Theo ông Đàm Quang Thắng, để có được “giấy thông hành” cho một sản phẩm như xoài sang thị trường Úc, Việt Nam đã mất tới 9 năm đàm phán với hàng loạt các yêu cầu, tiêu chuẩn bắt buộc như quy hoạch vùng trồng, các nhà máy đóng gói và xử lý…
- Doanh nghiệp Việt đã tận dụng “giấy thông hành” này như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đặt kỳ vọng rất nhiều vào phát triển thị trường Úc với thương hiệu sản phẩm trái cây Việt Nam nhưng chưa đạt được.
Hiện, cứ 10 chuyến xoài xuất khẩu đi thì doanh nghiệp hỏng 6 -7 chuyến, tỉ lệ và mức độ hỏng tuỳ từng lô, riêng 3 lô gần đây nhất doanh nghiệp “mất trắng”, thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Nói như vậy để thấy doanh nghiệp đang phải chịu lỗ để xây dựng thương hiệu sản phẩm trái cây Việt tại thị trường khó tính như Úc. Doanh nghiệp dự kiến, chỉ với 2 chuyến hàng hỏng nữa là nguy cơ phải dừng lại, doanh nghiệp không thể trụ được.
Doanh nghiệp cũng đang lo lắng về lô vải xuất khẩu sắp tới sang thị trường này, bởi lô gần đây nhất - hơn 1 tấn vải đã bị trả về, thiệt hại riêng lô hàng là khoảng 200 triệu đồng.
Có thể nói, con đường xuất khẩu còn rất gian nan.
- Vì sao các lô hàng này bị trả về, thưa ông?
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn nằm ở vấn đề chất lượng sản phẩm và công nghệ bảo quản.
Như lô vải bị trả về do bị sâu đầu mới đây, nguyên nhân bởi sự bất cẩn từ hợp tác xã trong chọn lựa sản phẩm mà cuối cùng doanh nghiệp lại chịu thiệt hại.
Với một trái xoài Sơn La trọng lượng có thể lên tới 1,2kg, người dân trước giờ vẫn suy nghĩ trồng trái lớn hết cỡ rồi bán giá cao. Tuy nhiên, với xuất khẩu quy định tia chiếu xạ dưới 1.000 eV thì trọng lượng quả chỉ có thể ở mức 700-900g/quả.
Cùng với đó, việc thiếu hụt công nghệ bảo quản khiến xuất khẩu trái cây tươi một là rủi ro, hai là giảm sức cạnh tranh.
Cụ thể, xoài sang Úc hiện không có công nghệ bảo quản, chỉ vận chuyển đơn thuần bằng kho lạnh. Với những chuyến hàng 10-15 ngày thì có thể đảm bảo, tuy nhiên những tàu vận chuyển đi từ 18-20 ngày, tỉ lệ xoài thối hỏng rất cao.
Cứ 10 chuyến xoài xuất khẩu sang Úc thì công ty TNNH Agricare Việt Nam hỏng 6 -7 chuyến
Với những sản phẩm như quả vải, doanh nghiệp hiện đang phải chấp nhận cước vận chuyển cao để đi đường hàng không.
Nhưng xoài giá thành thấp hơn, không thể chịu mức phí vận chuyển đường hàng không được. Riêng cước vận chuyển hàng không sang thị trường Úc từ Hà Nội là 3,05 USD/kg, còn vận chuyển từ TP.HCM là 2,6 USD/kg… gấp 20 lần so với đường biển. Nếu có công nghệ bảo quản, chế biến thô thì chi phí vận chuyển sẽ giảm đi nhiều. Vì cũng không thể bán đắt được, chúng ta đâu phải độc quyền sản phẩm!
- Ông có đề xuất gì cho những khó khăn trên?
Khó khăn trong tư duy sản xuất trái cây của người dân cần được tháo gỡ. Hợp tác xã cần đóng vai trò nòng cốt trong việc hướng dẫn người nông dân sản xuất theo hướng hàng hoá. Hiện khu vực phía Nam đang làm tốt điều này hơn ngoài Bắc.
Đặc biệt, cần quy hoạch vùng trồng với các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường. Không cần nhiều, chỉ cần mỗi hợp tác xã có 10-20 hộ nông dân quy hoạch sản xuất theo vùng trồng, có cấp mã. Điều này cũng giúp giá thành sản phẩm từ các vùng này cao hơn, nông dân tự thấy có lợi sẽ xin vào hợp tác xã hoặc địa phương tự động xin cấp mã số vùng sản xuất. Từ khâu sản xuất đến sơ chế chế biến cần được hợp tác xã cùng với doanh nghiệp hướng dẫn nông dân.
Về vấn đề công nghệ, doanh nghiệp tự mày mò công nghệ nano bảo quản 35 ngày để bảo quản sản phẩm, mất nhiều năm với chi phí mấy trăm triệu đồng. Tuy nhiên, khi xin chứng nhận để sử dụng rộng rãi công nghệ này lại mất tới mấy năm với hàng loạt thủ tục giấy tờ, các nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học, chi phí lên tới hàng tỷ đồng. Do đó, không được công nhận để ứng dụng rộng rãi. Những công nghệ bảo quản của các Viện cũng “bỏ tủ” mà không thể ứng dụng vào thực tế.
Doanh nghiệp chưa cần hỗ trợ, chỉ kiến nghị Nhà nước đơn giản hơn về thủ tục hành chính chứng nhận cho công nghệ có thể ứng dụng trong một sản phẩm tại một số vùng và một thời gian nhất định. Công nghệ liên tục thay đổi, do đó doanh nghiệp không thể chờ hoàn thành thủ nhiều năm như vậy.