Nhiều nhóm giải pháp cho tăng trưởng xanh
Hội nghị Xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TP.HCM được tổ chức tại TP.HCM chiều 24/1 với sự tham gia của hàng trăm đại biểu.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, thành phố đang gặp nhiều thách thức về vấn đề tăng trưởng xanh khi mà công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp. Hiện nay, TP.HCM chỉ có khoảng 12,8% nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đang có khoảng 8 triệu xe máy và gần 1 triệu ô tô đang lưu thông trên địa bàn. Tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông chiếm đến 90%.
Theo bà Mai, những thách thức về tăng trưởng xanh của thành phố là vô cùng lớn. Chính vì vậy, bà cho rằng, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội sẽ là chìa khóa mở ra các cơ chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh trên địa bàn thành phố.
Bà Mai chia sẻ, thành phố đã đưa ra các nhóm giải pháp để phát triển tăng trưởng xanh như: chính sách phát triển giao thông xanh, chính sách phát triển đô thị xanh và chính sách đổi mới khoa học, công nghệ để phục vụ tăng trưởng xanh.
Cụ thể, đối với nhóm chính sách phát triển giao thông xanh, TP.HCM sẽ chuyển đổi các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng xanh. Trong đó có phương án thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường.
Thành phố cũng sẽ đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm kéo giảm kẹt xe. Thành phố cũng sẽ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đối với nhà, sân bãi để xe trên đất do Nhà nước quản lý.
“Các công trình nhà, sân bãi để xe có thể bố trí tại các vị trí trên đất của đường bộ, đất công viên hoặc đất quy hoạch xây dựng công trình công cộng nhưng chưa thực hiện dự án để khai thác hết công năng”, bà Mai nói.
Theo bà Mai, các dự án phát triển giao thông xanh sẽ được thực hiện theo phương thức đối tác công tư.
Đối với nhóm giải pháp phát triển đô thị xanh, TP.HCM sẽ thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Ngoài ra, TP.HCM sẽ tập trung phát triển nhà ở xã hội và chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn.
Đối với nhóm giải pháp đổi mới khoa học, công nghệ để phục vụ tăng trưởng xanh, TP.HCM sẽ cho thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo.
Thành phố cũng sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố đối với các chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.
Nguồn lực thực hiện
Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TP.HCM sẽ huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành nghề, lĩnh vực trọng tâm mà thành phố đang hướng đến. Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường hợp tác công tư và huy động trái phiếu.
Cụ thể, thành phố sẽ thu hút các dự án theo hình thức PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; thực hiện đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng tiền.
Đồng thời, huy động cho các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công thông qua cơ chế phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120%.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ phát huy vai trò hoạt động của Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Thành phố (HFIC), bởi trước đó, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế xã hội.
“Nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh cũng được lấy từ nguồn đấu giá các quỹ đất hình thành trên cơ sở các dự án giải phóng mặt bằng các khu đất thuộc vùng phụ cận các nhà ga Metro và các nút giao đường Vành đai 3 theo cơ chế phát triển đô thị theo định hướng TOD cũng như các quỹ đất công do Nhà nước quản lý trên địa bàn thành phố”, bà Mai nói.
Theo bà Mai, một nguồn lực quan trọng để phát triển tăng trưởng xanh chính là từ nguồn tín chỉ carbon. Nguồn thu từ bán tín chỉ carbon hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách thành phố được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon là nguồn thu ngân sách thành phố được hưởng 100%. Các khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố.