TQ có thể hạ mình "một lần và duy nhất" để đình chiến, nếu Mỹ không chấp nhận, điều gì sẽ xảy ra?

Minh Khôi |

Chủ tịch Tập Cận Bình có thể mở cửa thị trường, giảm bớt trợ cấp công ty nhà nước khi ông gặp Tổng thống Trump bởi Bắc Kinh cần có sự ổn định để giải quyết vấn đề trong nước.

Trung Quốc cần ổn đối ngoại để lo đối nội

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump ​​sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina trong tuần này với nỗ lực tìm cách thoát khỏi xung đột thương mại kéo dài nhiều tháng qua.

Cũng như cam kết đảm bảo tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ, ông Tập Cận Bình có thể giải quyết sự mất cân bằng thương mại của Bắc Kinh với Washington, bao gồm cam kết dễ dàng nhất mà Trung Quốc có thể đưa ra: Mở cửa thị trường của mình rộng hơn.

"Đó là một lựa chọn ít áp lực nhất cho chính phủ," nguồn tin của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết.

Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow đã cho biết, khả năng cao sẽ có một thỏa thuận nếu Trung Quốc đưa ra một số ý tưởng và thái độ mới. Bình luận của ông đã xoa dịu tâm lý lo ngại rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục áp thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, Bắc Kinh hy vọng hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ mang đến một thông điệp ủng hộ chủ nghĩa đa phương mạnh mẽ.

Các tập đoàn nước ngoài từ lâu đã phàn nàn về việc Bắc Kinh chậm trễ mở cửa thị trường và các khoản trợ cấp khổng lồ cho tập đoàn nhà nước nội địa.

Đáp lại, Bắc Kinh đã giảm bớt các phát ngôn về kế hoạch phát triển công nghệ cao Made in China 2025 và cam kết dần dần loại bỏ rào cản cho các nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực. Nhưng vẫn có những lời kêu gọi nước này phải có những động thái nhanh và quyết liệt hơn.

Cũng theo nguồn tin của SCMP, Trung Quốc sẽ không từ bỏ các công ty nhà nước nhưng Bắc Kinh cần loại bỏ các điều khoản pháp lý và quy định để phù hợp với các công ty tư nhân hoặc nước ngoài.

"Nếu căng thẳng với Mỹ có thể được nới lỏng, nó sẽ tạo ra một môi trường bên ngoài ổn định cho lãnh đạo để chống lại những rủi ro cho nền kinh tế trong nước", nguồn tin cho biết.

Kết quả vẫn ở phía trước

Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức lớn trong nửa đầu năm tới với những rủi ro về tỷ lệ thất nghiệp và thất thoát dòng vốn. Trong khi đó, tăng trưởng cũng có thể chậm lại ở Mỹ trong quý IV năm nay, gây áp lực lên một thị trường chứng khoán biến động.

Nguồn tin cho rằng, cả 2 nhà lãnh đạo đều không muốn bị đổ lỗi cho cuộc suy thoái kinh tế gây ra bởi chiến tranh thương mại.

Các đề nghị của Trung Quốc có thể là thỏa thuận "một lần và duy nhất", thể hiện sự chân thành tối đa của Bắc Kinh. Nếu Mỹ từ chối, sẽ phải xem ai có khả năng chịu đựng thiệt hại kinh tế lâu hơn, nguồn tin ẩn danh nhận định.

Nhiều người đang hy vọng vào kết quả tốt nhất có thể cho các cuộc đàm phán này là việc ngừng áp đặt khoản thuế bổ sung nhưng thỏa thuận có thể chỉ là tạm thời.

Để tiếp tục gây áp lực lên Bắc Kinh, Mỹ đã tiếp tục cáo buộc Trung Quốc không khắc phục các hành vi thương mại không công bằng và đe dọa sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% vào năm tới.

Một nguồn tin của Mỹ cho biết thuế quan chỉ là một phần, việc kiểm soát chặt chẽ hơn đầu tư và trao đổi công nghệ với các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục, dù có hay không có các cuộc đàm phán thương mại.

Nguồn tin Trung Quốc cho biết có nguy cơ khoản thuế quan chỉ có thể được trì hoãn và sẽ được áp đặt trở lại nếu Mỹ không hài lòng với phản ứng của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại