TP.HCM cho phép mở lại dịch vụ ăn uống, chỉ bán mang đi: Hoạt động từ 6h đến 18h theo phương thức "3 tại chỗ"

PV |

Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến.

Ảnh minh họa: Người lao động

Ảnh minh họa: Người lao động

UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn về tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội.

Cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống hoạt động

Theo Trung tâm báo chí TP.HCM, văn bản nêu rõ, UBND TP HCM chỉ đạo tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giấy đi đường của Công an TP HCM đã cấp trong thời gian giãn cách xã hội đến hết ngày 15/9. Đối với những trường hợp có nhu cầu cấp đổi giấy đi đường, các đơn vị chủ trì, quản lý đối tượng cấp giấy đi đường theo Công văn 2800/UBND-VX chịu trách nhiệm thu hồi giấy cũ; tổng hợp, cập nhật danh sách mới gửi Công an TP để được cấp đổi.

TP.HCM cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; Đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức; Cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h hàng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.

Chủ tịch UBND quận 7 và UBND huyện Củ Chi căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện cho phép người dân có thể đi chợ 1 tuần/1 lần; báo cáo UBND TP trước ngày 11/9.

Ngoài ra, TP.HCM mở hai điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn. Tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức để bổ sung nguồn hàng hóa cung ứng.

Đáng chú ý, UBND TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được phép hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện, TP Thủ Đức để được cấp đi đường; phải đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng, chống Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.

Theo báo giới, các quy định trên có hiệu lực từ ngày 7/9 cho đến khi có thông báo mới.

TP.HCM cho phép mở lại dịch vụ ăn uống, chỉ bán mang đi: Hoạt động từ 6h đến 18h theo phương thức 3 tại chỗ - Ảnh 1.

Hỗ trợ thực phẩm cho người dân ở TP.HCM. Ảnh: Tiền phong

Theo VOV, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 chiều nay, ông Phạm Đức Hải (Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM) chia sẻ, thành phố đã phối hợp với 30 tỉnh, thành phố trong cả nước để đưa 28.000 người dân rời TP.HCM về quê. 

Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Phú Yên với hơn 8.300 người. Ngoài ra, Quảng Nam có hơn 3.200 người, Nghệ An hơn 2.100 người.

TP.HCM đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại "bình thường mới"

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính từ 17h ngày 7/9 đến 17h ngày 8/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.308 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 273.154 trường hợp nhiễm Covid-19 được công bố.

TP.HCM đã phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) triển khai lắp đặt 100 camera đọc mã QR tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 7/9. Giải pháp này sẽ mang lại nhiều lợi ích như nhanh chóng trong việc kiểm soát tại các chốt, tránh ùn ứ; hạn chế tiếp xúc; kịp thời xác định nhân thân người lưu thông; ngăn chặn kịp thời F0 vi phạm quy định về giãn cách xã hội. Thời gian quét mã QR của camera chỉ mất từ 2/5 giây, sau đó hệ thống của C06 sẽ tự động kiểm tra lại thông tin, giấy tờ của công dân.

Ngày 8/9, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Qua khảo sát, việc mua sắm thuốc, vật tự y tế; cũng như định mức sử dụng, chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt. Nếu chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không thể duy trì được. Để giải quyết vấn đề này, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính; sớm tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

TP.HCM đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại "bình thường mới" với mũi tiến công quan trọng là Vắc-xin + Thuốc + Ý thức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại