Trải nghiệm khó quên ở Ladakh - Tiểu Tây Tạng của cô gái Việt: Thời tiết lạnh buốt, móng tay và tóc gãy vì khô, shock độ cao khi băng đèo cao nhất thế giới…

Minh Nguyệt |

Khí hậu khắc nghiệt, nhiệt độ liên tục, thiếu oxy đến khó thở đau đầu, shock độ cao khi vượt qua những cung đường đèo quanh co... là những trải nghiệm có 'một không hai" mà Linh Ngọc có được tại vùng đất Ladakh.

"Đặt chân đến đây, mình vỡ òa với vẻ đẹp bí ẩn, hùng vĩ tại nơi đây. Mình đã xem rất nhiều bức ảnh về nơi này nhưng cũng phải thốt lên câu: "Trời ơi, đẹp hơn trong ảnh quá nhiều". Đúng là đôi mắt chính là chiếc camera xịn nhất, có thể thu được mọi thứ. Dù ảnh đẹp cỡ nào cũng không bao giờ lột tả được hết cái hồn của Ladakh".

Đó là cảm xúc của Thái Quỳnh Linh Ngọc (SN 1989, 33 tuổi, quê Hà Nội) khi đặt chân đến Ladakh - nơi được mệnh danh là tiểu Tây Tạng ở Ấn Độ, nổi tiếng với quang cảnh hoang sơ, hùng vĩ cùng khí hậu vô cùng khắc nghiệt.

Lần đầu tiên Linh Ngọc biết đến Ladakh là từ 10 năm trước trên một diễn đàn của những người thích đi phượt. Lúc ấy, cô không biết Ladakh là đâu, nghe cái tên thấy như ở một miền xa xôi ít người biết tới nên click vào xem thử. "Mình thật sự bị choáng ngợp, hồi đấy kỹ thuật nó chưa hiện đại như bây giờ, nên nhìn những bức ảnh có vẻ chân phương hơn mà mình thật sự ấn tượng. Nhìn núi non bao la, hùng vĩ, những tu viện đậm màu sắc tôn giáo, cảm giác của mình đó là một thế giới khác, pha màu sắc của Tây Tạng với một chút văn hóa của Ấn Độ, tạo nên một Ladakh có một không hai", Ngọc chia sẻ.

Kể từ khoảnh khắc đó, Linh Ngọc quyết định đã quyết định đưa Ladakh vào danh sách những nơi nhất định cô sẽ phải đặt chân đến một lần trong đời.

 Trải nghiệm khó quên ở Ladakh - Tiểu Tây Tạng của cô gái Việt: Thời tiết lạnh buốt, móng tay và tóc gãy vì khô, shock độ cao khi băng đèo cao nhất thế giới…  - Ảnh 1.

Theo kế hoạch, Ngọc dự định đến Ladakh là từ đầu năm 2020. Lúc định đặt vé thì bùng dịch Covid nên đến hơn 2 năm sau, chuyến đi mới có thể thực hiện được. Trước chuyến đi, đọc trước những bài review về Ladakh, Linh Ngọc và nhóm bạn chuẩn bị rất nhiều thứ.

8X chia sẻ: "Càng đọc nhiều, bọn mình càng lo lắng. Ladakh ở trên cao, có những chỗ còn cao hơn cả Everest Basecamp, nhiều người bị shock độ cao, thiếu oxy còn phải nhập viện, chảy máu mũi là chuyện thường. Ngày nào mình cũng tìm hiểu khí hậu, nhiệt độ ở Ladakh thì thấy ngày và đêm rất chênh lệch nhau, có lúc âm độ, có lúc lại 15 độ. Vậy nên mình cũng khá bối rối trong việc chuẩn bị đồ, chỉ sợ bị ốm bệnh, lại không tận hưởng được chuyến đi".

Qua tìm hiểu thấy khi hậu khắc nghiệt như vậy, trước khi đi khoảng 1 tháng, Ngọc quyết định tập luyện sức khỏe bằng cách đi chạy buổi sáng, 1 tuần chạy khoảng 2 buổi, mỗi buổi chạy khoảng 3 - 4km, đeo khẩu trang khi chạy để quen với việc thiếu không khí và mất sức.

Cuối cùng, đến tháng 6/2022, Linh Ngọc và nhóm bạn của mình đã bay từ Hà Nội đến Delhi, rồi từ đây bay đến thành phố Leh thuộc Ladakh. Đặt chân đến đây, Ngọc thấy ngỡ ngàng bởi khung cảnh trước mắt quá đẹp. Các đỉnh núi tuyết chìm trong mây, những con đường cát trải dài bất tận đẹp hơn những gì trong ảnh mà cô từng xem từ trước.

 Trải nghiệm khó quên ở Ladakh - Tiểu Tây Tạng của cô gái Việt: Thời tiết lạnh buốt, móng tay và tóc gãy vì khô, shock độ cao khi băng đèo cao nhất thế giới…  - Ảnh 2.

8X cho biết, Ladakh thuộc dãy Himalayas nên cảnh thiên nhiên ở đây mang toàn bộ đặc trưng của dãy Himalayas, xung quanh là những ngọn núi tuyết hoặc những ngọn núi đá nâu cằn cỗi tuyệt nhiên không có một bóng cây. Những ngọn núi đá này có màu sắc khá đẹp, có vân đá mang đầy sự huyền bí. Thỉnh thoảng sẽ có thung lũng nằm phía dưới những ngọn núi là rất nhiều cây populus và những ngôi nhà thấp tầng.

"Đã mắt" với cảnh đẹp của Ladakh chưa được bao lâu, Linh Ngọc và nhóm bạn của mình đã phải đối mặt với thử thách về khí hậu, địa hình ở nơi đây.

Nếu nói về khí hậu ở nơi này, Ngọc cho rằng, dùng một từ "khắc nghiệt" thôi là chưa đủ. Leh và Nubra Valley là nơi đỡ lạnh nhất ở Ladakh nhưng nhiệt độ vào buổi sáng ở đây chỉ khoảng 4 độ, lạnh và rất buốt. Trong ngày, nhiệt độ, thời tiết thay đổi "chóng mặt", lúc rất lạnh, lúc lại nóng. Điều này cũng tác động rất nhiều lên sức khỏe của Ngọc và những người bạn, dễ bị mệt và mất sức, còn có triệu chứng như cảm cúm nữa. Để giữ sức, cả nhóm phải sử dụng miếng dán giữ nhiệt khi lạnh và đội mũ rộng vành lúc trời nắng to.

 Trải nghiệm khó quên ở Ladakh - Tiểu Tây Tạng của cô gái Việt: Thời tiết lạnh buốt, móng tay và tóc gãy vì khô, shock độ cao khi băng đèo cao nhất thế giới…  - Ảnh 3.

8X chia sẻ: "Sáng ở Leh lạnh như vậy, tầm trưa thì rơi vào khoảng 15 độ, đi bộ còn cảm thấy nóng. Đến chiều thì gió mạnh, rơi vào khoảng 6 - 8 độ, xong tối xuống lại 2 - 4 độ, cứ lạnh xong nóng rồi lại gió, lạnh. Đỉnh điểm là ngày mà bọn mình thức dậy ở Leh, xong lên xe đi đến Khardung La, xung quanh thay đổi dần khung cảnh từ thung lũng, nhà cửa với rất nhiều cây populus đến những rặng núi tuyết đóng cứng, xong từ trên xe đang ấm, xuống xe thấy lạnh buốt răng".

"Khí hậu ở đây còn khô đến nỗi móng tay của mình giòn gãy hết, tóc cũng khô gãy, mũi thì bị bong tróc da đóng cục, môi thì bôi bao nhiêu son dưỡng cũng không đủ", Linh Ngọc nói thêm.

Linh Ngọc và nhóm bạn đã đặt chân đến cả nơi thấp và cao nhất ở Ladakh. Leh - nơi thấp nhất ở Ladakh vẫn cao hơn đỉnh Fansipan với độ cao 3.600 m so với mực nước biển. Nơi cao nhất là đèo Khardung La cao 5610 m so với mực nước biển - đây cũng là con đèo cao nhất thế giới. Đến đây, Ngọc cho biết, nhiều người còn nôn mửa do shock độ cao, có thành viên trong đoàn còn chảy máu mũi suốt 2 ngày.

 Trải nghiệm khó quên ở Ladakh - Tiểu Tây Tạng của cô gái Việt: Thời tiết lạnh buốt, móng tay và tóc gãy vì khô, shock độ cao khi băng đèo cao nhất thế giới…  - Ảnh 4.

Ngọc cho biết, đặc sản của Ladakh chính là những khúc cua, cung đường đèo quanh co, ngoằn ngoèo, hình thắt nút tay áo, đủ mọi hình dạng. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Ngọc tại đây là vượt đèo cao 5610m.

"Chắc chắn mỗi khi nhớ đến Ladakh mình sẽ nhớ đến những khoảnh khắc chinh phục Khardung La, ngọn đèo cao nhất thế giới với độ cao 5610 m. Khi xe băng qua những đoạn đường đèo, đoàn mình có bạn ngồi ghế phía trên thỉnh thoảng lại rú lên một cách hãi hùng. Suốt quãng đường, cả nhóm ai cũng đau đầu, hoa mắt vì say xe, shock độ cao. Mọi người buồn nôn đến chảy nước mắt", Linh Ngọc nói thêm.

 Trải nghiệm khó quên ở Ladakh - Tiểu Tây Tạng của cô gái Việt: Thời tiết lạnh buốt, móng tay và tóc gãy vì khô, shock độ cao khi băng đèo cao nhất thế giới…  - Ảnh 5.

Điều khiến Linh Ngọc cảm thấy đặc biệt ấn tượng là con người và sự bình yên ở nơi đây. Cô cho biết, người dân ở đây đa số theo Phật giáo Tây Tạng, mọi người đều thân thân thiện, nhiệt tình và hiếu khách.

Cô chia sẻ: "Mình hoàn toàn bị thu hút bởi những tu viện cổ xưa tĩnh lặng và bình yên. Xen lẫn giữa thiên nhiên khắc nghiệt, thay đổi nhiệt độ liên tục, thiếu oxy đến khó thở đau đầu là những con người siêu thân thiện và rất hiền lành. Ở đây, mình không bị điện thoại hay internet ảnh hưởng, chỉ có con người và thiên nhiên".

"Mình thích cả cái không khí tĩnh lặng, cổ xưa trong các tu viện, các nhà sư, tiếng tụng kinh, khung cảnh thiên nhiên bình yên. Mình nhớ mãi cảnh các nhà sư ngồi cùng chú mèo ở sân phía trong tu viện buổi trưa ngập nắng hay những ngày đi xoay hàng loạt bánh xe kinh luân ở các tu viện", 8X nói thêm.

Linh Ngọc tiết lộ, chi phí cho chuyến đi hết tổng cộng 25 triệu đồng, bao gồm toàn bộ chi phí từ xin visa đến mua bán ăn vặt ở cả Ladakh, Delhi và Agra. Trong đó phần đắt nhất chắc là vé máy bay, vé bay Hà Nội - Delhi không đắt nhưng chặng nội địa Delhi - Leh thì khá đắt. Còn lại các chi phí khác ở Ấn không cao.

 Trải nghiệm khó quên ở Ladakh - Tiểu Tây Tạng của cô gái Việt: Thời tiết lạnh buốt, móng tay và tóc gãy vì khô, shock độ cao khi băng đèo cao nhất thế giới…  - Ảnh 6.

Một tuần ở Ladakh khiến Ngọc như được chữa lành cho chính mình bởi những trải nghiệm "có một không hai", sự an nhiên, thanh bình cùng vẻ thân thiện của con người nơi đây. Tính cả Ladakh (Ấn Độ), đến nay, Ngọc đã đặt chân được đến 19 đất nước. Hầu như các địa điểm phổ biến ở Việt Nam cô còn đi rất nhiều lần. Ngoài các chuyến đi khám phá, nghỉ dưỡng Ngọc còn thích cả du lịch mạo hiểm như trekking, leo núi, thám hiểm hang động…

Hiện tại, Linh Ngọc đã nghỉ công việc văn phòng, dành toàn bộ thời gian của mình để theo đuổi đam mê đi du lịch, trải nghiệm khắp nơi trên thế giới và muốn tạo ra một ứng dụng di động có thể hỗ trợ những người thích đi du lịch tự túc. 8X cho biết, đến hết năm 2022, cô dự định sẽ thực hiện tour Mỹ-Canada hoặc Australia-New Zealand và thăm núi lửa Bromo (Indonesia). Trong trường hợp có thể chuẩn bị chu đáo về thời gian, tài chính cũng như sức khỏe, Linh Ngọc sẽ trekking đến Everest Basecamp.

Ảnh: NVCC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại