Báo cáo 27 trang của tình báo Mỹ: Tiết lộ 'thảm họa toàn cầu' không ai có thể ngồi yên

Trang Ly |

Đó là thảm họa gì?

Ảnh mang tính minh họa về tên lửa siêu thanh.

Ảnh mang tính minh họa về tên lửa siêu thanh.

Ngày 21/10/2021, Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (NIC) đã công bố một bản báo cáo dày 27 trang nói về nguy cơ ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đối với an ninh quốc gia Mỹ nói riêng và sự ổn định toàn cầu nói chung.

Cộng đồng Tình báo Mỹ (IC) gồm 18 cơ quan tình báo Mỹ đã cùng xây dựng và ký tên vào bản báo cáo dài 27 trang do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ công bố dưới dạng phiên bản giải mật sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh cho chính phủ tiến hành điều tra, đánh giá tình trạng khí hậu toàn cầu hồi tháng 1/2021.

Bản báo cáo được công bố chỉ hơn một tuần trước khi Tổng thống Biden lên đường đến Glasgow (Scotland, Anh) để tham dự Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), diễn ra từ 31/10-12/11/2021.

MỐI ĐE DỌA TỪ TRUNG QUỐC HAY BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU?

Cộng đồng Tình báo Mỹ đã đưa ra dự đoán về tác động của biến đổi khí hậu lên toàn cầu trong tương lai sau khi nhận tin tình báo bất ngờ về các vụ phóng tên lửa có khả năng hạt nhânTrung Quốc tiến hành vào mùa hè.

Không dừng ở đó, mới đây nhất, tình báo Mỹ tiếp tục nhận được các báo cáo rằng Trung Quốc đã bí mật thử nghiệm 2 tên lửa siêu thanh có khả năng hạt nhân bay quanh Trái Đất trước khi quay trở lại mặt đất.

Hệ thống tên lửa siêu thanh có khả năng hạt nhân của Trung Quốc có thể sẽ vượt qua các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của Mỹ đặt tại Alaska và được thiết lập để bắn hạ các quả đạn bay qua Bắc Cực. Mỹ lo ngại, điều này có nghĩa là hệ thống tên lửa siêu thanh của Trung Quốc có thể tấn công Mỹ từ phía nam.

Báo cáo 27 trang của tình báo Mỹ: Tiết lộ thảm họa toàn cầu không ai có thể ngồi yên - Ảnh 1.

Trung Quốc đã bí mật phóng vũ khí giả vào không gian trên một tên lửa Long March 2C (ảnh) trong một cuộc thử nghiệm vào giữa tháng 8/2021. Sự việc chỉ được tiết lộ vào cuối tuần qua bởi các nhà phân tích an ninh Mỹ. Ảnh: Getty Images

Thông tin đó đã gây chấn động trong giới an ninh quốc gia Mỹ vì một loại vũ khí như vậy, được gọi là "phương tiện lướt siêu thanh", xuất hiện nhiều năm trước khi các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ có thể phát triển nó, tờ TIMES (Mỹ) bình luận.

[Thuật ngữ "siêu thanh" có nghĩa là một vật thể đang di chuyển nhanh hơn tốc độ âm thanh, hoặc Mach 1. Và Mỹ hiện không có cách nào để ngăn chặn một loại vũ khí như vậy! Điều này chứng tỏ Trung Quốc, giống như Nga trước đó, đang có ý định thiết kế vũ khí hạt nhân nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa trên phạm vi toàn cầu của Mỹ].

Tuy nhiên, truyền thông dường như nhận thấy tình báo Mỹ có thể đang ưu tiên cho vấn đề biến đổi khí hậu hơn khi họ tập trung thực hiện bản báo cáo 27 trang trước khi ông Biden lên đường sang Anh họp COP26.

Tờ Dailymail ngày 22/10/2021 đăng tải bài viết tựa đề (dịch vắn tắt) là "Quên chuyện Trung Quốc đi: 18 cơ quan tình báo Mỹ lần đầu tiên đưa ra cảnh báo về mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra".

Bài viết trích dẫn báo cáo của Cộng đồng Tình báo Mỹ (IC) cho thấy những tác động đáng ngại của biến đổi khí hậu đến năm 2040. Theo đó, IC dự báo, lượng khí thải CO2 ngày càng tăng sẽ dẫn đến bất ổn toàn cầu hơn; Nhiệt độ toàn cầu tăng có thể dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và nước, từ đó có thể làm trầm trọng thêm các tranh chấp quốc tế hiện có, như giữa Pakistan và Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ nổi lên ở vị thế kinh tế mạnh hơn với tư cách là nước sản xuất khoáng sản lớn.

Bản báo cáo 27 trang của cộng đồng tình báo công bố ngày 21/10 là đánh giá đầu tiên về loại nội dung này của các cơ quan tình báo Mỹ. Báo cáo đánh giá cách thức phát thải carbon ngày càng tăng có thể thay đổi quyền lực địa chính trị và làm trầm trọng thêm các xung đột hiện có trên thế giới cũng như cho phép các xung đột mới xuất hiện.

Báo cáo 27 trang của tình báo Mỹ: Tiết lộ thảm họa toàn cầu không ai có thể ngồi yên - Ảnh 2.

Báo cáo 27 trang được đưa ra chỉ hơn một tuần trước Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Glasgow (Ảnh: Tổng thống Biden phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2021). Nguồn: AFP via Getty Images

Vào tháng 5/2021, Tổng thống Biden đã ban hành một lệnh hành pháp yêu cầu phát triển một chiến lược toàn diện về rủi ro khí hậu trong vòng 120 ngày, cũng như đánh giá hàng năm về rủi ro tài khóa liên quan đến khí hậu như một phần của ngân sách Mỹ.

"Tăng cường các tác động vật lý sẽ làm trầm trọng thêm các điểm nóng về địa chính trị, đặc biệt là sau năm 2030, và các quốc gia và khu vực quan trọng sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn ngày càng tăng và cần hỗ trợ nhân đạo" - Một phần bản báo cáo cho hay.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi phải đối mặt với bất cứ thảm họa khí hậu thảm khốc nào thì việc đổ lỗi và tranh cãi về cách thức thực hiện các mục tiêu được nêu trong Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, và nước nào nên thực hiện nó sẽ là nguồn cơn khiến căng thẳng gia tăng.

"Bước đột phá hợp tác của Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì các quốc gia vẫn mâu thuẫn trong giảm lượng khí thải của họ, đồng thời đổ lỗi cho những nước khác khác không làm đủ", báo cáo nêu rõ.

Các quốc gia sau đó sẽ quay lưng lại với nhau để tranh giành nguồn tài nguyên ít ỏi còn lại và sự thống trị về công nghệ mới.

'ĐIỂM NÓNG' CỦA THẾ GIỚI

Các tác động vật lý của biến đổi khí hậu cũng sẽ dẫn đến tình trạng di cư ồ ạt hơn khi các dải đất rộng lớn trên thế giới trở nên không thể ở được. Người tị nạn khí hậu đã được một số tổ chức toàn cầu, bao gồm cả Liên Hợp Quốc, coi là điểm nóng.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cho biết: Mỗi năm, các trận cuồng phong, mưa theo mùa và các thảm họa thiên nhiên bất ngờ khác khiến trung bình 21,5 triệu người trên khắp thế giới phải rời bỏ nhà cửa của họ.

Các khu vực như Bắc Cực và các khu vực của châu Á, nơi đã tồn tại những căng thẳng xuyên biên giới về nước ngọt, sẽ càng trở nên căng thẳng hơn nữa khi tình trạng mất an ninh nguồn nước ngày càng gia tăng.

Để chống lại những tác động của biến đổi khí hậu, các cơ quan tình báo của Mỹ cảnh báo rằng sự cạnh tranh đối với các giải pháp kỹ thuật địa lý có thể chuyển quyền lực địa chính trị sang một vị trí kém thuận lợi hơn cho Mỹ.

Ví dụ, Trung Quốc, nước phát thải khí CO2 nhiều nhất trên thế giới, được xác định là một trong hai quốc gia sẽ 'đóng vai trò quan trọng trong việc xác định quỹ đạo của sự tăng nhiệt độ.'

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang tăng lượng khí thải carbon vốn đã đáng kể của họ, so với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ - nơi tỷ lệ này đang giảm.

Báo cáo 27 trang của tình báo Mỹ: Tiết lộ thảm họa toàn cầu không ai có thể ngồi yên - Ảnh 4.

Trung Quốc là nước phát thải khí CO2 nhiều nhất trên thế giới. Ảnh: AP

[5 quốc gia gây ô nhiễm carbon lớn nhất thế giới: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga và Nhật Bản - chiếm gần 6/10 tổng lượng khí thải toàn cầu].

Trước đây, Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060 nhưng ông Tập Cận Bình vẫn chưa vạch ra một lộ trình cụ thể để thực hiện điều này.

Tại một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ảo do Tổng thống Biden tổ chức vào tháng 4/2021, ông Tập đã cam kết loại bỏ dần than đá.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang ở một vị thế 'mạnh mẽ để cạnh tranh' trong tương lai đổi mới khi nước này đối mặt với biến đổi khí hậu, báo cáo lưu ý. Việc Trung Quốc kiểm soát các hoạt động xuất khẩu khoáng sản quan trọng cần thiết cho công nghệ năng lượng tái tạo và tiêu chuẩn sản xuất thấp có thể sẽ củng cố vị thế của Trung Quốc như một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới - Các cơ quan tình báo Mỹ viết trong báo cáo.

"Trung Quốc có thể xử lý những thứ này với chi phí giảm, chủ yếu là do tiêu chuẩn môi trường thấp hơn, chi phí lao động thấp hơn và nguồn điện rẻ".

Cộng đồng tình báo của Mỹ cũng chia sẻ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ khai thác địa hình địa lý đang thay đổi để tìm kiếm sự thống trị. Họ nhấn mạnh khu vực Bắc Cực, nơi đang trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các tuyến thương mại mới khi nhiệt độ tăng khiến băng tan.

Báo cáo viết: "Hoạt động quân sự có thể sẽ gia tăng khi các quốc gia Bắc Cực và ngoài Bắc Cực tìm cách bảo vệ các khoản đầu tư của họ, khai thác các tuyến hàng hải mới và giành được lợi thế chiến lược trước các đối thủ".

"Sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc và các quốc gia ngoài Bắc Cực khác rất có thể sẽ làm gia tăng mối quan ngại giữa các quốc gia Bắc Cực khi họ nhận thấy một thách thức đối với lợi ích kinh tế và an ninh tương ứng của họ".

[8 quốc gia thuộc Hội đồng Bắc Cực là 8 quốc gia có chủ quyền đối với các vùng đất trong Vòng Bắc Cực, gồm: Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ].

Các quốc gia khác cũng đã vạch ra chiến lược Bắc Cực là Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, mà báo cáo ghi nhận đã khiến các quan chức Nga liên tục tuyên bố "rằng các quốc gia không thuộc Bắc Cực không có vai trò quân sự trong khu vực".

Báo cáo dày 27 trang hôm 21/10 nêu rõ 11 quốc gia nghèo hơn sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ tăng cao, nơi mà việc hỗ trợ nhân đạo có thể bị cản trở bởi 'quản trị kém, cơ sở hạ tầng yếu kém, nạn tham nhũng phổ biến và thiếu tiếp cận vật chất.'

11 quốc gia đó bao gồm Guatemala, Honduras, Nicaragua, Colombia, Haiti, Triều Tiên, Iraq, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ và Myanmar.

Theo bản báo cáo, các đợt nắng nóng và hạn hán cường độ cao hơn và thường xuyên hơn sẽ tạo ra sự bất ổn về nguồn cung cấp nước và có thể gây căng thẳng cho các hoạt động cung cấp điện của các quốc gia này, trong khi nền kinh tế và dân số đang phát triển sẽ làm tăng nhu cầu điện để xử lý nhiệt độ tăng.

Các quốc gia như Nga và những quốc gia ở Trung Đông phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch có thể sẽ tiếp tục chống lại những lời kêu gọi giảm lượng khí thải CO2 vì 'họ lo sợ các chi phí kinh tế, chính trị và địa chính trị của việc giảm thải - báo cáo dự đoán.

Kết quả báo cáo 27 trang của Cộng đồng Tình báo Mỹ dựa trên đánh giá của chính họ cũng như sự đồng thuận của các nhà nghiên cứu khoa học và dự báo từ Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc, cùng Đánh giá khí hậu quốc gia của Mỹ.

Cộng đồng Tình báo Mỹ (IC) là một tổ chức thuộc chính phủ Mỹ. IC bao gồm hàng chục nghìn nhân viên và có gần 20 cơ quan trực thuộc, đến từ CIA, Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ Tư Pháp, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Năng lượng, Bộ Ngoại giao, Bộ Ngân khố.

COP26 CÙNG NHỮNG CON SỐ NHỨC NHỐI

1. COP26

- COP là từ viết tắt của Conference of the Parties - Nghĩa là Hội nghị Các bên.

Các "bên" ở đây là là hơn 190 quốc gia đã ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu.

- Hàng năm, Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị về Biến đổi khí hậu và thường được gọi tắt là COP kèm con số ở sau.

- Tại COP21 (năm 2015), Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu được đưa ra. Mục tiêu là nhằm thúc đẩy các quốc gia thành viên đồng lòng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C - lý tưởng nhất là gữ nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

- COP26 năm 2021 [Còn gọi là Hội nghị về Biến đổi khí hậu ở Glasgow] sẽ diễn ra từ ngày 31/10 - 12/11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.

Hơn 30.000 người từ hơn 190 quốc gia có thể sẽ tham dự, nhưng một số sự kiện liên quan sẽ diễn ra trực tuyến.

COP26 yêu cầu các bên thực hiện mục tiêu giảm phát thải vào năm 2030, đến năm 2050 thì mức phát thải CO2 bằng 0.

2. Thực trạng từ biến đổi khí hậu/Nóng lên toàn cầu

- Kể từ năm 1850, con người đã bơm 2.400 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) vào bầu khí quyển.

- Mức CH4 (khí nhà kính đứng sau CO2) trong khí quyển hiện nay là mức cao nhất trong ít nhất 800.000 năm.

- Hiện nay, nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,1 độ C.

- Ít nhất 1,5 tỷ người trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán trong 2 thập kỷ qua, gây thiệt hại cho các nền kinh tế hơn 124 tỷ USD, LHQ thông tin.

- Trong giai đoạn 1998-2017, chỉ riêng hạn hán đã gây ra thiệt hại kinh tế ít nhất 124 tỷ USD và ảnh hưởng đến hơn 1,5 tỷ người.

3. Cảnh báo tương lai

- Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) của Liên Hợp Quốc dự báo đến năm 2040, Trái Đất có thể nóng hơn 1,5 độ C.

- Khoảng 130 quốc gia có thể đối mặt với nguy cơ hạn hán lớn hơn trong thế kỷ này nếu việc phát thải khí nhà kính ồ ạt như hiện nay không ngừng lại.

- Hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn ở hầu hết châu Phi, trung và nam Mỹ, trung Á, nam Úc, nam Âu, Mexico và Mỹ.

- 23 quốc gia khác sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nước vì gia tăng dân số; 38 quốc gia khác sẽ bị ảnh hưởng bởi cả hai tình trạng thiếu nước và gia tăng dân số.

- Liên Hợp Quốc cảnh báo, đến cuối năm 2021, phần lớn các nước châu Phi sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực gia tăng.

- Tổ chức Nông lương (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) - thuộc Liên Hợp Quốc - cảnh báo hơn 41 triệu người trên toàn thế giới hiện có nguy cơ rơi vào nạn đói hoặc các tình trạng tương tự như nạn đói. Dự báo, vào năm 2050 sẽ có thêm hơn 80 triệu người ở châu lục này bị nạn đói hoành hành.

- Viện Tài nguyên Thế giới, nghiên cứu cũng dự báo từ năm 2010 đến năm 2030 có khả năng thêm 179 triệu người sẽ bị ảnh hưởng bởi tác động của lũ lụt.

- Và nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến toàn bộ Trái Đất nóng lên 2 độ C, thì mực nước biển sẽ dâng cao nửa mét trong thế kỷ 21.

Bài viết sử dụng nguồn: TIMES, Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ (NIC), NEW YORK TIMES, DM

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại