Sau 10 năm nguội lạnh trào lưu trà chanh "chém gió" vỉa hè, gần đây, hàng loạt hàng quán kinh doanh thức uống này xuất hiện khá nhiều. Dọc các tuyến phố Hà Nội như Cầu Giấy, Nguyễn Phong Sắc, Phùng Hưng… không khó để tìm được quán trà chanh 10.000 đồng với sự đầu tư bài bản và quy mô quán rộng tương đương một hàng trà sữa.
Bên cạnh các hàng nhỏ lẻ, thị trường xuất hiện nhiều chuỗi trà chanh có từ 10-20 cửa hàng ở Hà Nội và mở rộng ra các tỉnh phụ cận như Hải Dương, Hưng Yên với thiết kế riêng về logo nhận diện thương hiệu, nội thất quán. Chi phí cho việc chuyển nhượng thương hiệu của những chuỗi này dao động từ 40 – 50 triệu đồng.
Hàng trà chanh được đầu tư hơn về quy mô so với trước đây.
Tại các quán trà chanh phiên bản nâng cấp, thực đơn đồ uống đa dạng vì được biến tấu với nhiều nguyên liệu mới như trân châu, nha đam hoặc đào giòn thay vì công thức đơn giản gồm nước trà, chanh tươi, đường và đá lạnh như trước đây.
Trà chanh thêm lựa chọn về dung tích cỡ lớn hoặc nhỏ, tùy theo yêu cầu của khách. Trong đó, một ly trà "khổng lồ" (khoảng 1000ml) đắt gấp 3 lần thông thường, từ 30.000 đồng/ly. Để thu hút thực khách, hàng trà chanh đầu tư bàn ghế và ly tách với các gam màu trẻ trung, nổi bật như vàng, vàng chanh, xanh lá.
Nguyễn Tiến Tuấn, chủ 4 cửa hàng trà chanh ở Hà Nội cho biết, hiện tại, các quán trà chanh đều có diện tích từ 80 – 150m2. Chi phí để mở một quán dao động từ 200 – 300 triệu đồng, tùy vào quy mô và vị trí thuê mặt bằng.
"Nếu làm trà sữa thì chỉ tính riêng phí nhượng quyền đã cả tỷ đồng, chưa kể, một số thương hiệu yêu cầu khắt khe vị trí mở quán phải ở phố lớn, khiến chi phí mặt bằng đắt đỏ hoặc nguyên liệu phải lấy từ 6 tháng trở lên. Nhiều người mở trà chanh vì vốn và rủi ro tài chính ít hơn trà sữa hay cà phê rất nhiều", Tuấn nhận định.
Bên cạnh trà chanh giá 10.000 đồng/cốc là thức uống chủ lực, nhiều hàng thêm vào thực đơn đồ uống từ đào, chanh xả để hút khách.
Nhấn mạnh yếu tố lợi nhuận và tâm lý chạy theo "mốt" là lý do khiến trà chanh mở ồ ạt, Hoàng Quỳnh Anh, chủ một quán trà trên phố Hai Bà Trưng chia sẻ thêm, mỗi ly trà chanh có thể cho lãi từ 30-50%. Ngoài ra, quán sẽ có nguồn thu từ nhiều món ăn bán kèm trà chanh như nem chua, khoai tây hay các đồ uống đóng chai sẵn.
"Nhóm khách mà quán hướng đến là học sinh, sinh viên với mức chi chỉ khoảng 40.000 đồng/người cho đồ uống và đồ kèm, không gian quán mở, thoải mái để hút các nhóm đông người. Sau 3 tháng vận hành, chúng tôi đạt doanh thu trung bình mỗi ngày là 5 triệu đồng, lãi 30%. Quán nào làm tốt thì doanh thu một tháng có thể đạt trăm triệu đồng", Quỳnh Anh nói.
Rất đông khách hàng trẻ tuổi tìm đến quán trà chanh, đặc biệt là dịp cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ.
Giao hàng tận nơi cũng là cách hàng trà chanh giữ chân khách hàng.
Mặc dù có nhiều "chiêu" hút khách hơn như đầu tư không gian "sống ảo", giao hàng tận nơi, đa dạng thực đơn kèm theo song khá đông người bày tỏ sự nghi ngờ về lợi nhuận thực sự khi kinh doanh trà chanh, nhất là khi đây là thức uống không hợp với thời điểm mùa đông cận kề.
Khảo sát trên các trang mua bán chuyển nhượng, tình trạng sang nhượng hàng trà chanh sau một tháng kinh doanh khá phổ biến, với giá từ 70 triệu đồng đến cả nửa tỷ đồng (trong đó đã bao gồm chi phí thuê mặt bằng nhiều tháng sau đó).
"Ít người muốn uống trà chanh vào mùa đông, một số khác lại không vào quán trà chanh để ăn chè nóng hoặc khoai tây chiên, họ sẽ ra hàng chuyên bán các món này", Tú Anh, trú tại Hồ Đắc Di phân vân khi định mở quán trà chanh.
Ngoài ra, một yếu tố khác khiến các thực khách quan tâm chính là chất lượng của trà chanh giá rẻ liệu có đảm bảo vệ sinh thực phẩm và an toàn cho sức khỏe hay không khi nhiều năm trước đây, thức uống này từng vướng "lùm xùm" pha bằng các loại bột và hương liệu không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường.