Đáng sợ hơn, đó là lựa chọn của chính Trái Đất: tự "đóng băng" chính mình, gây nên một cuộc đại tuyệt chủng vào cuối kỷ Tam Điệp, dọn đường cho dòng họ khủng long phát triển và "lên ngôi" trong kỷ Jura và kỷ Phấn Trắng sau đó, theo nghiên cứu vừa được SciTech Daily trích dẫn.
Một động vật có vú cổ đại bị khủng long bắt - Ảnh: Larry Felder/SCITECH DAILY
Công trình thú vị dẫn đầu bởi nhà địa chất Paul Olsen từ Đài Quan sát Trái Đất Lamont-Doherty của Trường Đại học Columbia - Mỹ đã phân tích các mẫu vật từ các cuộc khai quật gần đây ở vùng sa mạc hẻo lánh thuộc lòng chảo Junggar, Tây Bắc Trung Quốc.
Trước đó, khủng long được cho là xuất hiện khoảng 231 triệu năm trước ở vĩ độ ôn đới của lục địa Pangea - siêu lục địa duy nhất của Trái Đất thời điểm đó, rồi di chuyển về phía cực Bắc khoảng 214 triệu năm trước.
Trong suốt kỷ Tam Điệp và phần lớn kỷ Jura, nồng độ carbon dioxide trong khí quyển cao gấp 5 lần hiện tại nên hầu như toàn cầu được boa phủ trong "mùa hè vĩnh cửu". Tuy nhiên, các mô hình khí hậu đã tìm thấy những mùa đông xen lẫn ở các vĩ độ cao.
Nghiên cứu mới này đã tìm hiểu bí mật về những mùa đông bí ẩn đó nhờ vào những tàn tích địa chất xen lẫn hóa thạch, và phát hiện ra nó dài và khủng khiếp hơn tưởng tượng.
Nói cách khác, có một mùa đông khủng khiếp gây ra đại tuyệt chủng cuối kỷ Tam Điệp, với 3/4 loài trên Trái Đất - chủ yếu là các động vật có vú, tổ tiên của chúng ta và nhiều động vật ngày nay. Chính đại tuyệt chủng này đã dọn đường cho khủng long "bùng nổ" trong 2 kỷ Jura và Phấn Trắng sau đó.
Mùa đông bí ẩn này xảy ra bởi một cuộc trỗi dậy bí ẩn từ lòng đất: hàng loạt núi lửa phun trào, đủ để tạo ra các sol khí lưu huỳnh làm chệch hướng ánh sáng mặt trời, cũng như khiến carbon dioxit và các đám mây tro bụi nhiều tới mức làm chắn bớt ánh sáng gây hiệu ứng ngược: thay vì nóng lên thì Trái Đất lại lạnh đi, trong một "mùa đông núi lửa" tưởng chừng vô tận.
Các bằng chứng cho thấy nhiều nơi trên siêu lục địa, bao gồm cả những vùng nhiệt đới, đã đóng băng nhiều thập kỷ. Quá trình này tạo thành sa thạch và một loại bột hạt mịn, còn được lưu lại cho đến ngày nay trong trầm tích ở vùng sa mạc bí ẩn.
Rất may vào cuối kỷ Phấn Trắng (66 triệu năm trước), sự xuất hiện của Chicxulub - tiểu hành tinh giết khủng long - đã làm chao đảo môi trường toàn cầu lần nữa và xóa sổ dòng họ quái vật này, từ đó các vị tổ tiên bé nhỏ của chúng ta mới có cơ hội "lấn sân" trở lại và tiến hóa mạnh mẽ.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.