CQĐT Công an quận 2 , TP.HCM vẫn đang điều tra vụ dải bê tông giữa làn xe máy gây chết người vào ngày 12-3.
Theo đó, khoảng 18 giờ cùng ngày, anh Lý Vũ Hảo (26 tuổi, quê Cà Mau ) chạy xe máy trên đường dẫn cao tốc Long Thành - Dầu Giây trong làn dành cho xe máy thì va vào dải bê tông ở giữa làn đường xe máy khiến anh chết tại chỗ.
Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2) thừa nhận Sở GTVT TP.HCM chỉ đạo đơn vị này lắp đặt dải bê tông từ năm 2017 nhằm ngăn ô tô vào làn đường xe máy gây ùn tắc.
Không phải dải phân cách
LS Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, phân tích: Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, công trình đường bộ gồm: đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác.
Dải phân cách là bộ phận của đường để phân chia mặt đường thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hoặc để phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ. Dải phân cách gồm loại cố định và loại di động.
Với định nghĩa như vậy thì dải bê tông mà Sở GTVT TP.HCM đặt tại làn xe máy trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây không thuộc danh mục nào của công trình đường bộ. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT cũng không có hướng dẫn nào về việc đặt vật cản như trong trường hợp này.
LS Nguyễn Đức Chánh, Đoàn LS TP.HCM, phân tích thêm: Theo quy chuẩn QCVN 41:2016/BGTVT, phương tiện chia làn được gọi là “dải phân cách”. Tảng bê tông trong vụ việc trên là dạng cố định.
Tuy nhiên, dải phân cách bằng bê tông này nó không đáp ứng theo mô tả về ba dạng của dải phân cách, đó là dạng bó vỉa bên trong đổ đất đồng cây, dạng dải đất và dạng lan can phòng hộ cứng xây cố định.
Đồng thời, dải phân cách cố định được sử dụng khi “đường có từ bốn làn xe trở lên để phân làn đường đi theo hai hướng riêng biệt”.
Ở đây có thể thấy dải phân cách nằm giữa một làn đường và không phải để phân làn theo hai hướng riêng biệt mà mục đích của Khu 2 nhằm chặn xe hơi đi vào làn xe máy. Như vậy, không thể xem tảng bê tông gây tai nạn là “dải phân cách” theo quy định của pháp luật.
Hiện trường vụ xe máy tông vào dải bê tông ngăn ô tô vào làn xe máy khiến anh Lý Vũ Hảo thiệt mạng. Ảnh: N.TÂN
Mà là chướng ngại vật
“Theo tôi, cần phải xem việc đặt dải bê tông giữa làn xe máy này là chướng ngại vật. Một trong những nguyên tắc của nhà nước pháp quyền đó là cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Trong khi dải bê tông này không thuộc bất cứ danh mục nào của công trình đường bộ nên việc lắp đặt này là trái phép. Đồng thời, khoản 2 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường. Do vậy, theo tôi cần phải xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị đã lắp đặt dải bê tông này” - LS Hoan nhấn mạnh.
Đồng tình, LS Chánh cũng cho rằng dù Sở GTVT lý giải việc đặt dải bê tông này nhằm mục đích “bảo vệ” người lái xe máy do thường xuyên xuất hiện ô tô đi vào làn này thì vẫn phải xem đây là hành vi đặt chướng ngại vật trên đường. Vì như đã trình bày ở trên, đây không được xem là dải phân cách theo pháp luật hiện hành.
“Chướng ngại vật này nếu không quen đường thì rất dễ xảy ra va chạm, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe cũng như thiệt hại về tài sản cho người tham gia giao thông” - LS Chánh nhận định.
Gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu bồi thường
Theo LS Nguyễn Đức Chánh, để xác định trách nhiệm hình sự (nếu có) trong vụ này, CQĐT cần khởi tố vụ án để điều tra làm rõ. “Cái đó thì phải chờ vì CQĐT Công an quận 2 đang làm, chắc không lâu sẽ có kết quả. Nhưng về trách nhiệm dân sự thì tôi nghĩ đơn vị liên quan việc đặt chướng ngại vật bê tông khó tránh khỏi” - LS Chánh nói.
Cụ thể hơn, LS Hoan cho rằng gia đình nạn nhân có quyền yêu cầu Sở GTVT TP.HCM có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm hại theo Điều 591 BLDS. Đó là chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ nuôi dưỡng, một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại…
“Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Nếu việc bồi thường không thỏa thuận được thì đại diện gia đình nạn nhân có quyền khởi kiện ra tòa án để giải quyết” - LS Hoan nói.
Trách nhiệm hình sự: Phải làm rõ yếu tố lỗi
Giả sử quy định bề rộng trên làn đường xe máy là 3 m nhưng Sở GTVT lại chỉ đạo đặt dải phân cách gây lấn đường, tạo vật cản thì Sở vẫn có lỗi. Tuy nhiên, nếu kết quả điều tra cho thấy nạn nhân tông vào tấm bê tông dẫn đến tử vong thì nạn nhân vẫn phải chịu lỗi chính trong vụ án vì đã thiếu quan sát để xe tông vào.
Động cơ, mục đích của người đặt tấm bê tông nhằm tránh ô tô vào làn xe máy chứ không phải nhằm tước đoạt mạng sống người khác. Do đó, để xem xét yếu tố hình sự thì cũng cần phải cân nhắc các yếu tố cấu thành tội phạm. CQĐT phải làm rõ yếu tố lỗi để từ đó mới có thể xem xét được trách nhiệm hình sự cũng như dân sự và mức độ bồi thường…
Ông VÕ VĂN THÊM, cựu phó viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM
Đã tháo dải bê tông
Sau khi tai nạn chết người xảy ra, đến 16 giờ ngày 14-3, hai dải bê tông đặt chia làn xe máy làm hai ở vị trí tai nạn đã được tháo dỡ và số cọc tiêu đã được tăng từ sáu lên chín cọc.
Để ngăn ô tô đi vào làn xe máy gây ùn tắc, tới đây Sở GTVT và Khu 2 sẽ cho lắp đặt camera tại hai khu vực trên và kết nối với CSGT để xử phạt nguội ô tô đi vào làn xe máy.