Với nhu cầu đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đến năm 2020, bao gồm kế hoạch đội tàu bay trong các dự án thành lập các hãng hàng không Vietravel Airlines, Vinpearl Air và Kite, Cục Hàng không Việt Nam sẽ phải bổ sung thêm 7 giám sát viên an toàn vào năm 2020.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện tổng số giám sát viên an toàn hàng không của đơn vị này chỉ là 49 người. Còn số này bao gồm cả số giám sát viên bay và số giám sát viên đủ điều kiện bay thuê theo hợp đồng, đảm bảo giám sát đội tàu bay đến 256 chiếc.
Do không có nhà cung cấp giám sát viên an toàn bay nên hàng năm Cục Hàng không vẫn đang phải thuê từ các hãng hàng không trong nước như: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific Airlines, Tổng Công ty Bay trực thăng Việt Nam…
Mới đây, một số hãng hàng không mới có đề xuất cử giám sát viên để hỗ trợ nhân sự cho Cục Hàng không Việt Nam. Cụ thể, Bamboo Airways đề cử 2 người, Vinpearl Air đề cử 5 người, và Kite đề cử 1 người.
Cục Hàng không cho biết, hiện nay Cục chi trả cho giám sát viên khoảng hơn 200 triệu đồng/tháng. Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết: "Do đây là các phi công có chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm nghề nghiệp cao nên mức lương chi trả tương xứng với chất lượng, bằng với mức lương các hãng đang chi trả".
Lý giải về cơ sở trả lương cho giám sát bay, lãnh đạo Cục Hàng không giải thích, Cục khảo sát mức lương của phi công cơ trưởng được chi trả tại hãng, từ đó xây dựng dự toán và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.
Về điều kiện, các giám sát viên bay phải là phi công cơ trưởng có chuyên môn kỹ thuật cao và kinh nghiệm kỳ cựu, có số giờ bay tích lũy tối thiểu là 10.000 giờ. Sau khi về Cục, các phi công này sẽ được trải qua các khóa đào tạo, huấn luyện và được cấp chứng chỉ rồi sau đó mới có thể bắt đầu công việc giám sát bay.
Theo Cục, trên thực tế mức lương của các phi công cơ trưởng này được hãng chi trả rất cao, phi công kiêm giáo viên bay của Vietnam Airlines hiện có thu nhập đến 300 triệu đồng/tháng nên cục khó đủ tiền để tuyển dụng.
Nếu như không được trả mức lương tương xứng thì họ sẽ không về làm việc cho Cục, không ai bỏ chỗ lương cao để đến làm việc tại nơi lương thấp.
"Trường hợp ngân sách nhà nước không đủ trả lương, có thể yêu cầu các hãng hàng không và có thể cả nhà sản xuất máy bay góp tiền dựa theo tỉ lệ đầu máy bay của từng hãng. Đây là cách mà Pháp và một số nước đã thực hiện.
Nếu giải được bài toán giám sát viên bay sẽ tạo cơ hội cho cả các hãng hàng không hiện có tăng quy mô đội bay lẫn các hãng mới gia nhập sân chơi hàng không" - ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không cho biết.
Được biết, Cục Hàng không Việt Nam đã lên kế hoạch cụ thể về nhu cầu nhân lực giám sát an toàn hàng không từ nay đến năm 2025. Theo đó, Cục Hàng không tính toán tới năm 2020 sẽ cần 56 giám sát viên bay, đủ để đảm bảo giám sát cho 295 máy bay; đến năm 2025 số giám sát viên bay sẽ là 86 và giám sát 449 máy bay.
Theo Quyết định 51/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng cho phép Cục Hàng không VN áp dụng một số cơ chế tài chính đặc thù, cho phép cơ quan này được thuê giám sát viên an toàn bay làm việc thường xuyên. Tuy nhiên, Cục Hàng không cho biết, thủ tục đấu thầu thuê giám sát viên an toàn hiện rất khó thực hiện.