Công an lấy dấu vân tay các đối tượng tại một công ty chuyên gọi điện đe dọa, chửi bới, lợi dụng mạng xã hội để khủng bố - Ảnh: Công an cung cấp
Đầu một buổi lên lớp tôi nhận được một cuộc điện thoại lạ. Nghĩ là phụ huynh gọi, tôi bắt máy. Chưa kịp chào nhau, đầu dây bên kia giới thiệu là công ty đòi nợ, yêu cầu tôi đốc thúc một người tên Y. phải trả nợ cho họ. Tôi nói ngay là không liên quan gì đến việc nợ kia và yêu cầu đừng gọi cho tôi. Bên kia không hồi đáp gì. Tôi lên lớp mà lòng bất an.
Về nhà, xem lại danh bạ thấy có số của Y. là học trò cũ của tôi. Y. không có liên hệ gì với thầy nhiều ngoài mấy câu thăm hỏi dịp lễ, tết mà thôi. Mấy ngày sau lại có số lạ gọi đến.
Nghe thì sợ bị đòi nợ, không nghe lại sợ đó là số máy của phụ huynh thông báo việc gì và tôi không bỏ sót thông tin liên lạc từ phụ huynh. Tôi chưa kịp nghe, cuộc điện thoại ngắt và lại có số khác gọi đến ngay sau đó.
Đồng nghiệp của tôi, một vài người đã gặp tình trạng tương tự. Tôi quyết định không nghe cuộc gọi từ số lạ. Nhưng nào có yên! Họ bắt đầu gửi tin nhắn với nội dung nhắn với Y. phải thanh toán số nợ đã vay của công ty. Nếu không trả, công ty sẽ đưa vụ việc ra trước pháp luật. Tin nhắn gửi đi từ một số này nhưng lại đề nghị tôi hồi đáp cho một thuê bao khác.
Sau đó mấy ngày, tôi lại có tin nhắn từ công ty đòi nợ. Lần này, cũng nhắn cho Y. với nội dung khuyến cáo nên mau trả nợ, bí bách quá thì trình bày, công ty sẽ gia giảm. Tiếp đó, họ lại đề nghị liên hệ để giải quyết.
Tôi chịu hết nổi, gọi cho Y. kèm lời khuyên nên thanh toán nợ để tôi thoát cảnh bị nhức đầu, mất ăn, mất ngủ cả tháng trời vì tin nhắn và cuộc gọi đến bất kể ngày đêm. Y. nói không nợ ai và cho biết tôi không phải người đầu tiên phiền trách vì bị đòi nợ có liên quan đến em. Sau đó cho biết đã liên hệ bên đòi nợ đề nghị đừng gửi tin, gọi điện đòi nợ nữa.
Tôi bớt lo được một tuần, lại nhận được tin nhắn mới. Từ khuyến cáo mau trả nợ, giờ họ thông báo đã tìm được công ty nơi Y. đang làm việc, sẽ báo lãnh đạo kỷ luật Y., dọa sẽ đưa vụ việc lên Facebook kèm ảnh cá nhân cho mọi người biết.
Những tin nhắn sau là lời đe dọa "gặp đâu chém đó" hay "lấy máu trừ nợ"... Tin nhắn nào cũng đưa ra thời gian tối hậu để con nợ thực hiện nếu không muốn chịu hậu quả nặng nề. Dù biết những lời đe dọa đó không phải gửi cho tôi vì tôi không có nợ gì công ty nhưng tôi vẫn ám ảnh vô cùng.
Y. vẫn nói không có nợ nần gì nên cũng không thể giúp gì để tôi thoát khỏi sự khủng bố. Họ cũng không đưa ra được bằng chứng gì về việc Y. nợ bao nhiêu, thời gian trả, lãi suất ra sao, còn nợ bao nhiêu... mà chỉ cho hàng loạt số thuê bao để liên hệ trả nợ.
Quá nhiều số, phản ảnh sao cho hết!
Tôi cũng được biết báo chí đã thông tin đến người dân cách phản ảnh cuộc gọi, tin nhắn khủng bố đến 156. Nhưng bên đòi nợ sử dụng quá nhiều số thuê bao, chẳng lẽ mỗi lần họ gọi hay gửi tin nhắn và chúng tôi lại phải thực hiện đủ các bước theo quy định mới mong được giải quyết? Thời gian đâu mà làm.
Trong một tháng kiểm lại tôi thấy bên đòi nợ đã dùng hơn 10 số điện thoại khác nhau. Nếu tính thêm các số điện thoại cho kèm để liên lạc thì đã là con số mấy mươi. Vậy thì gọi phản ảnh sao cho hiệu quả đây?
Không chỉ tôi, nhiều đồng nghiệp cũng gặp phải cảnh ngộ như vậy. Học trò ra trường quá lâu, thầy cô muốn tìm lại trò cũng không dễ (nếu chúng tôi không lưu số).
Thật là quá khổ sở với kiểu đòi nợ độc địa này. Rất mong cấp có thẩm quyền nhanh chóng rà soát lại việc sử dụng cuộc gọi và tin nhắn mang tính chất xã hội đen làm khổ người dân như hiện nay.