

Dù nguyên nhân là gì, thì khi thức dậy lúc 1 giờ sáng, ông thấy ngọn lửa bao trùm ngôi nhà của mình. Người thợ làm bánh và con gái đã sống sót nhờ thoát qua cửa sổ trên tầng và bò theo máng nước đến nhà hàng xóm.

Một người hầu nam của ông cũng trốn thoát, nhưng một nữ hầu trẻ tuổi đã thiệt mạng do khói và ngọn lửa. Khi Farriner tụ tập cùng đám đông ở Pudding Lane, ngọn lửa đã thiêu rụi phần lớn ngôi nhà của ông.

Một vài người hàng xóm mang theo xô và hất nước vào đám cháy, nhưng hầu hết mọi người chỉ đứng nhìn hoặc vội vã trở về nhà để bảo vệ tài sản của họ. Thomas Bludworth, Thị trưởng Luân Đôn lúc đó, thậm chí còn làm ít hơn thế. Sau khi đến kiểm tra đám cháy, ông tuyên bố không có gì nghiêm trọng và trở về đi ngủ.

Một cơn gió Đông lớn nổi lên, thổi ngọn lửa lan từ tiệm bánh sang những tòa nhà khác ở Pudding Lane trước khi vươn đến Phố Cá, ở đây nó thiêu cháy chuồng ngựa của khách sạn Star Inn.

Khi lan đến một cửa hàng phụ tùng tàu thủy, ngọn lửa làm nóng những thùng chứa nhựa đường, khiến chúng phát nổ và một cơn mưa những mảnh vỡ cháy đỏ phủ lên khu phố.

Ngọn lửa đi tiếp về phía Nam hướng đến sông Thames, phá hủy mọi tòa nhà trên đường đi của nó. Nhà thờ Thánh Magnus trở thành nhà thờ đầu tiên trong số 84 thánh đường bị thiêu hủy trong đám cháy, cùng với hàng chục thị sảnh và nhà kho ven sông.

Đám cháy cũng tràn qua một nửa các tòa nhà và bánh xe nước trên Cầu Luân Đôn, nhưng đã dừng lại khi đến một khoảng đất trống do trận hỏa hoạn năm 1633 gây ra.

Đến lúc mặt trời mọc, cảnh tượng hỏa ngục diễn ra không kiểm soát trên bờ sông Thames. Samuel Pepys, một công chức kiêm người ghi chép, đã viết về sự hoảng loạn của người Luân Đôn như sau:

"Họ ở trong nhà cho đến khi ngọn lửa đến rất gần, và sau đó chạy lên thuyền hoặc cố leo qua cầu để đi từ bờ này sang bờ sông bên kia".

Trận hỏa hoạn kinh hoàng từng suýt biến Luân Đôn thành bình địa - Ảnh 2.

Samuel Pepys.

Những người khác thì ném thẳng tài sản, hàng hóa của họ xuống sông Thames. Trời sáng hẳn, gió tiếp tục duy trì ngọn lửa và thổi nó về hướng Tây qua các tòa nhà, sảnh đường và nhà thờ ở trung tâm của Luân Đôn.

Pepys mô tả đó là "một đám cháy kinh hoàng, tàn bạo và đẫm máu nhất", kéo dài cả dặm. Ông cũng viết: "Tôi đã khóc khi phải nhìn thấy nó".

Chữa cháy trong vô vọng

Sang ngày 3/9, trận hỏa hoạn càng thêm tồi tệ. Gió mang theo các tia lửa và than khắp thành phố, bắt đầu những đám cháy rải rác, cách xa nơi khởi nguồn. Lo sợ cả thành phố sẽ bị thiêu hủy, Vua Charles II đã cử em trai là Công tước xứ York, tức Vua James II sau này, phụ trách công tác cứu hỏa.

Đội cứu hỏa của Công tước sử dụng những chuỗi xích nặng, dây thừng và phải vật lộn để kéo sập các tòa nhà, nhằm tạo những khoảng trống, ngăn chặn hỏa ngục tiếp diễn.

Nhưng lửa lan quá nhanh, nó liên tục áp đảo những người đàn ông đang gắng sức. Tối hôm đó, ngọn lửa tràn qua Sở giao dịch Hoàng gia, trước khi nhấn chìm Lâu đài Baynard, một pháo đài đã tồn tại hàng thế kỷ.

Đám cháy lan rộng kéo theo đó là những tin đồn thất thiệt về nguyên nhân của nó. Nước Anh lúc này đang sa chân vào cuộc Chiến tranh Anh – Hà Lan lần thứ hai. Người Luân Đôn bắt đầu đồn đoán, đám cháy là do gián điệp của quân địch hay những tên khủng bố Công giáo phóng hỏa.

Cuối cùng, một đám đông hung hãn có vũ trang xuống đường và tóm lấy bất cứ ai nói giọng nước ngoài. Nhà của một người Pháp bị phá hủy, vì đám đông giận dữ tin rằng, ông đã lên kế hoạch để ngôi nhà bắt lửa.

Ở nơi khác, một người đàn ông đã bị tấn công, vì đám côn đồ nhầm hộp đựng bóng tennis của ông chứa "những quả cầu lửa" dễ cháy.

Trong khi người Luân Đôn tìm kiếm vật tế thần, ngọn lửa tiếp tục diễu hành đầy ngạo nghễ trên khắp thành phố. Ngày 4/9, Tòa thị chính Luân Đôn bốc cháy cùng hầu hết các công trình ở Cheapside, một trong những con phố giàu có nhất thủ đô.

Khi trận hỏa hoạn bắt đầu, rất nhiều người đã đến lánh nạn ở nhà thờ Thánh Paul, một thánh đường Trung Cổ có đỉnh tháp cao gần 153 mét, ngự trị trên bầu trời Luân Đôn.

Trận hỏa hoạn kinh hoàng từng suýt biến Luân Đôn thành bình địa - Ảnh 3.

Nhà thờ Thánh Paul

Người ta cho rằng kiến trúc bằng đá và quảng trường rộng của nhà thờ sẽ bảo vệ họ, nhưng khoảng 8 giờ tối, lửa cháy ngùn ngụt trên nhà thờ và khiến những người tị nạn tiếp tục chạy thục mạng.

Theo nhà văn John Evelyn, ngọn lửa làm tan chảy phần mái của nhà thờ, khiến kim loại nóng chảy và "rơi xuống đường như một dòng suối" và còn "vỉa hè rực sáng với vệt lửa đỏ".

Thánh Paul là một trong những tòa nhà lớn cuối cùng bị hủy diệt trong trận đại hỏa hoạn. Cùng đêm đó, trận gió Đông khốc liệt nuôi dưỡng ngọn lửa cuối cùng cũng dịu xuống, cho phép đoàn của Công tước xứ York thực hiện nhiệm vụ của họ.

Ở phía bên kia thành phố, các đơn vị đồn trú Tháp Luân Đôn sử dụng thuốc nổ để phá hủy nhà cửa, chặn lại đường đi của ngọn lửa. Đến chiều ngày 5/9, các đám cháy bị thu hẹp và lụi tàn dần. Hầu hết đã được dập tắt vào ngày hôm sau.

Hậu quả và sự tái thiết

Trận đại hỏa hoạn đã phá hủy 13.200 tòa nhà, khiến khoảng 100.000 người rơi vào tình trạng vô gia cư. Gần 162.000 mét vuông diện tích thành phố bị thiêu rụi, để lại một sa mạc đá cháy đen và những dầm gỗ còn cháy âm ỉ.

Trận hỏa hoạn kinh hoàng từng suýt biến Luân Đôn thành bình địa - Ảnh 4.

Quy mô trận hỏa hoạn.

John Evelyn phải than rằng: "Luân Đôn còn đó, nhưng chẳng nhiều".

So sánh với quy mô hủy diệt thì số người được cho là đã tử vong lại rất nhỏ. Báo cáo chính thức liệt kệ số ít như tầm 4 người đã chết. Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng số người chết thực tế có thể gấp hàng trăm, hàng nghìn lần con số đó.

Dù cuộc điều tra của Quốc hội kết luận nguyên nhân là "bàn tay của Chúa đã phủ lên, một cơn gió lớn và khí hậu rất khô", nhiều người Luân Đôn vẫn tin rằng đây là kết quả của một kẻ phóng hỏa ngoại quốc.

Trong cuộc săn lùng, một người Pháp mắc bệnh đần tên là Robert Hubert, thú nhận đã châm lửa tiệm bánh của Farriner. Hubert gần như chắc chắn là vô tội, thậm chí ông ta còn không ở Luân Đôn khi đám cháy bắt đầu, nhưng ông vẫn bị treo cổ vào tháng 10/1666.

Mặc dù tất cả bằng chứng đều đi ngược lại, những lời đồn về âm mưu nước ngoài hay Công giáo vẫn tồn tại trong nhiều thế kỷ.

Và như nhiều lần trước đó, Luân Đôn được xây dựng lại. Các kiến trúc sư quyết định sử dụng cơ hội này với dự án đầy tham vọng, một trong số đó là các quảng trưởng và đại lộ theo mô hình các thành phố lớn ở Pháp và Ý.

Nhưng, cuối cùng, Luân Đôn mới trông rất giống như cũ, dù các con hẻm đã rộng hơn và nhiều công trình bằng gạch hơn.

Nhà thờ Thánh Paul được xây mới và hoàn thành năm 1711, 45 năm sau khi bị phá hủy trong trận đại hỏa hoạn. Nhà thờ mới này sau đó trở nên nổi tiếng, vì tồn tại sau trận oanh kích Blizt, được mệnh danh là "Trận Đại hỏa hoạn thứ hai của Luân Đôn", trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại