Hôm 25/9, tàu vũ trụ Parker của NASA ghi lại hình ảnh của Trái đất khi nó đang tăng tốc về phía sao Kim trong sứ mệnh thăm dò Mặt Trời.
Trong hình ảnh được chụp bằng WISPR, máy chụp ảnh trường rộng cho đầu dò năng lượng mặt trời, cũng là công cụ ghi lại hình ảnh duy nhất trên Parker, Trái đất là một chấm nhỏ, tròn, sáng.
WISPR ghi lại 2 hình ảnh bằng các kính viễn vọng bên trong và bên ngoài theo khác hướng khác nhau và các trường nhìn khác nhau. Hình ảnh của trái đất được kính viễn vọng bên ngoài bắt lại.
Phóng to hình ảnh này, có thể thấy một điểm phình nhỏ ở bên phải Trái đất là phần Mặt trăng bị khuất sau hành tinh của chúng ta.
Tàu không gian Parker Solar Probe, đặt tên theo nhà thiên văn học mặt trời Mỹ Eugene Parker được phóng từ Mũi Canaveral, Florida hôm 12/8 trong sứ mệnh tiếp cận mặt trời ở khoảng cách gần chưa từng có.
Con tàu với trị giá 1,5 tỷ USD sẽ có nhiệm vụ tiếp cận Mặt trời ở khoảng cách gần hành tinh này hơn bất cứ vật thể nhân tạo nào từng tiếp cận, cung cấp những thông tin quan trọng về Mặt Trời và hàng tỷ ngôi sao lùn màu vàng khác, đồng thời hé mở những bí ẩn như tại sao vành nhật hoa, phần ngoài cùng của vùng không khí xung quanh Mặt Trời, lại nóng hơn bề mặt của nó.
Tàu Parker được bảo vệ bởi lớp giáp nhiệt làm bằng carbon composite phủ gốm dày 11,43 cm, cho phép chịu nhiệt lên tới 1.377 độ C đủ để nó có thể chống chọi khi tiếp cận Mặt Trời ở khoảng cách 6,16 triệu km, gấp gần 7 lần so với kỷ lục 43 triệu km mà tàu vũ trụ Helios 2 thực hiện năm 1976. Ở điểm này, Parker sẽ di chuyển với tốc độ gần 700.000 km/h
Theo dự kiến, con tàu sẽ hoàn thành 24 lần bay quanh Mặt Trời trong 7 năm. Trong thời gian này, nó sẽ tận dụng lực đẩy của sao Kim để dần thu hẹp khoảng cách.
(Nguồn: Space)