Tại buổi tiếp xúc cử tri đơn vị số 9 giữa Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng với cử tri huyện Hóc Môn, ông Nguyễn Văn Tính (xã Tân Hiệp) bày tỏ băn khoăn về thông tin Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa bộ môn tiếng Trung Quốc vào giảng dạy tại các khối học phổ thông.
Cử tri này bày tỏ, việc đưa tiếng Trung Quốc vào trường học khó khả thi, ít nhất là trong thời điểm này.
"Con tôi ngoài học sư phạm Anh văn, nhưng học thêm ngôn ngữ phụ nữ là tiếng Trung thì tôi không đồng ý. Có thể học tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Hàn… chứ không được học tiếng Trung", ông Tính phát biểu.
Hơn nữa, tiếng Trung vì chữ viết tượng hình, rất khó cho học sinh tiếp thu được trong khi chữ nước ta sử dụng ký tự La-tinh. Ông Tính dẫn chứng, vừa rồi ở Sóc Trăng có học sinh lên lớp 6 nhưng không đọc – viết được phải đưa về lớp 1 thì các em ở lớp 5, lớp 6 học tiếng Trung như thế nào trong khi học tiếng Anh ở nước ta vẫn chưa tốt.
"Đợt tổng kết tốt nghiệp phổ thông vừa rồi, điểm tiếng Anh của học sinh đa số dưới trung bình thì bây giờ đưa tiếng Trung vào rất khó xử cho các em", cử tri Tính phát biểu.
Vấn đề này, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP trình bày chủ trương cho cử tri nắm được.
Theo ông Đạt, Đề án ngoại ngữ 2020 về nâng cao năng lực ngoại ngữ tiếng Anh cho học sinh cả nước lúc đầu chỉ làm cho tiếng Anh, nhưng sau đó để sử dụng cho các ngoại ngữ khác như tiếng Trung, Nga, Pháp, Đức, Hàn, Nhật thì phải đưa vào "khung" rèn luyện môn ngoại ngữ.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá, trên thực tế tiếng Trung Quốc hiện nay là một trong những ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Hàng ngày, quan hệ kinh tế, văn hóa, ngoại giao cũng như khách du lịch người Trung Quốc đến Việt Nam thì việc hiểu biết ngôn ngữ, văn hóa của họ… là rất quan trọng, cần thiết trong chuyện hội nhập quốc tế của nước ta.
Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Nguyễn Tiến Đạt khẳng định với Bí thư Thăng và cử tri rằng TP.HCM không ép buộc học sinh học tiếng Trung.
"Ở TP.HCM hiện nay có khoảng 500.000 đồng bào người Hoa thì việc dạy tiếng Trung từ lớp 1 đã có từ khi giải phóng đến bây giờ và trường chuyên Lê Hồng Phong cũng có lớp chuyên tiếng Trung. Còn tiếng Pháp, Đức, Hàn… hiện nay được phụ huynh và học sinh tự tự nguyện chọn học", ông Đạt cho biết.
Đến đây, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng ngắt lời ông Đạt và hỏi: "Cần nói rõ cho cử tri biết việc học tiếng Trung có bị bắt buộc không hay học sinh có quyền lựa chọn học ngoại ngữ mình thích, cử tri cần biết điều đó".
Ông Đạt trả lời: "Hiện nay, ngoại ngữ tiếng Trung và nhiều ngoại ngữ khác không có sự bắt buộc, có quyền học theo ngoại ngữ mình thích".
Đề án ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020, kinh phí gần 10.000 tỷ đồng với mục tiêu thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đến năm 2015 sẽ nâng cao trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên.
Năm 2020, tăng đáng kể tỉ lệ thanh thiếu niên có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập, tự tin trong giao tiếp... Đến năm học 2018-2019, 100% học sinh lớp 3 và năm 2020-2021, 90% học sinh lớp 6, 50% học sinh lớp 10 tham gia đề án.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016, môn tiếng Anh có 472.000 thí sinh dự thi nhưng theo công bố của Bộ GD-ĐT, điểm trung bình của môn này chỉ đạt 3,48 và hơn 88% thí sinh có điểm liệt và điểm dưới trung bình ở môn thi này.