Vào ngày thứ Năm vừa rồi, Trạm vũ trụ Quốc tế ISS đã bất ngờ thay đổi vị trí trên quỹ đạo khi các động cơ đẩy trên một môđun mới được kết nối của Nga bắt đầu hoạt động mất kiểm soát. Phòng thí nghiệm trong không gian với kích cỡ một sân bóng đã bị các động cơ đẩy lệch khoảng 45 độ, theo thông tin từ Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kì NASA. Ở thời điểm này, tình hình trên trạm vũ trụ đã được kiểm soát, theo phát ngôn viên từ NASA, và nhóm phi hành gia 7 người vẫn an toàn.
Động cơ đẩy hoạt động lỗi thuộc về môđun có tên gọi Nauka của Nga, một phòng thí nghiệm nhiều mục đích nặng 23 tấn. Nó bắt đầu có vấn đề vài giờ sau khi kết nối với trạm ISS, tại thời điểm 12:25 giờ ET (23:25 giờ Hà Nội), theo phát ngôn viên NASA Rob Navias. Cơ quan điều khiển tại trung tâm phi hành gia của NASA tại Houston đã nhận thấy trạm vũ trụ đi lệch hướng so với vị trí thông thường trong vài phút sau, và tự động gửi cảnh báo tới các phi hành gia trên trạm. Đến 12:42 ET, trạm vũ trụ đã mất kiểm soát về vị trí, theo quản lí ISS Joel Montalbano trong cuộc họp báo diễn ra sau đó.
Trạm vũ trụ ISS với khu vực của Mỹ ở bên trái, còn khu vực Nga ở bên phải. Ảnh chụp ngày 8/7, trước khi Nauka "cập bến" tại ISS.
Trạm vũ trụ Quốc tế ISS, một kì quan khoa học bao gồm 16 môđun cả để phục vụ sinh hoạt và nghiên cứu, bắt đầu trượt khỏi quỹ đạo với tốc độ 1,5 độ mỗi phút, theo NASA. Các động cơ đẩy từ phía bên kia của trạm vũ trụ, thuộc môđun dịch vụ Zvezda của Nga, đã hoạt động để chống lại lực đẩy từ Nauka, mà theo liên lạc viên tại NASA thì là “một vụ kéo co”.
Liên lạc viên Drew Morgan tại trung tâm điều khiển nhiệm vụ Houston nói với các phi hành gia Hoa Kì trên trạm vũ trụ: “Chỉ để cập nhật tình hình cho các cậu, ngay lúc này chúng ta đang ở trạng thái kéo co giữa các động cơ đẩy thuộc về cả môđun dịch vụ và Nauka. Chúng tôi đang lựa chọn hành động tốt nhất để làm lúc này.”
Gần một giờ sau đó, vào lúc 13:29 ET, trung tâm điều khiển tại Houston và Moscow đã lấy lại được khả năng điều khiển trạm vũ trụ và vật lộn điều chỉnh nó trở lại vị trí thông thường. “Các động cơ đẩy của Nauka không còn hoạt động nữa, chúng ta đã lấy lại quyền điều khiển, các thông số ổn định.”, ông Morgan nói với các phi hành gia Mỹ, “Có thể nói rằng các phần việc còn lại của ngày hôm nay sẽ không theo dự kiến.”
Theo ông Navias, phi hành đoàn đều an toàn. Người ta chưa xác định được ngay là điều gì đã khiến động cơ đẩy hoạt động lỗi và phun lửa. Theo ông Montalbano thì Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos đã vào cuộc điều tra nguyên nhân. Việc trạm vũ trụ ISS lệch khỏi hướng đi do động cơ phản lực lỗi “nhất định không phải việc thường xảy ra”, ông Montalbano bổ sung, ước tính rằng một sự kiện như vậy chỉ xảy ra 3-4 lần trong lịch sử 20 năm của ISS. Các đối tác còn lại trên trạm vũ trụ như Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản JAEA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA cũng tham gia vào việc theo dõi tình trạng của trạm vũ trụ trong thời gian xảy ra sự việc.
Môđun đa mục đích Nauka
Biến cố này đã buộc NASA phải hoãn việc phóng khoang capsule không người lái Starliner của Boeing lên ISS, với lịch trình ban đầu là 14:53 ET ngày thứ Sáu. Theo thông cáo của cơ quan này, vụ phóng sẽ được chuyển lịch đến ngày thứ Ba, ngày 3 tháng Tám, vào 13:20 ET.
Môđun Nauka, với tên gọi có nghĩa là “khoa học” trong tiếng Nga, được phóng từ bãi phóng Baikonur Cosmodrome tại Kazakhstan hôm thứ Tư tuần trước. Dù cho được phóng chỉ vào cuối tuần trước, môđun này đã có lịch sử lâu đời: việc phát triển nó bắt đầu từ năm 1995, với dự tính được phóng ban đầu vào năm 2007. Những những lần hoãn phóng và một số thay đổi về thiết kế cũng như mục đích đã khiến môđun này tới nay mới được đưa lên quỹ đạo.
Nauka gặp phải nhiều vấn đề gần như ngay sau khi tiến vào không gian. Môđun vũ trụ này triển khai được các tấm pin năng lượng mặt trời chỉ 13 phút sau khi phóng mà không gặp vấn đề gì, nhưng các vấn đề về giao tiếp và sức đẩy đã khiến nó không thể đi vào quỹ đạo dự kiến. Các kĩ sư và trung tâm điều khiển tại Moscow đã lập tức tìm ra cách để sửa chữa vấn đề, bằng cách bật cụm động cơ đẩy thứ hai của môđun để giúp Nauka không rơi ra khỏi quỹ đạo và bốc cháy ở khí quyển Trái Đất. Sau đó Nauka đã tiếp tục quỹ đạo định trước và tự động kết nối với trạm vũ trụ sau hành trình dài 8 ngày.