Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) tuần này vừa nhận ra nó đang nằm trong đường di chuyển của một mảnh rác vũ trụ. Và nếu không có hành động được tính toán cẩn thận, ISS và mảnh rác không gian này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra một vụ tai nạn thảm khốc. Để tránh khu vực nguy hiểm, ISS sẽ cần kích hoạt động cơ và tự di chuyển đến khoảng cách tối thiểu chỉ cách hơn 600 mét so với mảnh rác kia.
Và đây là một khối rác hoàn toàn nhân tạo, bởi nó chính là mảnh vỡ của tàu vũ trụ Fengyun-1C, tuy nhiên kích thước của nó không được công bố.
Fengyun-1C trước khi nổ tung.
Đây là một vệ tinh thời tiết của Trung Quốc, được phóng lên năm 1999 và từng hoạt động ở độ cao 865 km so với bề mặt Trái đất, trước khi nó dừng hoạt động vào năm 2002. Vào ngày 11/1/2007, Fengyun-1C đã bị phá hủy bởi một tên lửa chống vệ tinh được phóng từ trung tâm vũ trụ Tây Xương, như một phần của cuộc thử nghiệm ASAT (Chống vệ tinh). Sau khi bị phá hủy, con tàu vũ trụ này đã vỡ tan thành hàng nghìn mảnh nhỏ. Số lượng mảnh vật thể có thể theo dõi được là hơn 4.000, còn các vật thể nhỏ hơn không thể theo dõi ước tính khoảng 40.000. Chúng được dự báo sẽ gây ô nhiễm vùng quỹ đạo thấp của Trái đất và cho tới thời điểm hiện tại, Fengyun-1C hiện vẫn là bãi rác không gian "quái dị nhất" trong lịch sử khám phá vũ trụ của loài người.
ISS sẽ phải nhường đường vì "tránh voi chẳng xấu mặt nào".
ISS sẽ tránh va chạm với rác vũ trụ nhờ các thông số hiệu chỉnh quỹ đạo được tính toán bởi Dịch vụ hỗ trợ điều hướng và đạn đạo của Trung tâm điều khiển sứ mệnh TsNIIMash. Trung tâm này là một phần của Hệ thống cảnh báo tự động về các tình huống nguy hiểm trong không gian gần Trái đất (ASPOS-OKP), một phần của cơ quan vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos).
Theo tính toán, các nhà điều hành sẽ khiến tàu vũ trụ chở hàng Progress MS-18 cập bến và cho động cơ định hướng hoạt động vào lúc 20h15 (giờ UTC) trong 361 giây. Điều này sẽ tạo cho cả trạm ISS một động lượng vào khoảng 0,7 m/s, cho phép đẩy độ cao trung bình của quỹ đạo ISS tăng 1.240 m để đạt 420,72 km, tránh được khu vực nguy hiểm.