TP.HCM đề xuất tăng giá vé 51 tuyến buýt trợ giá

Đỗ Loan |

Để giảm trợ giá, TT Quản lý giao thông công cộng TP.HCM kiến nghị Sở GTVT cho phép tăng giá vé xe buýt phổ thông thêm 1.000 đồng...

Vé tăng 1.000 đồng ở 51 tuyến xe buýt trợ giá

“Liên quan đến việc sau khi tăng giá vé có giảm trợ giá của các doanh nghiệp vận tải hay không, ông Trung cho biết, trợ giá của thành phố vẫn giữ nguyên, đề xuất tăng giá vé là để tăng doanh thu cho doanh nghiệp bù đắp một phần vốn đầu tư xe mới, giảm chi ngân sách TP. Dự kiến, sau khi điều chỉnh tăng giá vé, doanh thu xe buýt sẽ tăng thêm 92,5 tỷ đồng/năm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phương tiện mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ hành khách.”

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cho biết, đã có văn bản đề xuất Sở GTVT tăng giá vé xe buýt phổ thông thêm 1.000 đồng/lượt kể từ ngày 1/5. 

Cụ thể, 51 tuyến xe buýt có trợ giá sẽ được điều chỉnh mức vé như sau: Nhóm tuyến có cự ly từ 15km đến dưới 25km, giá vé điều chỉnh từ 5.000 lên 6.000 đồng/lượt/hành khách. 

Nhóm tuyến có cự ly từ 25km trở lên, giá vé là 7.000 đồng/lượt (trước là 6.000 đồng). Riêng nhóm tuyến có cự ly từ 15km trở xuống, giá vé giữ nguyên 5.000 đồng/lượt.

Việc tăng giá vé cũng áp dụng với học sinh, sinh viên. “Khi lên xe, học sinh, sinh viên đều phải xuất trình thẻ.

Trường hợp chưa được cấp thẻ hoặc chỉ được cấp thẻ học viên, nhóm đối tượng này có thể xuất trình giấy xác nhận là học sinh, sinh viên (có dán hình, đóng dấu giáp lai) để thay thế.

Với đề xuất điều chỉnh giá vé như trên, sẽ có 51 tuyến có giá vé tăng 1.000 đồng/lượt/hành khách so với hiện nay và 49 tuyến còn lại giữ nguyên giá vé”, trung tâm này cho biết.

Chia sẻ về việc tăng giá vé xe buýt, bạn Nguyễn Tiến Bộ, sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, hàng ngày thường xuyên đi học bằng xe buýt, sinh viên được trợ giá 2.000 đồng/vé, giờ tăng thêm 1.000 đồng cũng không đáng kể.

Tính ra so với các phương tiện khác, xe buýt rẻ hơn nhiều mà đi lại an toàn. “Tuy nhiên, tăng giá vé cũng cần đi đôi với tăng chất lượng dịch vụ, hành khách đi xe buýt phải được phục vụ tốt hơn”, bạn Bộ nói.

PGS.TS. Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông ở TP.HCM cho rằng, kinh tế phát triển, mọi chi phí đều tăng như hiện nay, tăng giá vé xe buýt thêm 1.000 đồng/lượt cũng không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Tuy nhiên, sau khi tăng giá vé cần phải tăng chất lượng dịch vụ, thay thế dần những xe buýt cũ, phục vụ người dân tốt hơn.

Vui mừng trước thông tin đề xuất tăng giá vé xe buýt, ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc HTX Vận tải xe buýt 15 cho biết, nếu đề xuất tăng giá vé của trung tâm được Sở chấp thuận, các doanh nghiệp vận tải rất phấn khởi, doanh thu các chuyến cũng sẽ tăng, từ đó bù đắp các chi phí tăng như nhiên liệu, nhân công.

“Tuy nhiên, chúng tôi lo lắng việc tăng giá vé thì tiền trợ giá có giảm đi không, bởi nếu trợ giá giảm thì doanh thu tăng cũng khó bù đắp”, ông Thảo nói.

Cam kết nâng cao chất lượng dịch vụ

TP.HCM đề xuất tăng giá vé 51 tuyến buýt trợ giá - Ảnh 2.

Dự kiến, từ ngày 1/5, 51 tuyến xe buýt trợ giá sẽ tăng 1.000 đồng/lượt

Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM cho biết, trước khi đề xuất tăng giá vé xe buýt đã khảo sát, lấy ý kiến khoảng 2.000 hành khách đi xe buýt.

Kết quả, hơn 80% hành khách đồng ý tăng giá 1.000 đồng/vé và cho rằng, giá vé xe buýt hiện nay rẻ nhất so với các phương tiện vận tải khác.

“Việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt là cần thiết, mức tăng cũng không quá cao với tình hình phát triển kinh tế để bù đắp khó khăn cho ngân sách thành phố”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, sau khi tăng giá vé, các doanh nghiệp cùng cam kết nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Riêng việc phát hành vé tập, vé tháng không ảnh hưởng đến hoạt động in ấn tăng giá vé, bởi vé tập chỉ in đến tháng 3. Hiện nay, trung tâm sử dụng một loại vé tập duy nhất giá 135.000 đồng/tập 30 vé sử dụng hết năm 2019 để đi lại trên các tuyến.

Liên quan đến cơ sở đề xuất tăng giá vé lần này, theo ông Trung, từ năm 2012 đến nay, chi phí các yếu tố đầu vào cho hoạt động xe buýt như giá nhân công, phương tiện, xăng dầu… đều tăng nhiều.

Đặc biệt là giá nhân công, từ 2.000.000 đồng đến nay mức lương tối thiểu vùng đã tăng lên đến 4.180.000 đồng (tăng 109%).

Đồng thời, giá đầu tư xe hiện nay cao hơn từ 120 - 140% so với năm 2012. “So với năm 2012, đối với loại xe từ 60 - 80 ghế, giá mua một xe là 896 triệu đồng, nhưng đến nay là 2,1 tỷ đồng, tăng đến 134%”, ông Trung lấy ví dụ.

Cũng theo trung tâm, từ năm 2016 đến nay, sản lượng hành khách đi xe buýt năm sau luôn cao hơn năm trước, so với cùng kỳ năm ngoái sản lượng xe buýt trên toàn TP tăng 3,6%.

Năm 2018, trung tâm đã tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cũng như sản lượng hoạt động xe buýt.

Đơn cử như mở mới các tuyến xe buýt; triển khai đầu tư 1.162 xe buýt mới thay thế xe buýt cũ (trong đó có 428 xe buýt CNG); thí điểm công nghệ RFID xác nhận chuyến, thí điểm vé điện tử thông minh...

Sau khi nhận được văn bản đề xuất tăng giá vé của trung tâm, một cán bộ Sở GTVT TP HCM cho biết, Sở đang xem xét đề xuất này.

“Việc có tăng giá vé hay không Sở GTVT sẽ xem xét trên nhiều yếu tố để không ảnh hưởng đáng kể đến khách hàng đồng thời có thể tăng doanh thu cho doanh nghiệp và giảm ngân sách hỗ trợ của thành phố”, vị này nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại