Ngày 21/4, hãng thông tấn xã nhà nước Triều Tiên KCNA đăng tải bài xã luận chỉ trích mạnh mẽ "một quốc gia láng giềng" đã công khai ủng hộ hành động leo thang căng thẳng của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.
Theo Yonhap (Hàn Quốc), đối tượng mà Bình Nhưỡng ám chỉ chính là Trung Quốc - nước được cho là "đồng minh thân thiết" của Triều Tiên.
Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 23/4 cũng đã đăng tải bài bình luận đáp trả lại lời cảnh báo về "hậu quả thảm khốc" trong quan hệ hai nước của Triều Tiên.
Theo báo này, lời cảnh cáo khiêu khích nhất, cũng như thu hút sự chú ý của dư luận thế giới chính là, "nếu Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Triều Tiên thì Bắc Kinh nên sẵn sàng đối mặt với những hậu quả thảm khốc trong mối quan hệ với Bình Nhưỡng".
Đây là lần thứ hai trong thời gian gần đây truyền thông Triều Tiên ngầm chỉ trích chính quyền Trung Nam Hải. Trước đó vào ngày 23/2, Triều Tiên cũng đã chỉ trích Trung Quốc "nhảy múa theo điệu nhạc của Mỹ" khi Bắc Kinh ra lệnh ngừng nhập khẩu than từ Bình Nhưỡng.
Trong cuộc điện đàm mới nhất, hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ cảnh báo, Triều Tiên có thể chuẩn bị cuộc thử hạt nhân lần thứ 6 trong dịp kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội vào 25/4 tới. Ảnh: NYT
"Anh nói việc anh, tôi làm việc tôi"
Theo Hoàn cầu, thái độ mới nhất của Bình Nhưỡng giống hệt tuyên bố hai tháng trước đó bởi nó không chỉ bày tỏ sự bất mãn việc Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt theo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng như thể hiện sẽ tự tiến hành các vụ thử tên lửa hạt nhân theo cách riêng.
Đồng thời qua đó gây áp lực lên Trung Quốc, thăm dò thái độ của nước láng giềng đối với hoạt động phóng thử tên lửa mới tiếp theo của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, báo Trung Quốc cho rằng, động thái này sẽ phản tác dụng, khiến Bình Nhưỡng bị cô lập thêm bởi Bắc Kinh sẽ vừa tiếp tục duy trì lập trường của mình - áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế theo nghị quyết của Liên hợp quốc - vừa giữ thái độ "anh nói là việc của anh, tôi làm là việc của tôi" trước lời cảnh cáo ngầm của Triều Tiên.
"Bắc Kinh có đủ khả năng để duy trì lập trường này lâu dài trong quan hệ với Triều Tiên, bất luận KCNA có đăng tải nhiều bài xã luận hay Bình Nhưỡng tiến hành các động thái khác đều không ảnh hưởng đến Bắc Kinh", Hoàn cầu nhấn mạnh.
Hoàn cầu cho biết, hiện giới học giả Trung Quốc nhận định rằng, Triều Tiên luôn coi bản thân là "lính canh cho Trung Quốc" vì thế Bình Nhưõng cho rằng dù họ có làm gì thì Bắc Kinh cũng không có lựa chọn khác ngoài đáp ứng vô điều kiện.
"Nếu Bình Nhưỡng thực sự nghĩ như vậy, rõ ràng họ đã sai. Việc sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình ổn định ở Đông Bắc Á, tổn hại lợi ích quốc gia quan trọng của Trung Quốc, ngăn chặn Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong quá trình xử lý các vấn đề phức tạp ở Đông Bắc Á của Trung Quốc", Hoàn cầu cảnh báo.
Theo giới quan sát, đặc biệt từ sau hội nghị thưởng đỉnh Trung-Mỹ hồi đầu tháng 4 vừa qua, chính phủ Trung Quốc luôn nhấn mạnh mong muốn các bên liên quan cần nỗ lực tiến hành đối thoại về vấn đề Triều Tiên.
Đồng thời kêu gọi Washington và Bình Nhưỡng áp dụng đề xuất "tạm dừng song phương" (tức Triều Tiên ngừng phát triển chương trình hạt nhân trong khi Mỹ ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD ở Hàn Quốc) của Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, khác với thời gian trước, truyền thông Trung Quốc đã dần đăng tải những tuyên bố cảnh cáo mạnh mẽ về vấn đề Triều Tiên như nếu giới hạn an ninh và ổn định vùng Đông Bắc (giáp với Triều Tiên) bị xâm phạm, quân đội Trung Quốc sẽ không kích quét sạch cơ sở hạt nhân nước láng giềng.
Ở diễn biến liên quan, sáng nay 24/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump, kêu gọi các bên liên quan tiến hành đối thoại và kiềm chế trong vấn đề Triều Tiên.