TQ: Hàng vạn người chết vì ăn thực phẩm bẩn riêng trong năm 2015

Hải Võ |

Đó là thông tin được đại diện Hiệp hội kinh tế học thành thị Trung Quốc công bố hôm 30/9 vừa qua.

Ngày 30/9, Phó hội trưởng hiệp hội trên kiêm chuyên gia Viện khoa học xã hội Trung Quốc, ông Lý Xuân Hoa phát biểu tại cuộc họp báo công bố "Sách xanh đô thị số 9" tại thủ đô Bắc Kinh cho biết, số người Trung Quốc thiệt mạng do nguyên nhân an toàn thực phẩm trong năm 2015 lên đến "hàng vạn người", gây thiệt hại kinh tế 5 tỉ nhân dân tệ (gần 750 triệu USD) và chưa dừng lại.

Con số cung cấp cho thấy số người thiệt mạng vì thực phẩm bẩn tại Trung Quốc năm qua là ít nhất 27 người/ngày, nghĩa là mỗi giờ trôi qua lại có hơn 1 người chết.

Theo ông Lý, vấn đề an toàn thực phẩm của Trung Quốc hiện chịu tác động của hàng loạt nhân tố mà nước này đang chật vật xử lý, như ô nhiễm đất, không khí, nguồn nước, sử dụng phân bón hóa học và lạm dụng chất kháng sinh...

Thêm vào đó, ông này chỉ trích, là sự lệch lạc và thiếu sót trong tinh thần nhân văn cùng lập trường về phát triển, lạm dụng các hình thức thu lời nhanh chóng.

Ông Lý chỉ ra, mức độ ô nhiễm ở Trung Quốc hiện nay đã đến mức báo động và xâm hại môi trường sinh tồn của con người. Sự tích tụ hóa chất vào lòng đất trong nhiều thập kỷ phát triển "nóng" đã hình thành một "quả bom nổ chậm" ngay dưới chân người Trung Quốc.

Theo số liệu tại cuộc họp báo ngày 30, Trung Quốc có ít nhất 8.700 đến 10.700 km2 diện tích canh tác bị ô nhiễm. 80% lượng thuốc trừ sâu được sử dụng đã trực tiếp đi vào môi trường, nói cách khác là các loại rau củ cung cấp cho thị trường.

Cũng theo báo cáo, lượng phân bón hóa học được Trung Quốc sử dụng chiếm 35% tỉ trọng cả thế giới, tương đương con số của Mỹ và Ấn Độ cộng lại. 

Bình quân mỗi mẫu đất nông nghiệp Trung Quốc (666.67 m2) sử dụng 21.9 kg phân bón, trong khi tiêu chuẩn của thế giới là 8kg. Con số này gấp 2.6 lần Mỹ và 2.5 lần Liên minh châu Âu (EU).

Lý Xuân Hoa cho hay, dầu ăn thừa được dùng tràn lan là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người mắc bệnh ung thư phổ biến.

Từ năm 2013, khái niệm "làng ung thư" đã trở thành cụm từ phổ biến. Truyền thông Trung Quốc thậm chí còn lập hẳn một bản đồ các ngôi làng nghèo khó mà gần như cả làng mắc bệnh hiểm nghèo, trải rộng khắp vùng trung và đông Trung Quốc, nhưng nơi kinh tế tăng trưởng mạnh.

Chính phủ Trung Quốc gần như bất lực trong việc kiểm soát dầu ăn bẩn và đổ lỗi cho lợi nhuận khổng lồ khiến giới thương nhân "vứt bỏ giới hạn đạo đức". 

Mỗi năm, khối lượng dầu đã qua sử dụng "quay trở về bàn ăn" của thực khách nước này là 2 triệu đến 3 triệu tấn mà chưa có giải pháp khả thi để ngăn chặn.

Hiệp hội kinh tế học thành thị Trung Quốc cho hay, vấn nạn an toàn thực phẩm ở Trung Quốc đã đến mức "không thể chấp nhận được". Công nghệ làm giả, các chất phụ gia độc hại và chất bảo quản sử dụng tràn lan.

Hàng loạt sự kiện chấn động dư luận nước này trong vài năm qua đã khiến thị trường thực phẩm chao đảo khi lòng tin của người tiêu dùng không còn.

Trong khi thực phẩm bẩn đang trở nên "ở đâu cũng thấy" trong xã hội Trung Quốc, quá khó để đặt niềm tin vào một sản phẩm có giá chưa đầy 2 nhân dân tệ như mì ăn liền.

Và đó mới chỉ là những gì mà bức tranh của lĩnh vực thực phẩm Trung Quốc gây ra, chưa tính đến hàng loạt ngành công nghiệp nặng khác vẫn đang tăng gia sản xuất và ảnh hưởng đến môi trường hàng ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại