Đó là những ý kiến lo ngại của lãnh đạo sở, ngành và UBND TP.HCM tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 diễn ra chiều 27-3.
Đề xuất hợp nhất nhiều sở
Trước đó, từ trung tuần tháng 2-2017, Bộ Nội vụ đã đăng tải dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương để lấy ý kiến nhân dân.
Tinh thần của dự thảo là không nhất thiết các tỉnh đều có các sở như nhau và cũng không nhất thiết ở trung ương có bộ, cơ quan ngang bộ thì cấp tỉnh có tổ chức tương ứng.
Đáng lưu ý, dự thảo đưa ra đề xuất hợp nhất nhiều sở làm một. Cụ thể, Sở Kế hoạch - Tài chính là sự hợp nhất Sở KH&ĐT và Sở Kế hoạch và Tài chính hiện nay; Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị (hoặc Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị) là sự hợp nhất Sở Xây dựng với Sở GTVT (và Sở QH-KT tại TP.HCM và Hà Nội).
Cũng theo dự thảo, các tỉnh đã lập Sở Du lịch thì hợp nhất sở này vào Sở VH-TT&DL. Đối với các tỉnh không có đường biên giới trên bộ và cửa khẩu quốc tế thì thành lập Phòng Ngoại vụ thuộc văn phòng UBND tỉnh...
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 27-3, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: “Bộ Nội vụ rất mong nhận được ý kiến đóng góp của nhân dân, báo chí và các chuyên gia để dự thảo hoàn thiện hơn, có thể sớm trình Thủ tướng”.
“Thực tế cho thấy việc sáp nhập các phòng chức năng cấp huyện đã phát huy hiệu quả trong việc tinh gọn bộ máy và biên chế. Từ sự thành công đó, nghị định này mới được xây dựng để tiếp tục tinh gọn bộ máy hành chính cấp tỉnh” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay.
Nhập rồi có làm được không?
Liên quan đến nội dung nêu trên, tại cuộc làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, đặt ngay câu hỏi: Nhập rồi có làm được không?
Ông Hùng đề nghị nên cân nhắc điều này vì thật sự khối lượng công việc mà TP.HCM đảm nhận rất lớn, tính chất công việc cũng hết sức phức tạp, trong khi TP đang quyết liệt thực hiện chỉnh trang đô thị.
Ông Hùng cho biết từ nay đến năm 2025, TP phải tập trung di dời toàn bộ 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. “Sở Xây dựng và Sở GTVT nhập lại cũng làm được vì cán bộ, đảng viên thì phải chấp hành nhiệm vụ.
Nhưng khối lượng công việc của các sở như Sở Xây dựng, Sở QH-KT, Sở GTVT đều rất lớn và rất nặng nề” - ông Hùng nói. “Không thể coi TP.HCM giống như các tỉnh khác” - ông nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đặt vấn đề: Bây giờ cả ba sở là Sở GTVT, Sở QH-KT cùng với Sở Xây dựng nhập lại có thành siêu sở?
Lấy minh chứng các số liệu trực tiếp từ một sở nằm trong diện sáp nhập là Sở KH&ĐT, ông Phong cho biết TP đặt mục tiêu đạt 500.000 doanh nghiệp (DN) vào năm 2020, số lượng DN thành lập mới trong năm 2017 là 50.000.
Như thế mỗi tháng sẽ có hơn 4.000 DN mới được thành lập.
Năm 2016, Sở KH&ĐT phải giải quyết 273.000 hồ sơ. Hằng năm sở này cũng tiếp nhận và phát đi hàng chục ngàn văn bản. Mặt khác, hiện có 80 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư tại TP; có hơn 6.722 dự án Sở KH&ĐT đang theo dõi…
“Tôi chỉ nói một vài con số ở Sở KH&ĐT như thế thôi, chưa nói đến Sở Tài chính. Nếu nhập lại như vậy thì làm sao làm nổi, mà làm không nổi sẽ làm trì trệ lại, tác động đến sự phát triển của TP” - ông Phong nói.
Ông Phong cho biết thêm: “Hôm rồi, anh Tân (Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân) mời chúng tôi ra, TP.HCM và Hà Nội khi thảo luận tách nhập các sở, chúng tôi trả lời rất rõ là đề nghị giữ nguyên hiện trạng.
Tất nhiên Hà Nội có trả lời riêng của Hà Nội, TP.HCM có báo cáo riêng của TP.HCM”.