Ngày 6/10, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, Phó ban điều hành đề án đô thị thông minh cho biết vừa trình HĐND TPHCM Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Ông Tuyến nói Đề án đô thị thông minh phải khắc phục những hạn chế, bất cập như hiện nay, như cung cấp nhiều dịch vụ cho đời sống xã hội.
Người dân sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ, tương tác với chính quyền sẽ dễ dàng, tham gia giám sát, quản lý và xây dựng góp phần thúc đẩy thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Doanh nghiệp sẽ có môi trường minh bạch, đơn giản, thuận tiện hoạt động và được cung cấp nhiều thông tin để có quyết định kinh doanh chính xác.
Đô thị thông minh tạo ra kết nối phản hồi thông tin để các tổ chức xã hội tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.
Việc quản trị đô thị dần chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động.
Thay vì chỉ phản ứng khi xảy ra sự cố, bức xúc của người dân, chính quyền có thể sử dụng công cụ thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn cùng các công cụ phân tích để tiên lượng các vấn đề có thể xảy ra, xây dựng các chiến lược phát triển và kịch bản ứng phó phù hợp.
Đô thị thông minh sẽ giúp người dân, doanh nghiệp ngồi nhà nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán chi phí qua mạng và nhận kết quả qua bưu điện.
Những công cụ kiểm soát hiện đại sẽ giải quyết hồ sơ, ngăn chặn cán bộ sách nhiễu, gây phiền hà người dân.
Người dân thay vì phải đến cơ sở khám chữa bệnh chầu chực xếp hàng thì có thể chủ động đăng ký giờ khám, dịch vụ, lựa chọn bác sĩ… qua mạng.
Theo đề án, để xây dựng đô thị thông minh, trong thời gian tới TPHCM phải xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu, xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, trung tâm điều hành thông minh và an toàn thông tin.
Theo GS TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TPHCM, xây dựng thành phố thông minh phải tính đến chất lượng nguồn nhân lực, thêm vào đó, còn có các yếu tố như y tế, công nghệ thông tin, môi trường.
Ông Sơn đề xuất tăng cường năng lực quản lý về an toàn thực phẩm, đầu tư trang bị lại thiết bị cho phòng kiểm nghiệm.
Đối với vấn đề môi trường, ông Sơn nói việc thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải rắn, và quản lý vấn đề thiêu đốt đối với rác thải y tế… đây là những vấn đề cần tính đến đối với một đô thị thông minh.
Theo TS Hồ Hữu Nhựt, các giải pháp chống ngập của TPHCM hiện nay ứng dụng công nghệ thông tin chưa nhiều, trong khi nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện còn vẫn yếu.
Muốn làm được như Singapore, Nhật, TPHCM cần chuẩn bị các điều kiện như: triển khai các giải pháp thông minh trong lĩnh vực nhà ở, điều kiện giao thông, xe tự lái, quan trắc môi trường, thanh toán không dùng tiền mặt, các công nghệ hỗ trợ vận hành, người máy, y tế từ xa, công cụ tiếp nhận ý kiến người dân và hệ thống cơ sở dữ liệu mở…
Ông Nhựt cho rằng, lộ trình xây dựng thành phố thông minh rất cần sự đồng bộ, nếu không tính toán kỹ sẽ lãng phí.
Đề án này trong giai đoạn 2017-2020 chỉ nên dừng lại ở mức định hướng, không nên đặt luôn vấn đề thực hiện “xây dựng đô thị thông minh”.