Chiều 8-12, kỳ họp thứ 4, HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn trong thời gian qua.
Trước khi vào phần chất vấn, Chủ tịch UBND quận 7 đã thông tin tình hình chống dịch trên địa bàn.
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh cho biết đến ngày 30-8, quận 7 là địa phương đầu tiên của thành phố công bố kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Ngày 22-9, Bộ Y tế đã công nhận quận 7 là "vùng xanh" - bình thường mới.
Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP HCM khóa X, chiều 8-12
Tính từ ngày 1-10, khi thành phố hết giãn cách, dần mở cửa thì trong suốt 7 tuần liền, quận 7 đều là "vùng xanh"- nguy cơ thấp. Trung bình 1 tuần quận có 61 ca nhiễm mới, đa phần là không có triệu chứng và cách ly tại nhà. Còn các F0 liên quan đến các KCX Tân Thuận thì được điều trị tại bệnh viện dã chiến.
Cùng với các trạm y tế tại phường, quận đã kiện toàn 21 trạm y tế lưu động, 800 tổ chăm sóc F0 tại cộng động, 53 tổ xử lý F0 ở 53 khu phố.
"Với việc hệ thống y tế cơ sở khẩn trương kiện toàn và tiêm vắc-xin đạt 100% đối với người từ 18 tuổi nên hiện nay quận 7 đang kiểm soát tốt dịch bệnh"- Chủ tịch UBND quận 7 thông tin.
Cũng theo Chủ tịch UBND quận 7, từ ngày 1-10 đến nay, một số ngành dịch vụ, thương mại đã khởi sắc và tăng so với cùng kỳ, thu ngân sách cũng tăng. Đây là dấu hiệu phục hồi kinh tế tốt.
Là đại biểu đặt câu hỏi chất vấn đầu tiên đối với Chủ tịch UBND quận 7, Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM Lê Xuân Viên hỏi tính chủ động của quận 7 trong công tác phòng chống dịch như thế nào? Trong các giải pháp, giải pháp nào là cốt lõi và quan trọng nhất?
Trả lời, Chủ tịch UBND quận 7 nói khi dịch thứ 4 bắt đầu xuất hiện tại thành phố từ ngày 27-4, quận vẫn nằm trong vùng an toàn.
Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7, quận 7 bắt đầu bùng phát dịch từ KCX Tân Thuận, có ngày hơn 300 F0. Lúc đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của quận đã nhận thấy nguy cơ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân.
Do đó, ngoài Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của quận, tập thể Thường trực Quận ủy đã họp và quyết định thành lập Ban chỉ huy thống nhất phòng chống dịch, để chỉ đạo thống nhất và huy động toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc.
Ban Chỉ huy thống nhất phòng chống dịch 2 ngày họp 1 lần và phân công đầu việc rõ ràng cho các thành viên, có kiểm tra giám sát.
"Việc thành lập Ban Chỉ huy thống nhất phòng chống dịch đã phát huy được hiệu quả khi các chỉ đạo từ quận xuống phường, cơ sở được thông suốt, kịp thời"- Chủ tịch UBND quận 7 đúc kết.
Cùng với đó, khi phát hiện số ca tăng nhiều ở KCX Tân Thuận, quận đã nhanh chóng tăng cường cho tuyến y tế cơ sở, chuẩn bị khu cách ly. Thời điểm đó, TP HCM chỉ đạo các quận, huyện phải thành lập các khu cách ly tập trung với quy mô 200-300 giường thì quận 7 đã chuẩn bị được các khu cách ly tập trung với quy mô khoảng 4.000 giường từ các cơ sở trường học.
Theo Chủ tịch UBND quận 7, để giảm nguy cơ tử vong của F0, quận đã điều chỉnh 1 khu cách ly để làm bệnh viện dã chiến, trang bị 600 giường và bình oxy để ứng phó với tình huống F0 tại nhà có triệu chứng, cần chuyển viện. Khi đó, TP HCM chưa có thành lập được bệnh viện dã chiến tại các địa phương.
"Việc này đã đem lại hiệu quả. Thời điểm đó chỉ cần bệnh nhân có bình oxy là có thêm cơ hội được cứu sống"- Chủ tịch UBND quận 7 nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND quận 7 cũng cho hay Quận ủy đã mạnh dạn kết nạp Đảng cho các đối tượng tuyến đầu.
"Trong lực lượng tuyến đầu chống dịch có công an, quân sự. Những lực lượng này đã đương đầu với dịch, không ngại khó khăn, nguy hiểm. Có những trường hợp bị F0, khi hết bệnh tiếp tục quay lại với công việc, rất xông pha, rất đáng quý. Các anh em khi trưởng thành qua đợt dịch nhìn lại thấy rất ý nghĩa, sự xông pha, cống hiến đã được Đảng nhìn thấy và công nhận"- Chủ tịch UBND quận 7 nói.
Một biện pháp quan trọng khác được Chủ tịch UBND quận 7 đưa ra là nhanh chóng tiêm vắc-xin cho người dân.
Theo đó, quận 7 đã tranh thủ từng ngày, từng giờ để tiêm vắc-xin cho người, vận động tất cả các lực lượng có thể để tham gia công tác này, có ngày đạt 22.000-25000 mũi tiêm.