“Trận chiến sinh tử” với cơn lũ khủng khiếp, tỷ lệ 10.000 năm mới xuất hiện một lần ở hồ Thác Bà

Thanh An |

“Chúng ta có thể hiểu nôm na là phải hơn 10.000 năm mới có 1 cơn lũ khủng khiếp như này!”, ông Nguyễn Văn Quyền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà chia sẻ.

Ảnh hưởng của cơn bão số 3, ngày 10/9, hồ Thác Bà đã phải nhận lưu lượng nước 5.600m3/s, vượt xa đỉnh lũ thiết kế. "Chúng ta có thể hiểu nôm na là phải hơn 10.000 năm mới có 1 cơn lũ khủng khiếp như này!". Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Quyền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà chia sẻ sau gần 5 ngày đêm căng mình cùng Cán bộ, công nhân viên (CBCNV) trực tiếp gồng mình đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hồ Thác Bà trước trận lũ lịch sử.

Ông Quyền tự nhủ, kể cả có phải làm lại, ông và lớp lớp người lao động trên các công trình thủy điện vẫn sẽ kiên cường như thế, vì cái được là hồ Thác Bà đã giữ lại gần 4 tỷ m3 nước, giúp đồng bào hạ lưu an toàn qua cơn bão lũ cuồng điên!

Bốn ngày đón 2 Phó Thủ tướng và cơn lũ hơn 10.000 năm mới đến

Thanh An: Mực nước trong hồ Thác Bà đã ở dưới mức 58m - trở về với ngưỡng an toàn. Lúc này hẳn ông đã có thể bình tâm hơn để chia sẻ đến nhân dân cả nước về những giờ phút trong tình thế nguy cấp thủy điện Thác Bà vừa phải đối diện chứ thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Để có được lời khẳng định với nhân dân cả nước rằng Thác Bà đã an toàn, quay trở lại với ngưỡng vận hành bình thường thì đúng là toàn bộ người lao động của thủy điện Thác Bà đã phải trải qua những ngày giờ… Biết nói như thế nào nhỉ… Áp lực của cơn lũ vượt xa tần suất 0,01% khả năng xuất hiện trong thực tế vận hành, nó kinh khủng lắm.

“Trận chiến sinh tử” với cơn lũ khủng khiếp, tỷ lệ 10.000 năm mới xuất hiện một lần ở hồ Thác Bà - Ảnh 1.

Căng thẳng dữ dội!

Riêng cá nhân tôi thôi, chưa nói đến các anh em trực kỹ thuật các tổ máy, 2 đêm liền (9 - 10/9) không thể ngủ được. Cả ngày quay cuồng xem lũ về, họp, bàn bạc, báo cáo, tổ chức và chỉ đạo phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tổ máy phát điện tối đa…

Nói chung căng thẳng đến mức không nuốt nổi một cái gì vào bụng thì làm sao mà ngủ nổi. Lúc ấy đối với mình nhé, đói không quan trọng, ngủ lại càng không. Cảm giác như tâm trí, cơ thể của mình rơi vào trạng thái lấy hết năng lượng tích lũy ra để hành động chứ không vận hành như một cơ thể sinh học bình thường nữa.

Cũng may thủy điện hôm nay đã thật sự an toàn để cán bộ công nhân viên còn quay trở lại quan tâm đến cuộc sống của cá nhân mình.

Ở đây chúng tôi cũng phải chịu cảnh ngập lụt như mọi nơi. Hiện toàn bộ khu đường nội bộ, như khu bờ sông với các nhà ở đó đang ngập hết. Nhiều anh em nhà vẫn ngập và phải sơ tán gia đình đến ở nhờ hội trường, nhà khách công ty gần tuần nay.

Hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây mưa lớn bất thường trên diện rộng, gồm nhiều tỉnh thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm với cường suất cao (trên 200 mm/ngày), kéo dài nhiều ngày.

Từ ngày 8/9, mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long... đều vượt báo động 3 (BĐ3), một số sông vượt BĐ3 từ 3 - 4m.

Đặc biệt, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Cùng với đó, lũ trên hồ thủy điện Thác Bà chạm mức lịch sử, đe dọa trực tiếp đến an toàn của đập.

Cụ thể, đập tràn của hồ Thác Bà chỉ có khả năng xả lớn nhất ở mức 3.230m3/s. Trong khi, thực tế lưu lượng lớn nhất về hồ có thời điểm lên tới 5.620m3/s, vượt đỉnh lũ và vượt xa khả năng xả lớn nhất đến 74%.

Thanh An: Hành trình đón đợt lũ vừa qua, nếu có thể gọi tên, ông sẽ gọi là gì?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Thủy điện Thác Bà được khảo sát - thiết kế từ những năm 1960, khởi công năm 1964 và khánh thành năm 1971. Tại thời điểm đó, chuyên gia tính toán mức lũ thiết kế cao nhất ở cường độ 5.100m3/s sẽ xuất hiện với tỷ lệ 0,01%. Tức là 10.000 cơn lũ thì mới ghi nhận một cơn có lưu lượng nước về 5.100m3/s.

Ấy thế mà đỉnh điểm cơn lũ lần này, có những lúc hồ Thác Bà phải nhận cường độ nước về đến 5.600m3/s. Vượt xa đỉnh lũ thiết kế.

Tính ra, phải hơn 10.000 cơn lũ, hoặc ở một cách tính toán lũ kiểm tra, chúng ta có thể hiểu nôm na là phải hơn 10.000 năm mới có 1 cơn lũ khủng khiếp như này!

Cho nên nếu có thể nói một điều gì đó về những ngày phòng chống lụt bão vừa qua, chắc mọi CBCNV ở Thác Bà sẽ đồng ý với tôi, lấy vạn biến giữ an toàn hồ đập trước mọi nguy cơ chưa từng có trong lịch sử.

Ngay như việc từ ngày mùng 8 đến ngày 11/9, tức là chỉ trong 4 ngày thôi, lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm hoạt động, thủy điện Thác Bà đón đến 2 Phó Thủ tướng, 2 Bộ trưởng và rất nhiều Thứ trưởng. Trước cơn lũ này, chưa bao giờ Thác Bà đón nhiều lãnh đạo cấp cao như thế đến nắm bắt thực tế, chỉ đạo và giao nhiệm vụ.

“Trận chiến sinh tử” với cơn lũ khủng khiếp, tỷ lệ 10.000 năm mới xuất hiện một lần ở hồ Thác Bà - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long theo dõi tình hình lưu lượng nước về hồ được cập nhật liên tục. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Riêng hôm 11/9 vừa rồi, Phó Thủ tướng Lê Thành Long lên làm việc với Yên Bái đấy chứ, nhưng Phó Thủ tướng phải vào Thác Bà khảo sát đập rồi mới quay ra Yên Bái họp. Lúc vào, bác nhìn thấy ông Tổng giám đốc mặt bạc hết, cho nên trước lúc về Hà Nội, Phó Thủ tướng còn quay vào kiểm tra lần cuối, trực tiếp nhận định an toàn rồi mới về.

Trước lúc chia tay, bác cười bảo: "Nhìn thấy mặt Tổng giám đốc có chút máu lên rồi. Rất mong các đồng chí vững dạ, kiên cường hoàn thành nhiệm vụ và nhớ tất cả bình an!"

“Trận chiến sinh tử” với cơn lũ khủng khiếp, tỷ lệ 10.000 năm mới xuất hiện một lần ở hồ Thác Bà - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao đổi với Giám đốc Thủy điện Thác Bà ngày 11/9. Tại thời điểm này, thủy điện Thác Bà mở 3 cửa xả (lưu lượng về đang giảm nhanh còn 3.100 m3/s, cân bằng vào ra). Ảnh: VGP/Đức Tuân

Theo quy trình vận hành, khi mực nước hồ Thác Bà lên mức 59,60m sẽ chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt để đảm bảo an toàn đập.

Thực tế từ 17h00 ngày 10/9, mực nước hồ Thác Bà đã đạt mức 59,62m và chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt. Sau đó đạt mức cao nhất là 59,84m vào hồi 5h00 ngày 11/9. Theo lý thuyết mực nước kiểm tra của hồ Thác Bà là 61,0m và nếu mực nước thực tế đạt đến ngưỡng này sẽ phải thực hiện các phương án để đảm bảo an toàn đập…

Vai trò của liên hồ - quyết phát điện thông lũ – cảm ơn ông trời!

Thanh An: Trong các phương án phòng chống lũ trước khi cơn bão số 3 đổ bộ, Thác Bà liệu đã có những chuẩn bị gì cho kịch bản nước hồ tăng đến mức rất cao - 59,84m - đe dọa nghiêm trọng đến an toàn đập và khiến Thác Bà phải chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Đương nhiên trong quy trình phòng chống lụt bão và thiên tai cũng như quy trình vận hành liên hồ thủy điện, chúng tôi luôn phải chuẩn bị kỹ càng cho mọi kịch bản khi nhận được dự báo về bão, lũ và thiên tai.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng cơn lũ sau bão số 3 mạnh khủng khiếp.

Chẳng hạn như ngay trước lúc lũ về, nước dâng lên ở hồ Thác Bà rất bình thường. Ấy thế mà chỉ cần mấy tiếng đồng hồ sau, nhất là giai đoạn 10 giờ tối 9/10, nước về hồ đột biến. Tăng rất nhanh. Có những giờ, tăng đến hơn 10cm.

Thời điểm đó tôi nhận định nước về như thế này là quá bất thường.

Bây giờ, ngẫm lại mới thấy sự tỉnh táo, kinh nghiệm và nhạy cảm nghề nghiệp có giá trị như thế nào khi đối diện với thiên tai. Mặc dù lúc đấy thực ra nước chưa ở mức báo động đâu nhưng lại là lúc chúng tôi lo nhất.

Toàn bộ ban chỉ huy phòng chống lụt bão của công ty thức xuyên đêm tại nhà làm việc ba tầng để tập trung theo dõi. Dự cảm cho tôi biết, nếu theo đúng quy trình, đợi nước lên 58 - 59m mới báo sẽ cực kỳ nguy hiểm. Bởi vì nước cứ thế lên nhanh bất thường, không thể dự báo sẽ đạt đỉnh ở độ nào.

Cho nên, khoảng hơn 1h sáng ngày 10/9, tôi báo cáo ngay Chủ tịch tỉnh Yên Bái - đại diện chính quyền địa phương. Tiếp đó, gần 2h sáng báo cáo về cục Quản lý Đê điều để nhận chỉ đạo. Nhờ thế mà Thác Bà đã phối hợp với chính quyền địa phương làm văn bản thông báo khẩn cấp tình hình thủy điện với nhân dân vùng hồ ngay trong đêm.

Gần 4h sáng, hệ thống loa tự động cứ 10 phút/lần liên tục phát cảnh báo dọc hai bờ sông: "Thác Bà 6h sáng xả lũ".

“Trận chiến sinh tử” với cơn lũ khủng khiếp, tỷ lệ 10.000 năm mới xuất hiện một lần ở hồ Thác Bà - Ảnh 4.
“Trận chiến sinh tử” với cơn lũ khủng khiếp, tỷ lệ 10.000 năm mới xuất hiện một lần ở hồ Thác Bà - Ảnh 5.
“Trận chiến sinh tử” với cơn lũ khủng khiếp, tỷ lệ 10.000 năm mới xuất hiện một lần ở hồ Thác Bà - Ảnh 6.

Người dân sinh sống ở những khu vực bị ảnh hưởng khi xả lũ thủy điện Thác Bà được chính quyền địa phương và lực lượng công an hỗ trợ di dời người, tài sản đến khu vực an toàn. Ảnh: VGP/NN

Thanh An: Trong các phương án bảo vệ an toàn hồ thủy điện Thác Bà, có phương án phải hy sinh ở đâu không thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Riêng với kịch bản nước to quá, phải có phương án xử lý đập như vừa rồi thì chúng tôi không nghĩ đến. Bởi đó là dự liệu cũng là công việc chuyên môn của các cơ quan chức năng ở cấp trung ương rồi.

Nhiệm vụ của Thác Bà là vận hành và đảm bảo an toàn đập, chuẩn bị mọi nguồn lực phòng chống nước tràn vào nhà máy, đảm bảo mọi tổ máy chạy hết công suất, phát điện tối đa. Ở bối cảnh khẩn cấp, phải báo động ngay.

Kể cả phương án huy động lực lượng dân quân tự vệ, tăng cường bơm di động ở mọi điểm sung yếu… chúng tôi cũng đã sẵn sàng, luôn luôn trúc trực. Bởi vì chỉ cần trong một tích tắc thôi, nước tràn vào nhà máy thì tất cả hệ thống máy móc không phát điện được nữa. Nguy hiểm lắm!

Chúng ta nên biết, đợt lũ vừa rồi nhiều nhà máy thủy điện ở trên này không phát được điện bởi vì nước vào dồn dập khiến không còn cột áp. Riêng Thác Bà lúc đó không tính điện với đóm làm gì nữa cả. Tất cả anh em lao vào chống ngập nước với một mục tiêu lớn nhất, giữ an toàn mọi Tuabin - trái tim của nhà máy, nhằm phát điện hết công suất để thoát nước nhiều nhất có thể.

Tóm lại, trong đỉnh điểm lũ về 5.600m3/s, Thác Bà chỉ xả tối đa 3.100m3/s, chúng tôi sống với một phương châm: TUYỆT ĐỐI AN TOÀN ĐẬP! TỔ MÁY PHẢI CHẠY ĐƯỢC!

Thanh An: Theo các chuyên gia, vai trò lớn nhất của công trình thủy điện quy mô lớn không hẳn là phát điện. Họ đánh giá nhiệm vụ chậm lũ, cắt lũ và điều tiết nước của các dòng sông mới là quan trọng bậc nhất đối với một hồ chứa thủy điện. Với ông thì như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Đối với Thác Bà trước lúc lũ về, mực nước trong hồ là 57,60m. Từ điểm 57m lên đến 58 - 59m, tức là lòng hồ vẫn còn đến mấy trăm triệu m3 để chứa nước.

Khi đỉnh lũ về với lưu lượng nước đạt 5.600m3/s, trong khi khả năng thoát lũ và xả đáy của Thác Bà dập dình từ 3.005m3/s - 3.100m3/s. Phần dư hơn 2.500m3 nước trên mỗi giây đồng hồ đã được giữ ở hồ, giúp chậm lũ về hạ lưu đã cho thấy vai trò điều tiết và cắt lũ của một công trình hồ chứa thủy điện.

Nếu không có hồ Thác Bà, toàn bộ đỉnh lũ 5.600m3/s lao thẳng xuống hạ du thì không biết cảnh ngập rất sâu, rất rộng ở đồng bằng Bắc Bộ sẽ kinh khủng đến nhường nào.

“Trận chiến sinh tử” với cơn lũ khủng khiếp, tỷ lệ 10.000 năm mới xuất hiện một lần ở hồ Thác Bà - Ảnh 7.

Tất nhiên khi lũ về quá lớn, hồ tích nước cao quá sẽ dẫn đến nguy hiểm cho Thác Bà như vừa rồi - tình trạng cảnh báo nguy cấp, ảnh hưởng đến an toàn công trình nhưng rõ ràng dưới hạ du với hàng chục triệu đồng bào sinh sống đã nhận mức lũ về giảm rất nhiều so với đỉnh lũ. Với nỗ lực đó rõ ràng người dân hạ du chắc chắn được nhờ.

Thực ra chỉ năm nay mới có lượng lũ về khủng khiếp như thế còn những năm trước, hầu hết các cơn lũ về đều trong tính toán thì liên hồ điều tiết hết. Nhìn rộng ra, hệ thống liên hồ lớn như Thác Bà, Tuyên Quang - nhánh sông Thao; Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu bên sông Đà suốt bao nhiêu năm qua vẫn bền bỉ nhiệm vụ điều tiết, cắt lũ, bảo vệ hạ lưu. Nhờ đó, từ rất lâu nay đã giúp người hạ du không phải chịu sức tàn phá của đỉnh lũ. Đỉnh nguy hại ấy đã được tích ở trên hồ.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh nước ngọt trên mọi dòng sông đang trở thành tài nguyên quý hiếm, đầy cạnh tranh, thì nhiệm vụ tích giữ nước với gần 4 tỷ m3 như hồ Thác Bà, 9 tỷ m3 như hồ Hòa Bình và rất nhiều hồ thủy điện lớn khác ở Việt Nam, đồng nghĩa là chúng ta đang gìn giữ tài sản quý giá cho đất nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại