Theo Trung tâm nghiên cứu Động lực học thiên thể Colorado thuộc Trường đại học Colorado, vùng biển Bắc Cực được biết đến với những khối băng tồn tại hàng nhiều năm trước khi tan chảy. Băng trẻ 1 năm tuổi hình thành trong mùa Đông và đạt mức tối đa vào khoảng tháng 3. Sau đó, khi mùa Hè đến, băng bắt đầu tan.
Một số tảng băng tan khi mùa Hè đến, nhưng một số khác tiếp tục được bồi dày hơn qua mùa Đông tiếp theo và trở thành băng 2 năm tuổi. Đến mùa Hè sau đó, một số tảng băng 2 năm tuổi tiếp tục sống sót, trở nên dày hơn nữa. Cứ thế, chúng trở thành băng già. Có những khối băng tồn tại đến hơn 1 thập kỉ.
Tuy nhiên, ngày nay, băng ở biển Bắc Cực còn lại chủ yếu là băng 1 năm tuổi. Trong khi phần băng già nhất liên tục tan do các dòng hải lưu đẩy chúng về phía Nam nơi có nước biển ấm hơn, thì ngày càng có thêm những khối băng già tan ngay trên vùng biển Bắc Cực.
Tình trạng này cực kì nguy hại cho các loài động vật ở đây, chẳng hạn như loài kì lân biển, vì chúng dùng băng để trốn khỏi các loài động vật ăn thịt, như cá voi sát thủ chẳng hạn. Khi không có băng, cá voi sát thủ đi săn nhiều hơn ở những vùng nước của kì lân biển, ăn thịt kì lân biển và xua đuổi kì lân biển ra khỏi vùng có nhiều thức ăn nhất.
Mark Serreze, Giám đốc Trung tâm Số liệu băng tuyết quốc gia, Mỹ cho biết, số liệu ghi nhận được đã ở mức kỉ lục, theo đó có thể dự đoán là đến năm 2030 biển Bắc Cực sẽ chỉ còn băng trong một số mùa.
“Một số người cho rằng dự đoán như vậy quá khắt khe, có lẽ phải đến những năm 2040 mới xảy ra. Tuy nhiên chúng tôi theo dõi rất đầy đủ và hoàn toàn có cơ sở để nói rằng lớp băng trên mặt biển vào mùa Hè sẽ không còn nữa”.
Trước đó không lâu Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng cho biết, qua các thông số của vệ tinh mà họ sử dụng thì 900 km2 băng ở Bắc Cực đã biến mất vào năm 2011.
Điều này có nghĩa là thực trạng băng tan lớn hơn 50% so với dự đoán của các nhà môi trường học. Rõ ràng, việc Trái đất đang dần nóng lên vì gia tăng lượng khí thải nhà kính đang ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ băng tan ở Bắc Cực.
Từ thực tế đó, các nhà khoa học mở cuộc thăm dò đặc biệt bằng thiết bị CryoSat-2 để nghiên cứu về độ dày của băng vào đầu năm 2012. Tàu ngầm cũng được đưa xuống biển để phân tích các tảng băng. Kết quả cho thấy, vào đầu mùa Đông năm 2012 chỉ còn lại khoảng 14.000 km2 băng, trong khi vào đầu năm 2004 là 17.000km.
Nếu tình trạng trên còn tiếp diễn thì nguy cơ toàn bộ khu vực Bắc Cực sẽ không còn băng và có thể dẫn đến hệ quả là sự bùng nổ “cơn sốt vàng” vì trữ lượng dầu mỏ và cá lớn trong khu vực là rất cao.