Toshiba - ông hoàng một thời của Nhật và bước đi đến tử địa

Q.H |

Không ai có thể nghĩ công ty từng một thời được xếp hạng là một trong những thương hiệu nổi tiếng giá trị nhất Nhật Bản lại đứng trước bước đường khó khăn chỉ vì một thương vụ đầu tư tại tận Pennsylvania xa xôi.

Năm 2006, Toshiba quyết định mua lại Westinghouse, một công ty điện hạt nhân có trụ sở tại Pennsylvania, Hoa Kỳ. Khi ấy, những nhà lãnh đạo tại tập đoàn đa quốc gia về công nghệ cao của Nhật cho rằng ván cờ họ đặt vào nguồn năng lượng mới của thế giới sẽ mang lại lợi nhuận không nhỏ cho Toshiba, và là bước đi tài chính đúng đắn.

Trong suốt 10 năm sở hữu Westinghouse, Toshiba đã đổ hàng tấn tiền vào công ty này. Trong động thái mới nhất, Toshiba đã ký hợp đồng trị giá tới 6,3 tỷ USD cho phép Westinghouse mua lại công ty CB&I Stone and Webster nhằm hoàn thiện các dự án của chi nhánh này tại Georgia và Nam Carolina.

Tuy nhiên, các dự án tại Mỹ của CB&I hoạt động chậm chạp và không đạt hiệu suất như tính toán ban đầu của Toshiba, khiến công ty đối mặt với khoản lỗ có thể là dấu chấm hết ông lớn đa quốc gia một thời của Nhật.

Hậu quả ban đầu của kế hoạch kinh doanh sai lầm là Chủ tịch Shigenori Shiga đã xin từ chức, cổ phiếu của hãng giảm gần 20% chỉ trong vòng 3 ngày. Toshiba cũng vừa xin lùi thời hạn nộp báo cáo tài chính lên ủy ban chứng khoán Tokyo thêm 1 tháng, với lý do "cần nghiên cứu ảnh hưởng của báo cáo nội bộ đến kết quả kinh doanh toàn tập đoàn".

Đây là một cú giáng mạnh vào nền kinh tế Nhật Bản, khi trước đó tập đoàn này phải trải qua cuộc tái cơ cấu sau scandal gian lận kế toán. Vào thời điểm xảy ra vụ gian lận, Toshiba đã buộc phải bán một số công ty con tại Indonesia, trước khi tìm kiếm đối tác chia sẻ gánh nặng đầu tư trong mảng y tế.

Khi ấy, năng lượng hạt nhân được vạch rõ là một trong hai ngành cốt lõi mà Toshiba hướng tới, củng cố quyết tâm tái cơ cấu tập đoàn dù quyết định này đã khiến tập đoàn buộc phải sa thải tới 10.000 nhân viên nhằm cứu vãn khoản lỗ ròng 4,5 tỷ USD.

Giờ đây, nếu Toshiba buộc phải đệ đơn phá sản do sai lầm từ các quyết định kinh doanh liên quan đến mảng năng lượng hạt nhân, sẽ có ít nhất 200.000 nhân viên người Nhật phải đối mặt với thất nghiệp, chưa kể hàng trăm nghìn nhân viên tại các chi nhánh nước ngoài.

Thành lập vào năm 1939 nhờ vào sự hợp nhất giữa công ty Shibaura Seisaku-sho (công ty chuyên về công nghiệp nặng) và Tokyo Denki (công ty tiền đề cho mảng bán dẫn và năng lượng của Toshiba), Toshiba sớm trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất tại Nhật Bản.

Tuy các sản phẩm đã mang tên hiệu Toshiba không lâu sau thương vụ hợp nhất, nhưng mãi đến năm 1978, công ty Toshiba mới chính thức trở thành tên giao dịch của tập đoàn này.

Hoạt động trong suốt 140, Toshiba ghi dấu ấn với danh tiếng lẫy lừng vào những năm 2010-2011. Năm 2010, tập đoàn này được xếp hạng là một trong năm công ty máy tính cá nhân lớn nhất thế giới về doanh thu (xếp phía sau Hewlett-Packard, Dell, Acer và Lenovo).

Vào cùng năm đó, Toshiba cũng trở thành công ty sản xuất chất bán dẫn lớn thứ tư thế giới về doanh thu (xếp phía sau Intel, Samsung và Texas Instruments). Năm 2011, công ty này đăng ký tổng cộng 2.483 bằng sáng chế ở Mỹ, đứng thứ năm trong số những công ty có nhiều bằng sáng chế nhất (sếp sau IBM, Samsung Electronics, Canon and Panasonic).

Những sản phẩm đồ điện tử của hãng như tivi, điều hòa, tủ lạnh từng được coi là biểu tượng của Nhật Bản và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Nhưng giờ đây, nó chỉ còn là bằng chứng cho một gã khổng lồ đã tự đào hố chôn mình với những nợ nần, án phạt, lục đục nội bộ và các quyết định kinh doanh vội vã, để rồi chìm sâu hơn vào khủng hoảng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại