TP.HCM: Nhiều nơi thiệt hại nặng bởi cơn “cuồng phong”

LÊ THOA |

Sau cơn mưa lớn kèm gió lốc mạnh vào tối 18-11, hàng loạt căn nhà bị tốc mái, cây xanh, trụ điện bị quật ngã.

Sáng 19-11, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM đã cùng lãnh đạo quận 9 đến thăm hỏi, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do mưa, gió khủng.

Ông Liêm yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng giúp người dân khắc phục sự cố đồng thời theo dõi, thông tin kịp thời tình hình mưa bão đến người dân để tránh trường hợp xấu xảy ra.

Theo báo cáo của UBND quận 9, đến 9 giờ ngày 19-11, toàn quận có khoảng 30 căn nhà, phòng trọ bị tốc mái, hư hỏng tại các phường Trường Thạnh, Tăng Nhơn Phú A, Hiệp Phú, Phước Long B; nhiều căn bị tốc mái hoàn toàn.

Ngoài ra, gãy đổ nhiều cây xanh, hệ thống điện bị sự cố gây mất điện trên diện rộng tại địa bàn các phường Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Phước Long A, Phước Long B, Hiệp Phú.

TP.HCM: Nhiều nơi thiệt hại nặng bởi cơn “cuồng phong” - Ảnh 1.

Sau cơn mưa tối qua và ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, hàng trăm cây xanh trên địa bàn TP bị quật ngã. Ảnh: PHAN ĐẠI PHƯỚC

UBND quận 9 cho biết ngay khi nhận được tin báo về sự cố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận đã có mặt tại hiện trường và chỉ huy công tác khắc phục thiệt hại đảm bảo ổn định đời sống của các hộ dân bị thiệt hại, khắc phục sự cố về công trình.

Quận cũng chỉ đạo phường lập hồ sơ thiệt hại để hỗ trợ kịp thời cho người dân.

TP.HCM: Nhiều nơi thiệt hại nặng bởi cơn “cuồng phong” - Ảnh 2.

Khung cảnh tan hoang sau đêm mưa. Ảnh: PHAN ĐẠI PHƯỚC

Về phía huyện Cần Giờ, lãnh đạo UBND huyện cho biết đến trưa 19-11, Cần Giờ vẫn còn mưa nhỏ, gió không lớn và chưa có thiệt hại gì về người và của.

Tuy nhiên, do bão số 14 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, chuyển hướng, ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung, nên PCT UBND TP Lê Thanh Liêm cũng đã trực cả đêm và chỉ đạo địa phượng thực hiện các biện pháp khẩn cấp tiếp theo đối phó với áp thấp.

Theo đó, lãnh đạo UBND huyện thông tin, từ đêm qua, huyện đã di dời toàn bộ người dân ở các khu vực nguy hiểm đến trú tránh ở các công trình kiên cố.

Đến thời điểm này, một số người dân chủ quan đòi về, trừ một số trường hợp có nhu cầu cấp thiết, còn lại đều phải tiếp tục tránh trú đợi áp thấp tan.

Riêng tàu thuyền vẫn còn đang bị cấm ra khơi, dự báo phải sau khi áp thấp ra khỏi khu vực TP.HCM (khoảng 22 giờ hôm nay theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) thì UBND TP mới có chỉ đạo mới.

“Từ những phương án chống bão đã được lên kế hoạch, huyện Cần Giờ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt để hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra khi áp thấp đi qua” - lãnh đạo UBND Cần Giờ khẳng định.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 10 giờ ngày 19-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Ninh Thuận - Bà Rịa-Vũng Tàu.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Trà Vinh với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 sau đó suy yếu thành vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng ven biển các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, khu vực Cần Giờ (TP.HCM), Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7-8.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại