Hàn-Triều thắm thiết được bao lâu? Hãy nhớ lại những cái lắc đầu lạnh lùng của Trung Quốc

Nhà báo Kiều Tỉnh |

Tình hình bán đảo Triều Tiên không phải chỉ do hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc tự quyết định, mà đằng sau hai nhân tố Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò rất quan trọng.

Tín hiệu đáng mừng

Kết quả cuộc đàm phán liên Triều giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên với Hàn Quốc tại Bàn Môn Điếm đã làm dư luận ngạc nhiên và rất khích lệ về sự hòa dịu sau thời gian căng thẳng trên bán đảo này.

Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi liệu giai đoạn yên ổn này sẽ duy trì được bao lâu? Bởi lẽ sau thời gian hòa dịu thường lại bất đồng và căng thẳng.

Kể từ tháng 2/2016 khi Triều Tiên chủ động tuyên bố cắt đứt việc tiếp xúc, gặp gỡ trao đổi giữa hai bên tại Bàn Môn Điếm tới nay đã gần 2 năm (hơn 690 ngày), nay lại nối lại.

Nguyên nhân việc ngừng tiếp xúc mà Triều Tiên đưa ra năm 2016 nhằm phản đối việc Tổng thống Hàn Quốc khi đó là bà Park Geun Hye tuyên bố đóng cửa Khu công nghiệp chung Keasong.

Kể từ năm 1971 - khi hai bên mở đường dây nóng tiếp xúc ở Bàn Môn Điếm - tới cuối năm 2017, đã có 6 lần gián đoạn, thông thường do phía Bình Nhưỡng chủ động phản đối phía Hàn Quốc liên minh với Mỹ chống Triều Tiên.

Hàn-Triều thắm thiết được bao lâu? Hãy nhớ lại những cái lắc đầu lạnh lùng của Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il. Ảnh: BTA

Mỗi lần đàm phán được nối lại, Triều Tiên đều phát đi một tín hiệu hòa dịu trong quan hệ liên Triều.

Ngay từ thông điệp đầu năm 2018, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã phát đi tín hiệu hy vọng hòa hoãn làm dịu tình hình bán đảo, ông chúc Thế vận hội Olympic mùa đông tại PyeongChang thành công và hy vọng muốn cùng Hàn Quốc gặt hái được nhiều thành quả.

Bởi vậy, ngay sau khi phía Hàn Quốc đề nghị họp lại, phía Triều Tiên đã tích cực hưởng ứng.

Dư luận cho rằng đây là chiến dịch tấn công ngoại giao của Triều Tiên sau thời gian tiến hành bắn tên lửa và thử vũ khí hạt nhân gây phản ứng trên thế giới.

Kết quả ngoại giao tích cực

Chiến dịch ngoại giao này có thể nói đã đạt được thành công đáng kể.

Từ trước tới nay, "ngoại giao thể thao" luôn là lĩnh vực dễ được các bên sử dụng để hòa dịu quan hệ đang căng thẳng.

Hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc cũng tích cực tận dụng phương thức này, trong đó Thế vận hội Olympic mùa đông tổ chức ở thành phố PyeongChang là cơ hội tốt nhất cho cả hai bên.

Bởi vậy, ngay sau khi Hàn Quốc đề nghị họp liên Triều vào ngày 2/1/2018, thì ngày 3/1/2018 phía Triều Tiên đã đáp ứng và đồng ý gặp gỡ vào ngày 9/1/2018 tại "Nhà Hòa bình Bàn Môn Điếm".

Hàn-Triều thắm thiết được bao lâu? Hãy nhớ lại những cái lắc đầu lạnh lùng của Trung Quốc - Ảnh 2.

Hai quan chức Triều Tiên - Hàn Quốc bắt tay nhau ngày 15/1. Ảnh: REUTERS

Phát biểu trước khi bước vào đàm phán chính thức, cả hai Trưởng đoàn là Ri Song-won của Triều Tiên và Cho Myoung-gyon của Hàn Quốc đều tỏ ra lạc quan cho cuộc đàm phán lần này.

Tuy nhiên, dư luận cũng cảm thấy bất ngờ vì chỉ sau một ngày bàn luận, hai bên đã nhanh chóng ra "Thông cáo chung", trong đó Hàn Quốc nhất trí để phía Triều Tiên cử một đoàn vận động viên, cổ động viên, tham quan tới gần 500 người tham dự Olympic mùa đông tại PyeongChang từ ngày 9/2 đến ngày 25/2/2018.

Đáng lưu ý là hai Đoàn thể thao đã kết hợp thành một đoàn, vào sân vận động cùng một lúc, lấy cờ của bán đảo Triều Tiên làm biểu tượng chung.

Ngoài ra, hai bên còn thỏa thuận hòa hoãn tình trạng căng thẳng quân sự hiện nay, cố gắng thực hiện hòa hợp và hòa giải đoàn kết dân tộc, điển hình như tổ chức gặp gỡ dân li tán của hai bên.

Hai bên thỏa thuận tiến hành hội đàm quân sự và hội đàm gặp gỡ cấp cao thời gian tới để cải thiện quan hệ hai miền.

Kết quả này làm dư luận liên tưởng tới Thế vận hội năm 2000 ở Sydney (Australia) và Thế vận hội mùa đông năm 2006 tại Torino (Italia), Hàn-Triều cũng kết thành một đoàn và giương cao lá cờ chung của bán đảo cùng tiến vào sân vận động trong Lễ khai mạc, mở đầu cho sự hòa dịu sau đó.

Bài học lịch sử

Nhìn chung, dư luận các nước trên thế giới đều phấn chấn, lạc quan về tương lai bình ổn của điểm nóng bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới.

Tuy nhiên, dư luận cũng đặt ra câu hỏi liệu sự hòa dịu này kéo dài được bao lâu? Nếu như sau này, Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa hay vũ khí hạt nhân bị dư luận lên án thì tình hình sẽ ra sao?

Bởi lẽ, tình hình bán đảo Triều Tiên không phải do hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc tự quyết định, mà đằng sau hai nhân tố Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò rất quan trọng.

Khi nhậm chức (25/2/1998), Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung từng đưa ra "Chính sách Ánh dương" để thực hiện hòa dịu và hòa giải dân tộc với Triều Tiên. Ông chủ động thăm Triều Tiên, tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai miền (13/6 – 15/6/2000) sau hơn nửa thế kỷ chia cắt.

Cuộc gặp mặt hiếm giữa các nhà lãnh đạo Triều Tiên - Hàn Quốc. Nguồn: DPRK Video Archive

Tiếp đó, Hàn Quốc đã tiến hành giúp đỡ, viện trợ Triều Tiên phát triển kinh tế, như lập Khu công nghiệp ở Kaesong (năm 2002), rồi khu du lịch núi Kum Gang.

Ông Kim Dae Jung chủ trương "Hãy để người trên bán đảo Triều Tiên tự giải quyết với nhau", không muốn Mỹ và Trung Quốc can thiệp.

Chủ trương của tổng thống Hàn Quốc được nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong Il hưởng ứng tích cực. Ông đã tiến hành chuyến thăm đáp lễ và cũng đưa ra nhiều biện pháp hòa giải giữa hai miền.

Can thiệp của Mỹ và Trung Quốc

Tình hình bán đảo Triều Tiên khi đó xem ra rất lạc quan. Nhưng rốt cuộc bị Mỹ chặn lại khi ông Kim Dae Jung thăm Mỹ vào tháng 3/2001. Bởi lẽ, nó không phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Bà Park Geun-hye khi trở thành Tổng thống thứ 18 (tháng 12/2012) cũng tìm giải pháp thông qua con đường hợp tác kinh tế buôn bán với Trung Quốc, muốn li khai quan hệ đồng minh với Mỹ, hợp tác với Trung Quốc giải quyết vấn đề bán đảo.

Phía Trung Quốc ra sức ủng hộ. Nhưng rốt cuộc bà lại cho phép Mỹ bố trí lá chắn tên lửa THAAD, sau đó bị cách chức vào tháng 3/2017 do bê bối để bạn thân thao túng chính quyền. Tình hình bán đảo trở nên căng thẳng.

Dư luận cũng chú ý tới sự kiện cách đây 37 năm. Khi ấy, Hàn Quốc giành quyền đăng cai tổ chức Thế vận hội tại Seoul vào năm 1988, phía Triều Tiên đã đề nghị hai miền cùng hợp tác tổ chức Olympic.

Nhưng do kinh tế Triều Tiên đang gặp khó khăn, nên lãnh tụ Kim Nhật Thành có chuyến thăm Trung Quốc năm 1987 nhằm tìm kiếm viện trợ và sự giúp đỡ của Trung Quốc để tổ chức Olympic, nhưng bị nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từ chối khéo, nói rằng: "Tổ chức Thế vận hội không phải là việc dễ dàng, vì rất tốn kém, hơn nữa còn vấn đề đảm bảo an ninh. Về thời gian thì quá muộn để hai bên hợp tác tổ chức."

Do vậy, việc liên Triều cùng tổ chức đã không thành.

Hàn-Triều thắm thiết được bao lâu? Hãy nhớ lại những cái lắc đầu lạnh lùng của Trung Quốc - Ảnh 4.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il gặp ông Tập Cận Bình (khi ấy là Phó Chủ tịch nước Trung Quốc) ngày 18/6/2008. Ảnh: Xinhua/Lan Hongguang

Trong chuyến thăm Trung Quốc cuối cùng vào tháng 5/2011, ông Kim Jong Il có đưa ra yêu cầu với ban lãnh đạo Trung Quốc là Triều Tiên muốn đàm phán trực tiếp để hòa hoãn với Mỹ, tạo môi trường an ninh xung quanh được cải thiện tốt hơn, nhưng đã bị Bắc Kinh phản ứng, vì điều này không phù hợp với lợi ích của Trung Quốc.

Ông Kim Jong Il mất cuối năm 2011, ông Kim Jong Un lên nắm quyền và quan hệ Trung-Triều tiếp tục đà đóng băng kể từ đó.

Ngay sau khi cuộc đàm phán ngày 9/1/2018 tại Bàn Môn Điếm đạt kết quả, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bày tỏ cảm ơn và ca ngợi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "tác động để cuộc đàm phán này thành công".

Báo chí Mỹ dẫn phát biểu của Tổng thống Trump ngày 6/1/2018 tại Trại David (cơ sở của Hải quân Mỹ): "Hiện nay hai nước Triều Tiên sẽ tiến hành đàm phán về Thế vận hội tại Hàn Quốc. Đây là khởi đầu quan trọng. Nếu không có tôi can thiệp thì hai bên sẽ không có cuộc hội đàm về Olympic và căn bản cũng không có bất kỳ đối thoại nào".

Ngay sau khi hội đàm đạt kết quả, Tổng thống Trump bày tỏ hoan nghênh, đồng thời thông báo sẽ cử Phó Tổng thống Mike Pence tham dự Thế vận hội.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh và ủng hộ hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc tiến hành bàn luận về Thế vận hội mùa đông PyeongChang ở Bàn Môn Điếm, cho rằng "đây là sự kiện tốt."

Trong khi đó, Trung Quốc cũng cử Trưởng đoàn "Đàm phán 6 bên" tới Seoul để gặp gỡ phía Hàn Quốc.

Nhìn lại mối quan hệ Trung – Triều cho thấy tới nay đã hơn 6 năm trôi qua, nhưng lãnh đạo cao nhất hai nước chưa hề có chuyến thăm lẫn nhau. Đây là hiện tượng không bình thường, nhất là sau khi Trung Quốc thực thi chính sách "từ bỏ gánh nặng" với Triều Tiên - cụ thể là ủng hộ các nghị quyết cấm vận Bình Nhưỡng tại HĐBA, và bị phía Triều Tiên phản ứng bằng cách bác bỏ các đề xuất của Bắc Kinh đối với giải quyết tình hình bán đảo.

Nhưng dù sao hai nước Trung – Triều có nhiều lợi ích gắn bó với nhau, nên không thể từ bỏ nhau.

Trong bài "Trung Quốc cần nhận thức lại vấn đề Triều Tiên" trên mạng tin Đa Chiều ngày 22/11/2017, giáo sư Trịnh Vĩnh Niên thuộc, từ Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng Trung Quốc cần nghiêm túc kiểm điểm và nhận thức lại vấn đề Triều Tiên, không nên đổ lỗi và đẩy cho nước khác, như vậy sẽ tác hại rất lớn tới lợi ích chiến lược của chính mình. Phải coi vấn đề Triều Tiên là vấn đề của chính Trung Quốc để tìm cách cải thiện quan hệ.

Chính vì vậy, Trung Quốc thời gian qua đã áp dụng nhiều biện pháp và có điều chỉnh đáng kể đối với Triều Tiên thông qua nhiều kênh khác nhau để tác động tới Triều Tiên.

Bởi lẽ, Triều Tiên vẫn có vai trò địa chiến lược rất quan trọng đối với Khu vực Đông Bắc Á và với Trung Quốc.

Hàn-Triều thắm thiết được bao lâu? Hãy nhớ lại những cái lắc đầu lạnh lùng của Trung Quốc - Ảnh 5.

Có thể dự đoán rằng, cho dù quan hệ liên - Triều được cải thiện thông qua cùng tham gia Thế vận hội PyeongChang vào tháng 2/2018, nhưng bản thân hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn chưa thể tự quyết định được vận mệnh của chính mình như mong muốn của ông Kim Dae Jung: "Hãy để người bán đảo Triều Tiên tự giải quyết với nhau".

Điều này là do, hai nhân tố Trung Quốc và Mỹ vẫn tác động. Hai mối quan hệ tam giác Trung - Triều - Hàn và Mỹ - Hàn - Triều vẫn đan xen phức tạp với nhau.

Hiện nay mối quan hệ Trung - Hàn và Mỹ - Hàn gắn bó hơn quan hệ Trung - Triều và Mỹ - Triều. Đây là yếu tố quan trọng để Triều Tiên buộc phải mở "chiến dịch ngoại giao thể thao" hiện nay để cải thiện vị thế của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại