Trái ngược với sự phục hồi của ngành hàng không, vốn hóa Vietnam Airlines lại sắp chạm đáy lịch sử

Hà Linh |

Vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines đã giảm gần 36% so với đầu năm xuống còn 32.900 tỷ đồng, mức gần thấp nhất kể từ khi hãng hàng không này lên sàn chứng khoán tháng 1/2017.

Đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam từ tháng 3 đã giúp thị trường hàng không nội địa gần như hồi phục hoàn toàn. Theo IATA, Việt Nam dẫn đầu thế giới về mức độ phục hồi thị trường nội địa với sản lượng khách nội địa trong nửa đầu 2022 quay về mức 106% trước dịch. SSI Research kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2022 nhờ nhu cầu du lịch phục hồi.

Đối với các đường bay quốc tế, khả năng phục hồi trong ngắn hạn của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào mức độ nới lỏng về nhập cảnh của các quốc gia đến. Hầu hết các quốc gia đã giảm thiểu yêu cầu nhập cảnh hoặc đang có kế hoạch trong thời gian tới tuy nhiên chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc vẫn đang ảnh hưởng đáng kể đến sự phục hồi của du lịch và hàng không Việt Nam.

Trong kịch bản cơ sở, VNDirect kỳ vọng tuyến hàng không nối giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ phục hồi mạnh mẽ từ quý 2 khi hoạt động quảng bá du lịch triển khai mạnh.

Theo sau, các đường bay đến Hàn Quốc, Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ sẽ hồi phục từ quý 3, Đài Loan (Trung Quốc) và Nga từ quý 4/2022 trong khi hoạt động du lịch tới Trung Quốc có thể sẽ được triển khai trở lại trong quý 1/2023.

Trái ngược với sự phục hồi của ngành hàng không, vốn hóa Vietnam Airlines lại sắp chạm đáy lịch sử  - Ảnh 1.

Với riêng Vietnam Airlines, hãng mới nối lại được 35 đường bay quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2022, bằng 53% trước đại dịch. Các đường bay quốc tế đóng góp tới 65% doanh thu của hãng do đó sự phục hồi khiêm tốn của thị trường này đã ảnh hưởng đáng kể đến tình hình hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines.

Ngoài ra, giá nhiên liệu bay tăng cao cũng khiến Vietnam Airlines phải “đau đầu”. Thực tế, hãng hàng không này xây dựng kịch bản nhiên liệu bay dự kiến là 80 USD/thùng Jet A1 tuy nhiên con số bình quân 6 tháng đầu năm 2022 đã lên tới 116 USD/thùng Jet A1.

Với mỗi 1 USD nhiên liệu bay chênh lệch có thể làm tăng chi phí của hãng lên 10 tỷ đồng/tháng, Vietnam Airlines đã phát sinh thêm khoảng 2.300 tỷ đồng từ chi phí nhiên liệu bay trong nửa đầu năm.

Kết quả, Vietnam Airlines đạt 29.943 tỷ đồng doanh thu sau 6 tháng đầu năm 2022, tăng gấp 2,1 lần cùng kỳ nhưng lỗ ròng 5.237 tỷ đồng trong đó lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 5.167 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến thời điểm 30/6 âm 28.904 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cũng âm 4.897 tỷ đồng.

Vốn hóa xuống sát đáy lịch sử trước lo ngại hủy niêm yết

Việc chưa thể khắc phục được tình trạng kinh doanh thu lỗ và âm vốn chủ sở hữu là nguyên nhân khiến Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) lưu ý về khả năng hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines.

Trước đó, vào ngày 1/6, HoSE đã ban hành quyết định giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN với lý do vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng căn cứ theo BCTC quý 1/2022 và công ty đã lỗ trong 2 năm gần nhất.

HoSE cho biết, căn cứ theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 120 tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019 như sau:“Cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.

Do đó, HoSE lưu ý Vietnam Airlines về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm. Nguy cơ bị hủy niêm yết của Vietnam Airlines là khá rõ ràng bởi tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 6, Vietnam Airlines vẫn dự kiến lỗ ròng 9.335 tỷ đồng trong năm nay.

Trước nguy cơ bị hủy niêm yết, cổ phiếu HVN đã liên tục giảm sâu từ đầu tháng 9 và hiện đang dừng ở mức 14.850 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường cũng theo đó bị thổi bay hơn 18.400 tỷ đồng (tương đương gần 36%) so với đầu năm, xuống còn 32.900 tỷ đồng, gần chạm đáy lịch sử kể từ khi lên sàn tháng 1/2017.

Trái ngược với sự phục hồi của ngành hàng không, vốn hóa Vietnam Airlines lại sắp chạm đáy lịch sử  - Ảnh 2.

Trong nỗ lực cứu vãn tình hình, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 để báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong năm nay để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu.

Trong đó, giải pháp cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh vận tải hàng không là thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi, nhanh chóng phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất không đẩy lỗ lũy kế tăng cao trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn và tiến tới có lãi trong các năm sau.

Ngoài ra, Vietnam Airliens cũng sẽ thực hiện tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền và cuối cùng là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại