Lời cảnh báo được ông Trump đưa ra ngay sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử nghiệm thành công bom H hôm 3/9, và được cho là nhằm thẳng vào Trung Quốc - nước đang là đối tác thương mại chủ chốt của Triều Tiên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng ngày 4/9 gọi lời đe dọa của tổng thống Mỹ là "bất công".
"Điều chúng tôi không thể chấp nhận được, đó là trong khi chúng tôi rất nỗ lực để giải quyết hòa bình vấn đề [Triều Tiên], thì các lợi ích của chúng tôi lại là mục tiêu của lệnh cấm vận và hành vi phá hoại," ông Cảnh chỉ trích.
Nếu tổng thống Trump xúc tiến cách tiếp cận nói trên trong vấn đề hạt nhân bán đảo thì đây sẽ là đòn đánh rất mạnh vào Trung Quốc, khi Mỹ nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 40 tỉ USD mỗi tháng từ nước này.
Theo Văn phòng Đại diện Kinh tế Mỹ, tổng giá trị thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lên tới gần 650 tỷ USD trong năm 2016, trong đó nhập khẩu chiếm khoảng 480 tỷ USD và xuất khẩu ở vào khoảng 170 tỷ USD. Mức độ giao thương này đã khiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Mỹ.
Cùng ngày 4/9, trả lời về việc Trung Quốc có ủng hộ Liên Hợp Quốc siết chặt trừng phạt với Triều Tiên - bao gồm biện pháp cắt nguồn cung dầu khí cho Bình Nhưỡng - hay không, ông Cảnh Sảng nói "phản ứng của Hội đồng bảo an ra sao, các bước hành động thế nào, phụ thuộc vào kết quả thảo luận của các nước thành viên Hội đồng".
Đại diện chính phủ Trung Quốc cũng bày tỏ thất vọng với lời kêu gọi của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull rằng Bắc Kinh nên đóng vai trò tích cực hơn để giải quyết vấn đề hạt nhân bán đảo, cụ thể là cắt nguồn cung dầu cho Triều Tiên.
"Chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng, các nước không thể chờ đợi Trung Quốc đơn độc giải quyết vấn đề này. Trung Quốc hy vọng tất cả các bên liên quan đến tình hình Triều Tiên cùng hợp tác và có hành động gây sức ép tương tự," ông Cảnh cho hay.