Trong kỷ nguyên không gian mới của loài người, các cơ quan hàng không không ngừng xây dựng những công trình mới ngoài không gian nhằm hỗ trợ tốt chuyến đi của con người đến các hành tinh xa xôi. Trạm không gian tương lai mà NASA lên kế hoạch sẽ là một bước đệm cho quá trình này.
Rất nhiều ý tưởng về trạm không gian mới được đặt ra. Đáng chú ý nhất là ý tưởng trạm không gian chuyển động ở quỹ đạo của Mặt Trăng, nó sẽ là trạm trung chuyển cho những sứ mệnh của con người đi các hành tinh xa hơn mà không cần quay về Trái Đất.
Trạm không gian mới này được thiết kế có hình dạng quả trứng, có kích thước vào khoảng 1.500 km và 70.000 km và sẽ được gửi thẳng đến Mặt Trăng chỉ bằng một lần phóng từ Trái Đất.
Các kỹ sư của NASA và những người đồng nghiệp của họ từ bốn cơ quan hàng không khác đã và đang làm việc với nhau về dự án này trong suốt những năm qua. Nhưng tất cả chỉ là bản vẽ bí mật, chưa công bố với dư luận và chưa trình lên các quan chức chính phủ.
Nếu như mọi thứ diễn ra đúng như kế hoạch của họ, thì dự án này sẽ được ra mắt vào năm 2023. Đầu tiên một robot có dạng như chiếc xe bus được gọi là PPB sẽ được phóng lên và quay quanh Mặt Trăng.
Hai năm tiếp sau đó, một cặp module hình trụ rộng 4,5 mét và dài 5 mét, nặng không quá 10 tấn sẽ được phóng lên và kết nối với PPB.
Và cuối cùng vào 90 ngày kế tiếp, họ sẽ đưa ngôi nhà được thiết kế cho các phi hành gia ở lên và kết nối tất cả lại với nhau. Ngoài ra, một module khóa khí do Nga chế tạo cũng sẽ được gắn thêm vào vào giữa những năm 2020 giúp các phi hành gia đi bộ ra không gian dễ dàng hơn nhiều.
Những bước kế tiếp trong đại sứ mệnh đưa con người lên Sao Hỏa vào thập niên 2030. Ảnh: NASA.
Ở bên ngoài, cả hai module sẽ được phủ một lớp vật chất dày cùng bộ tản nhiệt có hiệu suất gấp đôi so với bộ giáp chống các vi tiểu thiên thạch, và có bốn cổng kết nối để có thể gắn kết được với nhau cho những chuyến tàu cập bến trạm không gian trong tương lai.
Khu vực quỹ đạo của Mặt Trăng ít rác vũ trụ hơn so với quỹ đạo của Trái Đất, vì thế các kỹ sư sẽ xem xét thiết kế những bức tường mỏng hơn vì sẽ không phải chịu đựng những va chạm quá mạnh.
Ở bên trong, mọi thứ được bày trí hết sức tỉ mỉ nhằm giảm nhẹ khối lượng và tối đa hóa không gian. Bàn ăn sẽ được gấp lại sau mỗi bữa ăn và gian ngủ có thể được thổi phồng hoặc tháo hơi mỗi khi cần thiết. Tủ lạnh có vai trò như một thiết bị nhà bếp và một kho lưu trữ các mẫu vật khoa học.
Tất cả những module và thiết bị được lắp ghép lại để tạo nên trạm không gian đầu tiên chuyển động quanh Mặt Trăng. Ảnh: Russian Space Web.
Nỗ lực lớn nhất phải kể đến là quá trình tái chế và tái sử dụng nước, oxy cùng các nguồn tài nguyên, năng lượng khác trên trạm. Rác thải khi bị vứt ra không gian sẽ mang kèm theo oxy trong trạm, nên các kỹ sư đã thiết kế một vùng tái chế và thu nhận lại oxy ở phía sau trước khi nó bị thải bỏ chính thức.
Trong khi đó, phương tiện di chuyển đến trạm vẫn còn là một vấn đề gây tranh luận. Mỗi phi hành đoàn sẽ đưa đến từng điểm khác nhau của trạm khi nó chuyển động quanh quỹ đạo Mặt Trăng bằng một phương tiện chuyên dụng, nhưng đó là tàu của công ty tư nhân hay tổ chức chính phủ thì vẫn chưa được xác định.
Mục tiêu cuối cùng của dự án đầy tham vọng này chính là cuộc thám hiểm không gian kéo dài hơn một năm thẳng tiến đến Sao Hỏa. Để biến điều này thành sự thật, NASA cần phải có một tên lửa đẩy 20 tấn hoàn toàn mới vào nửa cuối thập niên 2020.
Trạm Không gian Quốc tế (ISS) sẽ kết thúc 30 năm lịch sử của mình vào cuối thập niên 2020. Ảnh: NASA.
Trạm không gian mới này là một nơi thích hợp để các phi hành gia rèn luyện và làm quen với môi trường. Ngoài ra, trạm cũng là một bãi đáp cho những sứ mệnh robot hay tàu vũ trụ có người lái từ Mặt Trăng hay các tiểu hành tinh.
Dù sao đi nữa, ISS sắp hoàn thành sứ mệnh 30 năm lịch sử của mình. Việc trạm không gian này ngừng hoạt động sẽ đóng lại một chương trong lịch sử khám phá của loài người, nhưng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới với rất nhiều những khía cạnh triển vọng cần NASA và các đối tác khai thác.
Nguồn: Popular Mechanics