Đã gần ba năm kể từ khi kẻ lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi tự xưng quyền làm chủ quốc gia và điều động nhóm khủng bố IS càn quét các khu vực rộng lớn của 2 quốc gia Iraq và Syria.
Ba năm sau, khi Mosul - thành phố lớn thứ hai của Iraq - được các lực lượng chính phủ chiếm lại, địa bàn hoạt động của IS bị đẩy lùi về thành phố Raqqa của Syria và các khu vực sa mạc miền tây Iraq. Thủ lĩnh IS Baghdadi mất tích và được cho là đã bị tiêu diệt.
Thủ tướng Iraq, ông Haider al-Abadi, đã nhanh chóng đích thân tới Mosul, hòa chung với niềm vui giải phóng của binh sĩ và người dân. Nhưng Abadi và người tiền nhiệm của ông, Nouri al-Maliki, cũng phải chịu trách nhiệm khi không kiểm soát được IS ngay từ những ngày đầu.
Ngoài Iraq và Syria, không quốc gia nào lường trước được sự trỗi dậy của IS vào năm 2014. Rõ ràng, việc chính phủ Baghdad thất bại trong việc đảm bảo đối xử bình đẳng với nhóm người Hồi giáo thiểu số dòng Sunni đã góp phần không nhỏ vào sự lớn mạnh của IS.
Ban đầu, không ít người tại Mosul còn chào đón và hỗ trợ IS.
Mặc cho những nỗ lực từ các quốc gia khác, đặc biệt từ Mỹ, thuyết phục Thủ tướng Maliki đảm bảo quyền lợi cho người Sunni và người Kurd, chính quyền Iraq vẫn không làm tròn nhiệm vụ. Nhân dịp đó, IS mặc sức tung hoành.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi bắt tay các binh sĩ sau chiến thắng Mosul
Sau khi hang ổ cuối cùng của IS bị tiêu diệt tại Mosul, không ai biết liệu quân đội Mỹ sẽ ở lại Iraq bao lâu, có ủng hộ chính quyền của ông Abadi hay không.
Lầu Năm Góc dường như không có ý định rút quân ngay sau khi yêu cầu Nhà Trắng cấp cho 1,27 tỷ đô la vào năm 2018 để tiếp tục hỗ trợ quân đội Iraq.
Cả Thủ tướng Iraq Abadi và Tổng thống Donald Trump đều có thể sẽ nhận chiến công tiêu diệt IS về phần mình. Nhưng những tuyên bố này có vẻ như vẫn còn là quá sớm.
Các phiến quân IS đang mất dần lãnh thổ chủ chốt, nhưng tư tưởng cực đoan của chúng vẫn tồn tại. Chúng sẽ tiếp tục tuyên truyền thù hận qua các phương tiện truyền thông và mạng internet. Lực lượng phiến quân, tuy nhỏ, nhưng vẫn có thể sẽ tiếp tục gây bạo động.
Có không ít bằng chứng cho thấy những tay súng dày dạn của nhóm khủng bố IS đã quay trở lại các quốc gia Châu Âu để chờ thời cơ, trực tiếp tấn công các quốc gia này.
Dù sao, chiến thắng Mosul vẫn xứng đáng với những nỗ lực và sự hi sinh của người dân Iraq. Tuy nhiên, thế giới vẫn cần đề cao cảnh giác với lực lượng khủng bố IS, đặc biệt các quốc gia Châu Âu.