Trại giam Đắk Trung, những người còn ở lại - kỳ cuối: Gần 40 năm 'ở tù'

NGUYỄN TRÀ |

"Chúng tôi xem trại giam Đắk Trung như ngôi nhà thứ hai của mình!” - Đại tá Đặng Duy Văn, giám thị trại giam Đắk Trung - người có thâm niên "ở tù" lâu nhất, đã tâm sự như vậy.

“Người bị khép án chung thân, nếu cải tạo tốt, chấp hành kỷ luật thì tầm 16-18 năm sẽ trở về. Tôi về đây từ năm 1978, gần 40 năm rồi, tính ra cũng tầm hai án chung thân cải tạo tốt” - Đại tá Đặng Duy Văn, giám thị trại giam Đắk Trung, hài hước kể chuyện.

Trẻ em không có tội

Nữ phạm nhân Nguyễn Thị Văn (25 tuổi) vào trại cải tạo vì tội trộm cắp tài sản. Chị kể chuyện: Vào trại tạm giam mới biết mình mang thai, chị hoang mang, suy sụp đến độ bỏ cả ăn uống.

Ngày đó, cha mẹ ruột của chị phải lên thăm nom thường xuyên vì lo chị sợ quá làm bậy.

Hai mẹ con chị chuyển về trại giam Đắk Trung khi bé Xu mới 17 ngày tuổi. Chị bảo ngày đó con còn yếu, nếu không có các cán bộ trong trại giam giúp đỡ, chị không biết phải xoay xở như thế nào.

Mỗi lần nhớ lại chuyện lần đầu gặp chú Văn, chị luôn mỉm cười: “Mọi người gọi chú Văn, em cũng gọi theo là chú Văn. Chú Văn hôm đó tới chơi cho quà bánh, cho sữa, còn mừng tuổi con.

Chú Văn bế con, chơi với con, đến lúc trả về cho mẹ, bé Xu khóc òa, không về nữa. Bé cứ ôm chặt chú Văn khiến mọi người bật cười.

Sau em nghe cán bộ nói chuyện mới biết chú là giám thị trại giam, chú hòa đồng, dễ gần lắm chị!”.

Tôi kể lại với anh Văn, anh cười hiền. Anh bảo: “Mẹ phạm tội, mẹ phải có trách nhiệm. Nhưng trẻ con có tội tình gì đâu.

Trại giam cũng đã cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu như cho hầm xương heo lấy nước nấu cháo, nấu bột cho bé, có thêm hộp đường, hộp sữa cũng mang qua, ốm đau đã có cán bộ y tế chăm sóc…

Tôi chỉ mong tình cảm của những cán bộ trại giam sẽ giúp em cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình. Trong trại giam, dù có cố gắng tạo điều kiện tốt đến đâu cũng không thể bằng ở ngoài được vì trại giam có kỷ luật riêng.

Hơn nữa, bé Xu, bé Ken (con nữ phạm nhân Nguyễn Thị Phượng ở kỳ 2: Theo mẹ vào tù) rồi cũng phải đi học, các em phải trở về hòa nhập cùng cộng đồng”.

“Người Kinh mà biết tiếng dân tộc, họ rất quý”

Trại giam Đắk Trung, những người còn ở lại - kỳ cuối: Gần 40 năm ở tù - Ảnh 1.

Đại tá Đặng Duy Văn, giám thị trại giam Đắk Trung: “Khi trở thành người chiến sĩ Công an nhân dân, vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, chúng tôi đã từng tuyên thệ: Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, không nề hà nguy hiểm, hay vất vả". Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Anh Y Riu là người dân tộc Ê đê. Anh bị kết án chung thân về tội giết người. Ngày vào tù cải tạo, anh mới 19 tuổi. Nhắc tên người phạm nhân này, Đại tá Đặng Duy Văn vẫn còn nhớ mãi.

“Hồi mới chuyển sang trại Đắk Trung, Y Riu suy sụp lắm, thường có tư tưởng trốn trại. Anh em cán bộ vẫn nhắc nhau về trường hợp đặc biệt này.

Lúc đó, tôi phụ trách công tác làm hồ sơ, khi đọc nghiên cứu hồ sơ của Y Riu tôi nghĩ mãi. Tôi biết tuổi đời còn trẻ mà bị kết án chung thân như Y Riu, tâm lý trốn trại cũng không quá khó hiểu.

Nhưng động cơ gây án của Y Riu là do mâu thuẫn cá nhân và phút nóng nảy nhất thời, trước sau gì cũng phải chấp hành án” - giám thị Văn trầm ngâm nhớ lại.

Đặc biệt, khi tiếp xúc với Y Riu, anh Văn nhận thấy đó là chàng trai hiền lành, tốt bụng, nếu có cơ hội làm lại cuộc đời có thể trở thành một công dân tốt cho xã hội.

Vậy nên anh quyết tâm phải giúp Y Riu cải tạo tốt, để được giảm án, sớm trở về với gia đình.

“Người Kinh mà biết tiếng dân tộc thì họ quý lắm. Tôi qua gặp, nói chuyện với Y Riu thường xuyên bằng tiếng dân tộc, vỗ vai động viên, tôi bảo Y Riu gắng cải tạo tốt thì sẽ về sớm chứ không ở tù cả đời đâu.

Tôi kể thêm những câu chuyện, những trường hợp mà mình từng chứng kiến. Lâu dần thành thân, Y Riu bảo Y Riu tin cán bộ, sẽ ở lại cố gắng cải tạo tốt và hứa không trốn trại nữa. Y Riu về nhà lâu rồi”.

Tôi hỏi anh học tiếng dân tộc bằng cách nào. Anh bảo năm 2001, anh theo học sáu tháng khóa học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu đồng bào Ê đê nhằm giúp cán bộ để dễ dàng giao tiếp hơn do đơn vị tổ chức.

Ban ngày đi làm bình thường, tối về các anh đi học, riêng Chủ nhật sẽ học buổi sáng. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải tự học và vận dụng vào thực tế.

“Tôi thường qua gặp gỡ, trò chuyện với phạm nhân. Có gì không hiểu thì mình hỏi. Họ dạy tôi nhiều lắm.

Những cuộc trò chuyện cũng giúp chúng tôi hiểu nhau hơn, chúng tôi xem nhau như những người bạn, người anh trong nhà” - Đại tá Đặng Duy Văn tâm sự.

“Trại là ngôi nhà thứ hai của mình”

“Khi trở thành người chiến sĩ Công an nhân dân, vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, chúng tôi đã từng tuyên thệ: Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, không nề hà nguy hiểm, hay vất vả” - Đại tá Đặng Duy Văn khẳng định.

Gần 40 năm, anh đã trải qua hết các nghiệp vụ: từ cảnh sát bảo vệ, quản giáo, trinh sát, đội giáo dục, trưởng phân trại cho đến hiện tại là giám thị trại giam Đắk Trung, anh luôn nỗ lực hoàn thành công việc tốt nhất trong khả năng của mình.

“Có công việc tôi làm tốt, có công việc tôi còn phải học hỏi nhưng điều tôi tự hào là với mỗi công việc được giao, tôi luôn nỗ lực bằng hết khả năng của mình.

Còn việc gắn bó lâu năm với trại giam Đắk Trung này thì đâu chỉ mình tôi, còn có đồng chí Hạp (phó giám thị Trần Văn Hạp), đồng chí Giang (phó giám thị Hoàng Văn Giang)… và rất nhiều anh em khác nữa.

Chúng tôi xem trại giam Đắk Trung như ngôi nhà thứ hai của mình!” - Đại tá Đặng Duy Văn tâm sự.

Điều anh trăn trở là làm sao phạm nhân tự ý thức được việc làm của mình là sai trái, để không tái phạm. Làm sao để phạm nhân vào trại có thể học được cái nghề, để mai này về với gia đình có cần câu cơm, dễ dàng tái hòa nhập với cộng đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại