Vào thời điểm tháng 6 và tháng 8/2023, dạo quanh các tuyến đường tại trung tâm và ven trung tâm Tp.HCM, rất nhiều biển bảng cho thuê được treo lên. Đến hiện tại, tần suất có dấu hiệu giảm nhiệt. Ở một số tuyến đường trung tâm như Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn… số lượng bảng treo cho thuê ít hơn so với trước. Tuy vậy, còn khá nhiều mặt bằng vẫn tiếp tục “ế” lâu ngày tại khu trung tâm. Phần lớn là mặt bằng diện tích lớn, giá thuê cao.
Tại khu ven như quận 9, quận 2 nhiều mặt bằng shophouse hiện đã lấp kín người thuê, không còn cảnh dán biển cho thuê chằng chịt như thời điểm giữa năm 2023.
Theo ghi nhận, ngoài các mặt bằng cho thuê trên các tuyến đường thì mặt bằng bán lẻ ở các trung tâm thương mại gần đây cũng có sự hồi phục rõ rệt. Một thống kê cho biết năm 2023 có tới hơn 30 thương hiệu mở mới và mở thêm tại Việt Nam. Trong đó có nhiều thương hiệu lớn của thế giới như UNIQLO, H&M, Hublot, MiniSo, Cotti Coffee, Runway, Shuyi... đây là nguồn cầu đang tạo hấp lực cho mặt bằng bán lẻ Tp.HCM.
Báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield về mặt bằng bán lẻ cho thấy quý cuối cùng của năm 2023, tỉ lệ lấp đầy ở các trung tâm thương mại đạt gần 90%, tăng 0,2 điểm phần trăm so quý trước và tăng 1,9 điểm phần trăm so cùng kỳ.
Đặc biệt, giá thuê mặt bằng không giảm mà còn tăng 2,1% theo quý và tăng đến 7,6% theo năm, đạt trung bình 53,1 USD/m2/tháng. Giá thuê tăng chủ yếu đến từ 2 dự án mới khai trương ở TP HCM là Hùng Vương Plaza (quận 5) và Thiso Mall Trường Chinh - Phan Huy Ích (quận Gò Vấp).
Theo đơn vị này, dự kiến nguồn cung mặt bằng thương mại ở Tp.HCM giai đoạn 2024-2026 sẽ tiếp tục tăng với diện tích 112.000 m2 trong năm 2024 và 97.400 m2 năm 2025… khi hiện có hơn 4 trung tâm thương mại cả trong và ngoài khu vực trung tâm có kế hoạch cải tạo, mở rộng trong năm 2024.
Còn ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, nhận định thị trường bán lẻ tại Tp.HCM nói riêng và nền kinh tế nội địa nói chung đang phát triển tốt, đặc biệt là lĩnh vực F&B và giải trí. Theo ghi nhận của Savills, thị trường bán lẻ hiện đại như các cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm và nền tảng bán lẻ đang giao dịch rất tốt. Giá thuê và tỉ lệ lấp đầy đều mạnh mẽ.
Tuy vậy, đang có sự thay đổi ở các cửa hàng truyền thống hoặc chợ truyền thống theo hướng khó khăn hơn do ngày càng nhiều mô hình bán lẻ mới nổi lên. Do đó, trong tương lai, những cửa hàng mua sắm truyền thống sẽ tiếp tục được thay thế bằng những mô hình hiện đại hơn để thu hút người tiêu dùng. Điều này buộc các chủ mặt bằng phải tham gia vào quá trình phát triển tài sản của mình hoặc định vị lại để hấp dẫn khách thuê và người tiêu dùng.