Tác giả bài viết, Christina Vo, sinh năm 1979 tại Mỹ. Cô đã có bài viết trên USA Today về trải nghiệm Tết của mình tại Việt Nam và sự gắn bó với phong tục truyền thống dịp Tết ở Việt Nam.
Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên khi 22 tuổi, khi vừa mới ra trường cách đây hơn 20 năm, vẻ đẹp lãng mạn của Hà Nội đã làm tôi say đắm. Tôi đến trùng với dịp Trung thu, thời điểm mà không khí ở thủ đô tràn ngập niềm vui.
Mùa thu năm đó tôi gặp rất nhiều bạn mới: những người Mỹ gốc Việt như tôi; những người nước ngoài khác đang du lịch và những người quen quyết tâm xây dựng cuộc sống tại Hà Nội. Tuy nhiên, tôi cảm thấy chênh vênh về danh tính của mình - không hẳn là người nước ngoài, không hẳn là người Việt mà là một "Việt Kiều".
Vài tháng sau khi tôi đến, không khí Tết - Tết Nguyên Đán và ngày lễ quan trọng nhất của người Việt - tạo nên một sự yên tĩnh nhất định mà nhưng lại khá vui tươi. Đường phố Hà Nội được tô điểm bởi những cây hoa đào nở rộ được chở đằng sau xe máy.
Nhiều người cho rằng Tết có thể buồn tẻ và nhàm chán đối với người nước ngoài. Thành phố vốn nhộn nhịp sẽ "đóng cửa" trong hai tuần để người dân chuẩn bị cho dịp Tết, và đa số người dân Việt Nam sẽ không giải quyết việc gì cho đến "sau Tết".
Trên thực tế, tôi đã phải "ăn" nhiều cái Tết ở Việt Nam mới hiểu hết ý nghĩa của ngày lễ cũng như mối liên hệ cá nhân của tôi với đất nước và truyền thống. Trước đó, những gì tôi biết về Việt Nam không có gì hơn là nơi cha mẹ tôi sinh ra.
Năm 2003, theo gợi ý của bạn bè, tôi xuôi Nam vào thành phố Hồ Chí Minh, vô tình được dẫn đến những nơi gắn liền với quá khứ của cha tôi. Ông sinh ra ở Sài Gòn, sống ở Vũng Tàu với bà ngoại trên vườn nhãn trong suốt thời thơ ấu.
Ông từng kể với tôi về Tết rằng, theo phong tục châu Á, mọi người đều được thêm một tuổi vào dịp Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm bận rộn nhất trong năm của những người thợ may, họ phải làm việc ngoài giờ để hoàn thành đơn đặt hàng của khách. Những ngôi nhà được dọn dẹp sạch sẽ, đồ đạc bị hỏng hóc sẽ được sửa lại. Những tấm rèm mới được may, tất cả những chiếc đèn chùm và đồ bạc đều được đánh bóng. Đây cũng là thời điểm để giải quyết mọi khoản nợ nần vì chúng có thể mang lại điều xui xẻo cho năm tới nếu không được thanh toán trước Tết.
Những lần trở lại Việt Nam sau đó của tôi, 2 lần làm việc ở Hà Nội, mang lại sự trân trọng sâu sắc hơn đối với đất nước và những truyền thống như Tết.
Một năm nọ, có một người bạn Việt Nam rủ tôi cùng cô ấy đi chọn cây Tết cho gia đình. Chúng tôi đi bộ trên đường cố gắng tìm một cây đào hoàn hảo sẽ nở hoa đúng vào dịp Tết. Tôi trân trọng không khí Tết thanh bình ở Hà Nội và sự vắng bóng của những tiếng xe máy liên miên. Cả thành phố và trái tim tôi cảm thấy bình yên.
Dần dần, Tết có một vị trí đặc biệt trong lòng tôi, vượt qua cả những ngày nghỉ đông ở Mỹ. Hà Nội, thậm chí còn gắn bó hơn bất kỳ thành phố nào ở Mỹ, đã trở thành nơi tôi gọi là "nhà." Các đồng nghiệp gọi tôi bằng tên tiếng Việt là Tuyết. Tôi tránh nói từ này ở Mỹ vì nó nghe giống như "twit".
Khi tôi trở lại Hà Nội lần thứ 2 để đảm nhận vị trí toàn thời gian tại UNICEF, một đồng nghiệp đã nói với tôi: "Chào mừng chị Tuyết trở lại. Tôi biết bạn sẽ trở lại".
Chỉ khi trở về Việt Nam và tìm được vị trí của mình, tôi mới thực sự hiểu và trải nghiệm được ý nghĩa của những ngày Tết và chỉ khi sống ở Việt Nam tôi mới có thể thực sự cảm nhận được điều đó ngấm vào tận xương tủy mình.
Ngày nay, tinh thần Tết vẫn vang vọng trong tôi. Dự kiến trước Tết sẽ có một đợt tuyết rơi mới, mang lại cảm giác êm đềm, bình yên và hy vọng trong buổi bình minh ngày mùng một Tết Giáp Thìn. Trận tuyết này cũng mang lại cho tôi cảm giác tự hào về những bông tuyết trắng trùng tên với mình.
Để ăn mừng, tôi sẽ mời một nhóm bạn bè người Mỹ gốc Việt và người Mỹ gốc Á thân thiết đến chơi trong dịp Tết. Chúng tôi có chung một điểm - sống ở Mỹ nhưng vẫn có mối liên hệ sâu sắc với một nơi khác mà chúng tôi cũng gọi là "nhà" - một nơi giống như Việt Nam.