Trái đất sẽ gặp "thảm họa" nếu thiên thạch này đâm trúng vào ngày 4/2 tới

An Dương |

NASA dự tính, vào ngày 4/2 tới đây một thiên thạch lớn hơn tòa nhà cao nhất thế giới sẽ bay qua Trái đất.

Thiên thạch có tên là 2002 AJ129, đường kính lên đến 1,1 km, tức là lớn hơn tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa, cao 0.8km. Thiên thạch này được NASA xếp vào loại thiên thạch "có khả năng nguy hiểm", vì nó đi trong vòng bán kính cách Trái đất 7,4 triệu km.

Vậy nếu như thiên thạch này lao thẳng vào Trái đất thì sẽ gây ra hậu quả thế nào? Theo nghiên cứu trước đây, nếu thiên thạch kích thước như trên lao vào Trái đất thì có thể đưa hành tinh của chúng ta vào kỷ băng hà nhỏ.

Ông Charles Bardeen, thuộc Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Khí quyển ở Boulder, Colorado (Mỹ), cho hay: Một tảng đá không gian có diện tích hàng km sẽ có "tác động toàn cầu rất nghiêm trọng".

Tác động nặng nề nào xảy ra nếu thiên thạch to như toà nhà cao nhất thế giới đâm vào Trái đất.

Trong một nghiên cứu năm 2016 về ảnh hưởng của va chạm với vật thể như vậy đã cảnh báo rằng tác động đó có thể làm cho thế giới trở thành nơi tối tăm hơn, lạnh giá hơn và khô hạn hơn.

Theo NASA, may mắn là thiên thạch 2002 AJ129 chỉ đi qua Trái đất vào ngày 4/2, chứ không va chạm với Trái đất. Thiên thạch này chỉ là một trong vô số thiên thạch gần Trái đất.

Liên quan tới thiên thạch, mới đây, Ron Baalke – nhà thám hiểm không gian của NASA ở Pasadena, California đã cho biết trên mạng xã hội một danh sách gồm 5 thiên thạch dự kiến sẽ bay sát Trái đất, trong vòng một năm tiếp theo.

Phía dưới dòng chia sẻ trên là một bảng danh sách liệt kê chi tiết đặc điểm của các thiên thạch này.

Theo Baalke, 2017 BS5 - thiên thạch bay ngang qua Trái đất sớm nhất, sẽ đến vào ngày 23/07/2017. Thiên thạch này có đường kính dự đoán từ 40-90 m và bay cách Trái đất 3,15 lần khoảng cách đến Mặt trăng (hơn 1.200.000 km).

Thiên thạch có khả năng đâm vào Trái đất nhất - 2012 TC4, sẽ bay qua chúng ta vào ngày 12/12/2017.

Nó chỉ bay cách Trái đất 0,15 lần quãng đường đến Mặt trăng (gần 58.000 km). May mắn thay, thiên thạch này có đường kính chỉ vào tầm 12-27 m. Ba thiên thạch khác sẽ bay ngang vào các ngày 03/12/2017, 24/02/2018 và 02/04/2018.

Ngoài 5 thiên thạch mà Baalke đã liệt kê, còn nhiều thiên thạch khác cũng có thể đâm vào Trái đất nhưng không được đề cập ở trên.

Vào tháng 01/2018, một thiên thạch to bằng xe bus sẽ bay cách chúng ta một khoảng còn gần hơn cả quãng đường đến Mặt trăng. Thậm chí, một thiên thạch mang tên 2017 FJ101, còn bay ngang với khoảng cách cách Trái đất chỉ hơn 325.000 km.

Đã nhiều năm qua, các nhà khoa học luôn cố gắng đưa ra các giải pháp đối phó với mối hiểm họa ngoài không gian này.

Nhà Trắng còn công bố một tập tài liệu có tên là “Chiến lược chuẩn bị cho các đối tượng gần Trái đất” (National Near-Earth Object Preparedness Strategy). Nó mô tả chi tiết các kế hoạch sẽ được triển khai nếu phát hiện một thiên thạch có khả năng đâm vào chúng ta.

Tập tài liệu trên cho thấy tất cả các phương án phòng ngừa của Hoa Kỳ dành cho các đối tượng gần Trái đất (NEO). NEO bao gồm tất cả những vật thể ngoài hành tinh có thể đâm vào chúng ta.

Vào năm 2013, một thiên thạch với đường kính 17 m đã đâm vào vùng Chelyabinsk, Nga mà không có bất kì dấu hiệu báo trước nào.

Vụ va chạm khiến hơn 1.000 người bị thương và làm hư hại hàng nghìn tòa nhà. Vậy nên, một trong những ưu tiên cấp thiết nhất của nước Mỹ là cải thiện khả năng phát hiện NEO của NASA trước khi quá muộn.

Trong bảy mục tiêu chính được mô tả trong tập tài liệu, Nhà Trắng cũng tập trung vào việc cải tiến mô hình và dự đoán nơi mà NEO sẽ đi qua.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng lên kế hoạch phát triển hệ thống cảnh báo sớm và đầu tư vào xây dựng các loại vũ khí không gian có thể hủy diệt các mối nguy trên.

Vào cuối năm 2016, NASA cảnh báo rằng chúng ta vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ cho một vụ va chạm thiên thạch.

Tiến sĩ Joseph Nuth, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Không gian Goddard của NASA ở Maryland đã phát biểu tại cuộc họp hàng năm của Liên đoàn Địa Vật lý Hoa Kỳ vào tháng 12. Ông nói: “Vấn đề lớn nhất, cơ bản nhất hiện nay là chúng ta mới chỉ có thể đứng nhìn vụ va chạm nếu nó xảy ra”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại