Rokossovsky đã gia nhập đội ngũ những người Bolshevik và quân đội rất sớm. Nguồn: RBTH
Là người gốc Warsaw (khi đó là một phần của Đế quốc Nga), Rokossovsky bắt đầu con đường binh nghiệp của mình trong đội kỵ binh trên chiến trường Thế chiến I. Hai cuộc cách mạng diễn ra sau đó vào năm 1917, sự sụp đổ của chế độ chuyên quyền và sự tan rã của quân đội và đất nước buộc ông, giống như những người Ba Lan khác của Trung đoàn Kargopol Dragoon số 5, phải lựa chọn giữa việc tham gia vào việc thành lập một nước Ba Lan đang hồi sinh, hoặc ở lại nước Nga Xô viết, cống hiến cho cuộc đấu tranh vì “quyền lực của công nhân và nông dân” và “thắng lợi của cách mạng thế giới”.
Trong khi chiến hữu của Konstantin Konstantinovich và là người anh em họ Franz Rokossovsky rời về Warsaw, bản thân Rokossovsky đã gia nhập đội ngũ những người Bolshevik. Tuy nhiên, Konstantin Rokossovsky đã không chiến đấu chống lại quê hương của mình trong chiến tranh Liên Xô-Ba Lan nổ ra vào năm 1919.
Trong phần lớn thời gian của Nội chiến, ông đã chiến đấu chống lại người da trắng ở Urals, Siberia và Viễn Đông, nơi ông được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng kỵ binh. Sự nghiệp quân sự thành công của Konstantin Konstantinovch, chưa kể đến cuộc đời của ông, đã bị cắt ngắn trong cuộc Đại khủng bố - thời kỳ đàn áp chính trị ở Liên Xô vào cuối những năm 1930.
Ngày 17/8/1937, Sư đoàn trưởng Rokossovsky bị bắt vì tình nghi làm việc cho tình báo Ba Lan và Nhật Bản. Trong 2,5 năm, ông phải trôi dạt từ nhà tù này đến nhà tù khác và chịu các cuộc thẩm vấn, cho đến tháng 3/1940, nhờ sự nỗ lực của Tướng Semyon Timoshenko, ông được thả và được phục hồi cấp bậc và chức vụ của mình. “Ông ấy chưa bao giờ nói về việc đó, ngay cả với những người thân thiết nhất của ông. Chỉ một lần, khi mẹ tôi, nhiều năm sau chiến tranh, hỏi ông tại sao ông luôn mang theo một khẩu súng lục bên mình, ông trả lời: ‘Nếu họ đến bắt tôi lần nữa, tôi sẽ không để mình sống nữa’” - cháu trai của ông (cùng tên) Konstantin Rokossovsky, nhớ lại.
Trong trận chiến phòng thủ chống phát xít Đức vào mùa hè năm 1941, Rokossovsky đã chứng tỏ mình là một chỉ huy quân sự có tài năng và kiên quyết. Với nguồn nhân lực và kỹ thuật ít ỏi của mình, ngày 28/7, ông đã chỉ huy chiếm được thị trấn Yartsevo (một trong những thị trấn đầu tiên của Liên Xô được giải phóng) từ tay quân Đức, trì hoãn cuộc tiến công của kẻ thù vào Moscow và giúp các đơn vị còn lại của hai tập đoàn quân Xô Viết bị bao vây ở Smolensk lân cận có thể thoát vây.
Konstantin Rokossovsky và Georgy Zhukov. Nguồn: RBTH
“Khi chúng tôi chiến đấu bên ngoài Moscow, chúng tôi đã nghĩ đến Berlin. Quân đội Liên Xô chắc chắn sẽ ở Berlin”, Rokossovsky nói với phóng viên tờ Krasnaya Zvezda (Sao Đỏ) vào tháng 10/1941. Trong giai đoạn khó khăn nhất của trận chiến giữ Moscow, Tập đoàn quân 16 của ông đã bảo vệ các hướng tiếp cận phía tây bắc thành phố khi đối mặt với một cuộc tấn công dữ dội của kẻ thù vượt trội về binh lực. Quân của ông đã chặn đứng quân Đức và vào đầu tháng 12, tham gia vào cuộc phản công quy mô lớn của Hồng quân, đẩy quân phát xít ra xa thành phố 100-150 km.
“Thật khó có thể kể tên bất kỳ chỉ huy quân sự nào khác đã vận hành thành công cả trong các chiến dịch phòng thủ và tấn công trong cuộc chiến vừa qua… Được trời phú cho tài năng bẩm sinh, ông ấy hầu như luôn đoán được ý đồ của kẻ thù, đánh chúng trước và như một quy luật - chiến thắng”, Nguyên soái Không quân Alexander Golovanov nhớ lại. Rokossovsky là một trong những kiến trúc sư của ‘Chiến dịch Uranus’ bao vây và tiêu diệt Tập đoàn quân 6 của Friedrich Paulus tại Stalingrad.
Trong Trận Kursk vào mùa hè năm 1943, sau đó quân Đức kết luận mất thế chủ động trong cuộc chiến, ông đã tổ chức lực lượng phòng thủ ở phía bắc của Kursk Salient một cách khéo léo đến mức không cho quân Đức bất kỳ cơ hội nào đột phá. Vị chỉ huy viết trong hồi ký của mình - “Trách nhiệm của Người Lính”, “với sự kháng cự kiên cường, Mặt trận Trung tâm đã tiêu diệt sức mạnh của kẻ thù và cản trở bước tiến của chúng … Chúng tôi không cần phải sử dụng quân dự bị của Đại bản doanh và tự xoay xở nhờ triển khai lực lượng của mình một cách chính xác, tập trung vào khu vực có mối đe dọa lớn nhất”.
Năm 1944, Konstantin Konstantinovich chỉ huy lực lượng của Phương diện quân Belarus số 1, lực lượng tấn công chính trong "Chiến dịch Bagration". Chỉ trong hai tháng của “trận đánh chớp nhoáng của Liên Xô” vào mùa hè năm đó, Hồng quân đã tiến gần 600 km về phía tây, giải phóng toàn bộ lãnh thổ Belarus và một phần của Baltic và đông Ba Lan. Cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức hoàn toàn bị nghiền nát và Cụm tập đoàn quân phía Bắc quay lưng vào bức tường. Ngày 29/6, Rokossovsky, người mà kẻ thù của ông mệnh danh là 'Tướng Dagger', được phong hàm Nguyên soái Liên Xô.
Tháng 11/1944, khi các lực lượng của Phương diện quân Belarus số 1 đã sẵn sàng cho một cuộc tiến công nhanh chóng vào trung tâm nước Đức, Konstantin Konstantinovich được bổ nhiệm làm tư lệnh Phương diện quân Belarus số 2.
Trong hồi ký của mình, Rokossovsky nhớ lại cuộc nói chuyện qua điện thoại với Stalin: “Thật bất ngờ khi trong lúc nóng nảy, tôi hỏi ngay: ‘Tại sao lại bị điều chuyển chuyển từ hướng chính sang hướng phụ?’ Stalin trả lời rằng tôi đã nhầm: ‘Khu vực mà tôi được chuyển đến là một phần của khu vực hoạt động tổng thể phía tây, trong đó lực lượng của ba phương diện quân sẽ hoạt động - Phương diện quân Belarus thứ 2, Phương diện quân Belarus thứ nhất và Phương diện quân Ukraina thứ nhất; và sự thành công của chiến dịch quyết định này sẽ phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ của các mặt trận này… Nếu đồng chí và Konev không tiến lên được, Zhukov cũng sẽ không tiến lên được’, Tổng Tư lệnh Tối cao kết luận.”
Rokossovsky thẳng thắn hơn khi trò chuyện với người bạn thân của mình là sĩ quan phản gián - Trung tướng Nikolai Zheleznikov: “Tôi là Nguyên soái bất hạnh nhất của Liên Xô. Ở Nga, mọi người coi tôi như một người Ba Lan, còn ở Ba Lan họ coi tôi như một người Nga. Đáng lẽ tôi đã chiếm được Berlin - tôi ở gần nơi nay hơn bất kỳ ai khác. Nhưng Stalin gọi cho tôi và nói: ‘Berlin sẽ do Zhukov chiếm’. Tôi hỏi lý do của sự phân công này. Stalin trả lời: ‘Đó không phải là một sự thiên vị - đó là chính trị’. Cuối cùng, các lực lượng của Phương diện quân Belarus số 2 dưới sự chỉ huy của Konstantin Konstantinovich đã đánh tan kẻ thù ở Đông Phổ và Pomerania, đồng thời hạ gục Tập đoàn quân thiết giáp số 3 của Đức, ngăn chặn lực lượng này tham gia Trận chiến Berlin.
Sau chiến thắng, vị Nguyên soái tạm thời trở về quê hương Ba Lan của mình. Ông chỉ huy Nhóm lực lượng Liên Xô phía Bắc đóng tại Ba Lan. Tháng 10/1949, theo yêu cầu của Tổng thống Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, Bolesław Bierut, và được sự đồng ý của ban lãnh đạo Liên Xô, Rokossovsky đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan - chức vụ ông giữ cho đến năm 1956. Konstantin Konstantinovich là người duy nhất trong lịch sử mang hàm Nguyên soái Liên bang Xô viết và Nguyên soái Ba Lan./.