Cạnh tranh ở trong nước
Nhiều khách hàng tỏ ra lạ lẫm với cách bán táo của siêu thị. Đặt từng ống lên cân là thử nghiệm nhỏ được tiến hành. Điều đáng ngạc nhiên là các ống đều có khối lượng tịnh 280 gram với 4 trái táo bên trong.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trị giá mặt hàng trái cây nhập khẩu đạt tới 659 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2017, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam không chỉ nhập về những loại trái cây của miền ôn đới như táo, kiwi, cherry,... mà còn đang trở thành nơi tiêu thụ xoài, mãng cầu, sầu riêng từ Thái Lan.
Mất mùa do hạn hán, xâm nhập mặn được cho là lý do khiến trong nước phải nhập khẩu các sản phẩm trái cây tương tự từ các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu 0%, thủ tục thông thoáng cũng là nguyên nhân khiến việc nhập khẩu trái cây tăng mạnh.
“Chúng ta phải lo nghĩ về năng lực cạnh tranh của hoa trái Việt Nam” – ông Vũ Minh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội. Theo ông Phú, ngoài việc tự nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, trái cây trong nước cũng cần có thêm nhiều sự hỗ trợ về vị trí bày bán, tỷ lệ hàng hóa Việt Nam trong các siêu thị,...
Tìm đường ra nước ngoài
Thâm nhập vào trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng xuất khẩu, mang về hàng tỷ USD cho đất nước là những thành tựu đáng ghi nhận của trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ số ít sản phẩm trái cây Việt được cấp phép nhập khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu.
74% trong hơn 10.000 tấn trái cây xuất khẩu của Việt Nam (tháng 7/2017) đang có đích đến là Trung Quốc trên con đường tiểu ngạch, thiếu ổn định.
Cùng với đó, việc thiếu thương hiệu của sản phẩm Việt tiếp tục là vấn đề khi bày bán tại nước ngoài. Những trái vải được xuất khẩu sang Thái Lan mới đây thông qua Central Group cũng không có thương hiệu.
Bên cạnh thương hiệu, chất lượng sản phẩm cũng là điều khiến trái cây trong nước gặp khó khi xuất khẩu. Đại diện công ty Đại Thuận Thiên (doanh nghiệp ở Cần Thơ, chuyên xuất khẩu trái cây) từng chia sẻ, có những lúc chỉ 10 container/tuần (tương đương gần 160 tấn) cũng không có giao cho đối tác Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan.
Theo công ty này, việc thiếu tuân thu quy trình canh tác đã khiến sản phẩm đạt tiêu chuẩn Global Gap trở nên khan hiếm.
Bộ NN&PTNT cho biết cơ quan này đã tăng cường truyền thống đến người sản xuất về vấn đề quy trình canh tác. Doanh nghiệp và nông dân cũng được khuyến khích liên kết để sản phẩm làm ra đáp ứng đúng yêu cầu thị trường.
Đồng thời, các bộ ngành cũng liên tiếp tổ chức các buổi giới thiệu, xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước, nhằm đa dạng hóa thị trường cho sản phẩm trái cây Việt Nam.
Trong cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với người đồng cấp New Zealand (ngày 27/7 vừa qua), câu chuyện về trái chôm chôm đã được nhắc đến. Phía New Zealand khẳng định sẽ hoàn thành các thủ tục kiểm soát rủi ro và nhập khẩu trái chôm chôm ngay trong năm 2017.
Theo cam kết của New Zealand, Việt Nam sẽ nhận được các hỗ trợ về kỹ thuật để nhiều loại trái cây Việt Nam khác sớm đáp ứng các tiêu chuẩn. Trong quá khứ, trái xoài, trái vải thiều đã mất tới 7 và 12 năm trước khi được cấp phép vào Châu Đại Dương.
Ở Việt Nam, các sản phẩm táo, kiwi của New Zealand đã được nhiều siêu thị bày bán. Chất lượng sản phẩm là yếu tố đầu tiên nhà bán lẻ nghĩ tới khi đưa một sản phẩm lên quầy hàng. Còn vẻ ngoài bắt mắt của ống táo New Zealand là điều khiến nhiều đứa trẻ thích thú.