Trải lòng của “hiệp sĩ” đào hoa mê bắt cướp ở tuổi 70

Xuân Thủy |

Gặp chúng tôi trong căn phòng nhỏ chưa đầy 3 mét vuông, “cụ hiệp sĩ” Hoàng Văn Thành niềm nở kể rằng trong vòng 1 năm trở lại đây, ông đã 4 lần đuổi bắt cướp trong lúc hành nghề xe ôm.

“Cứ thấy cướp là chụp”

“Cụ hiệp sĩ” Hoàng Văn Thành (sinh năm 1947, ngụ phường 14, quận 3, TP. HCM) hành nghề xe ôm gần 20 năm nay. Gặp chúng tôi trong căn phòng nhỏ chưa đầy 3 mét vuông, ông niềm nở kể rằng trong vòng 1 năm trở lại đây, ông đã 4 lần đuổi bắt cướp trong lúc hành nghề xe ôm.

Chúng tôi hỏi: “Động lực nào khiến một người tuổi đời đã cao, sức khỏe không còn cho phép như ông lại mê bắt cướp như vậy?”. Ông trả lời: “Tôi ghét, căm thù bọn này (bọn cướp) lắm. Bọn chúng sức dài vai rộng mà lại đi ăn cướp.

Tôi đây, hơn 70 tuổi đầu rồi mà còn phải ngồi kiếm từng đồng từng cắc, có khi ngồi 2,3 tiếng đồng hồ mới kiếm được cuốc xe 10 ngàn. Tôi không hiểu sao bọn nó có thể đi ăn cướp được.

Chúng nó có nghĩ được rằng, khi bị cướp tài sản thì cả nhà người ta điêu đứng hay không. Mười mấy, hai mươi tuổi đầu không lo học hành, làm gì đó kiếm sống mà cứ đi canh người ta sơ hở để ăn cướp lấy tiền xài.

Tôi cũng là người lao động chân chính, cho nên thấy thằng nào ăn cướp là tôi chụp, không cần suy nghĩ”.

Trải lòng của “hiệp sĩ” đào hoa mê bắt cướp ở tuổi 70 - Ảnh 1.

Bằng khen ông Thành nhận được vì thành tích săn bắt cướp

Kể lại những lần bắt cướp của mình, ông Thành cho biết, lần gần đây nhất là khoảng hơn một tháng trước. Lúc đó, ông đang ngồi trên xe, đưa mắt nhìn qua bên đường xem có khách không thì bất ngờ thấy một thanh niên giật túi xách của một cô gái đang đi trên đường.

“Bị giật đồ, con nhỏ la hét ghê lắm. Ngay lập tức, tôi phóng xe đuổi theo thằng thanh niên. Bị tôi đuổi, nó ghẹo vào một con hẻm nhỏ. Tôi đuổi theo nó khoảng mấy trăm mét thì đuổi kịp và đạp nó té ngã.

Tôi cặp cổ nó lại, đấm cho nó mấy cái chảy máu mồm. Rồi có mấy người đi đường thấy vậy cũng chạy lại đè nó xuống. Đúng lúc đó thì có công an phường đi qua và lấy dây trói tay nó lại đem vô phường. Thấy thằng kia chảy máu, người ta hỏi tôi, tôi nó nó giật đồ tôi nên tôi đấm cho”, ông Thành nhớ lại.

Cuộc đời nhiều lần “trầy da tróc vẩy”

Ông Thành kể rằng, gia đình ông gốc ở miền Bắc nhưng vào Sài Gòn sinh sống từ năm 1954, khi đó ông mới 7 tuổi. Sau khi học xong cấp 3, năm 18 tuổi, ông lấy vợ. Hai người sống với nhau một thời gian, có với nhau 5 đứa con.

Đến năm 1975, khi đất nước giải phóng, ông theo phong trào làm kinh tế mới, dắt díu gia đình xuống Đồng Nai khai hoang, lập nghiệp. Khi cuộc sống bắt đầu ổn định, năm 1988, một biến cố lớn xảy đến với cuộc đời ông.

Trong một lần họp dân, ông đã có hành vi không phải với cán bộ và phải đi cải tạo 9 năm. Đồng thời nhà cửa, tài sản cũng bị tịch thu.

Ánh mắt đượm buồn khi nhớ về người vợ đầu tiên của mình, ông Thành kể: “Bà ấy là người vợ duy nhất có giấy tờ, hôn thú, có làm phép đạo, hai họ chứng thực đàng hoàng.

Nhưng không hiểu sao, 9 năm tôi đi cải tạo mà không một lần bà ấy đến hỏi thăm, động viên. Sau khi cải tạo xong, tôi quyết định chia tay với bà ấy. Mấy người nhà bên vợ sang nói tôi bỏ qua, về ở lại với nhau.

Họ còn đưa phép đạo, phép đời ra khuyên tôi. Nhưng tôi nói “khỏi đạo khỏi đời luôn”, cô ấy bỏ tôi, là cô ấy lỗi phép trước chứ tôi không có lỗi”. Ông cho biết, 5 người con với vợ đầu đến nay đã có gia đình, nghề nghiệp ổn định hết rồi.

Trải lòng của “hiệp sĩ” đào hoa mê bắt cướp ở tuổi 70 - Ảnh 2.

Ông Thành hiện sống trong căn nhà ở quận 3

Nói về người vợ thứ 2 của mình, ông Thành cho biết, bà là một trong những người yêu thương ông nhất trong số 4 người vợ. Không giấu giếm, ông cho biết hai người lén lút với nhau khi ông vẫn còn chung sống với bà vợ thứ nhất. Sau khi ông đi cải tạo được một thời gian thì bà vợ 2 ở nhà sinh con.

“Bà ấy sinh con gái. Bà ấy thương tôi lắm, tôi đi cải tạo, tuần nào bà ấy cũng vô thăm.

Rồi lần cuối cùng bà ấy vô vừa nói vừa khóc với tôi rằng: ‘Em làm giấy tờ xong xuôi hết rồi anh ơi. Em sắp phải đi Mỹ. Em đi nhưng em sẽ luôn luôn liên lạc về cho anh. Từ lần đó rồi bà ấy đi luôn, không bao giờ hai người còn gặp lại nhau nữa", ông Thành kể.

Sau 9 năm cải tạo, ông trở lại với cuộc sống bằng hai bàn tay trắng. Để kiếm sống ông làm đủ thứ nghề, từ buôn thịt, buôn gạo. Trong thời gian này, ông quen một người phụ khác và sống với nhau khoảng 2 năm.

Sau đó, vì không hợp nên hai người chia tay, không có con chung. Đến năm 1989, ông lại quen một người phụ nữ khác, thua mình 20 tuổi.

Về người vợ thứ 4, ông cho biết, lúc đó ông thường đi giao hàng trên vòng xoay Lăng Cha Cả (quận Tân Bình), còn vợ ông thì bán vé số, bán thuốc lá bên đường. Thỉnh thoảng ông mua thuốc lá của bà rồi gửi nhờ đồ.

Cứ thế, thời gian trôi qua, hai người phát sinh tình cảm rồi chuyển về sống với nhau như vợ chồng, không tổ chức cưới hỏi, không đăng ký kết hôn. Đến nay, hai người có với nhau một người con trai, đã 27 tuổi.

Ông kể rằng, hồi trẻ ông rất phong độ, cao to nên nhiều phụ nữ mê. Đến nay, mặc dù tuổi đã già, lại nhiều vợ, nhiều con thế nhưng ông vẫn sống thui thủi trong một căn phòng trọ thuê với giá 1 triệu đồng/tháng.

Hiện tại, ông Thành đứng ở đường Lê Văn Sỹ (quận 3) bắt khách, còn vợ ông (vợ thứ 4) thì bán vé sô, thuốc lá gần bên cạnh.

Khi chúng tôi hỏi: “Ông có sợ gì không khi thường xuyên bắt cướp như vậy?”, ông Thành khẳng định không có gì phải sợ.

Ông Thành lý giải: “Nhiều người xung quanh nói với tôi: ‘Ông không sợ đang ngồi ở đây bắt khách nó (bọn cướp) tới nó chém à’. Tôi nói luôn là tôi đang cầu nó tới chém, mà chưa thấy thằng nào tới chém.

Nó có chém thì cũng chỉ chém tôi được một cái. Với lại, với cái tội lỗi nó làm thì nó phải chịu chứ trả thù gì nữa. Mình có làm gì sai đâu. Nó đi ăn cướp thì tôi chụp thôi”.

Vì những hành động bắt cướp, góp phần nhỏ mang lại bình yên cho thành phố, ông Thành đã được chủ tịch UBND quận 3 tặng giấy khen, khích lệ tinh thần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại