Một chiếc gương cổ làm bằng đồng mới được các nhà khảo cổ khai quật ở Trung Quốc.
Theo Daily Mail, mặc dù có niên đại cách đây hơn 2.000 năm, nhiều chiếc gương trong số này vẫn còn được bảo quản tốt, phản chiếu rõ hình ảnh sau khi được làm sạch.
Các họa tiết và hình vẽ trên gương đồng vẫn có thể được nhìn rõ. Gương đồng là sản phẩm được chế tác tinh xảo ở thời nhà Hán, mang giá trị thẩm mỹ cao, trên thân gương chạm khắc những ký tự mang ý nghĩa chúc phúc cho người sở hữu.
Những chiếc gương này có các kích thước khác nhau, đường kính lớn nhất là 22cm và đường kính nhỏ nhất khoảng 7cm, được đặt ở gần phần đầu hoặc nửa thân trên của các bộ xương trong lăng mộ mới được phát hiện.
Những chiếc gương cổ là vật dụng mà người xưa ở Trung Quốc đặc biệt ưa thích.
Mở rộng khai quật ở thị trấn Cao Trang, thành phố Tây An, tỉnh Thiêm Tây, Trung Quốc, các nhà khảo cổ phát hiện đây là nghĩa trang chuyên chôn cất giới quý tộc thời Tây Hán, với quy mô hơn 400 ngôi mộ.
Các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều đồ vật cổ trong các ngôi mộ, bao gồm đồ gốm, đồ trang sức. Nhưng phát hiện gây bất ngờ nhất là một loạt những chiếc gương cổ bằng đồng, được chôn trong ngôi mộ chứa hài cốt của cả nam và nữ.
Một trong số những chiếc gương được khắc 4 ký tự Trung Quốc, có nghĩa là “ngôi nhà của sự thịnh vượng”.
Hơn 80 chiếc gương đồng thời Tây Hán mới được khai quật.
Theo các nhà khảo cổ, người xưa đặc biệt trân trọng những chiếc gương cầm tay, vì nó tạo hình ảnh phản chiếu giống như khi nhìn vào mặt nước lĩnh lặng ở hồ hoặc ao.
Những chiếc gương cổ tồn tại sớm nhất có niên đại 4.000 năm, được tìm thấy ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Nhưng phải đến thời nhà Hán, ngành công nghiệp sản xuất gương mới nở rộ.
Ở thời điểm đó, bất cứ ai có điều kiện đều muốn sở hữu cho mình một chiếc gương. Trong quá khứ, các nhà khảo cổ tìm thấy cả một xưởng chế tạo gương cổ ở tỉnh Sơn Đông.
Gương đồng được đánh bóng, làm cho bề mặt càng mịn càng tốt để tăng tính phản chiếu.
Phát hiện mới giúp các nhà khảo cổ mở rộng nghiên cứu về di sản văn hóa ở giai đoạn đầu và giai đoạn trung thời Tây Hán, một chuyên gia nói trên tờ Thời báo Hoàn Cầu.
Nhà Hán được coi là triều đại huy hoàng trong lịch sử Trung Hoa, với hàng loạt các phát minh trong lĩnh vực khoa học, y học, cũng như hoạt động thơ ca, văn học và hội họa đều phát triển.
Nhà Hán tồn tại từ năm 206 TCN cho đến năm 220, là một trong những triều đại Trung Hoa tồn tại lâu nhất, cạnh tranh Đế chế La Mã ở phương Tây về mặt sức mạnh.