Xét trên khía cạnh kiếm tiền trong giới bóng đá suốt nhiều năm qua, nếu Cristiano Ronaldo là số 2, không ai dám nhận số 1. Nhưng không chỉ biết hưởng thụ nguồn thu từ lương thưởng, hợp đồng quảng cáo như nhiều sao sân cỏ khác, Ronaldo còn tận dụng tối đa hình ảnh của bản thân để thâm nhập thương trường. Các mảng kinh doanh lấy thương hiệu CR7, từ thời trang, nước hoa, khách sạn giúp thu nhập hàng năm của siêu sao người Bồ Đào Nha tăng chóng mặt.
Trước khi Ronaldo xuất hiện, danh hiệu "ông hoàng sân cỏ" chắc chắn phải thuộc về David Beckham. Nhưng ngay cả khi đã giải nghệ, huyền thoại một thời của sân Old Trafford vẫn sở hữu lượng fan khổng lồ. Sau nhiều năm đầu tư hiệu quả, Beckham quyết định "chơi lớn" với kế hoạch thành lập Inter Miami, đội bóng bắt đầu tranh tài tại giải Nhà nghề Mỹ (MLS) mùa 2020.
Nam tính, tài hoa trên sân cỏ là thế, Andrea Pirlo cũng mang theo những đức tính ấy vào thương trường sau khi giải nghệ. Cựu tuyển thủ Italy hiện tiếp quản rất thành công nhà máy sản xuất rượu của gia đình. Mỗi năm, ông chủ Pirlo có thể cung ứng ra thị trường từ 15.000 đến 20.000 chai rượu vang hảo hạng.
Nếu phải tìm ra đâu là ngôi sao sân cỏ thành công nhất với nghiệp kinh doanh, đó chắc hẳn phải là anh chàng điển trai Mathieu Flamini. Thay vì vung tiền vào những cuộc chơi phá sức, tiệc tùng như nhiều đồng nghiệp, cựu tiền vệ Arsenal dùng toàn bộ số tiền kiếm được từ bóng đá để thành lập công ty hóa sinh GF Biochemicals cùng thương gia Pasqual Granata vào năm 2008. Sau hơn 1 thập kỷ phát triển, công ty do Flamini đồng sáng lập được tạp chí Forbes định giá tới 33 tỷ USD và bản thân cựu danh thủ người Pháp cũng lọt top 100 nhà lãnh đạo kinh doanh triển vọng nhất hành tinh năm 2018.
Sở hữu chỉ số IQ lên tới 140, Gerard Pique có thừa thông minh để biết điều gì tốt nhất cho bản thân, bên cạnh nghiệp quần đùi áo số. Không chỉ gây tiếng vang trên sân cỏ, yêu cô ca sĩ đình đám Shakira, chàng trung vệ hàng đầu của Barcelona còn rất giỏi trong lĩnh vực kinh doanh. Ngôi sao 33 tuổi hiện là chủ nhân của quỹ Komos Global Holding, chuyên đầu tư vào lĩnh vực truyền thông và thể thao, bao gồm tổ chức giải quần vợt đồng đội nam thế giới Davis Cup. Ngoài ra, Pique cũng sở hữu CLB Andorra FC, đội bóng đang chơi tại giải hạng 3 Tây Ban Nha.
Quyết định treo giày ở cuối mùa 2014/2015 khi mới 29 tuổi của Marcell Jansen từng gây ra cú sốc với những người yêu mến anh. Ngôi sao từng 45 lần khoác áo tuyển Đức có lẽ đã bị mê hoặc bởi sức hút từ thương trường, quyết định dấn thân vào và anh đã không phải hối tiếc vì điều đó. Hiện Jansen sở hữu chuỗi nhà hàng "California Street", một cửa hàng cung cấp dụng cụ y tế, một cơ sở thể thao bãi biển và thương hiệu thời trang của riêng mình. Chưa hết, đầu năm 2019, Jansen còn chính thức được bầu làm chủ tịch Hamburg SV, đội bóng anh từng gắn bó suốt 7 năm trước khi giải nghệ.
Khi còn khoác áo Tottenham Hotspur trong giai đoạn 1997-2001, Ramon Vega nổi tiếng là mẫu trung vệ thi đấu đầu óc. Cựu tuyển thủ Thụy Sỹ thậm chí sớm có trong tay tấm bằng tài chính - ngân hàng khi còn là cầu thủ trẻ của Grasshopper Zurich. Nhờ yêu thích những con số, Vega sau này trở thành một doanh nhân thành đạt. Theo một báo cáo từ năm 2015, quỹ đầu tư Vega Swiss Asset Management của anh được cho quản lý số vốn lên đến 635 triệu bảng.
Trái với vẻ bề ngoài có phần ngổ ngáo, anh chàng Ryan Bertrand lại là một doanh nhân thứ thiệt ngoài đời. Bên cạnh nhiệm vụ chính chơi bóng cho Southampton, ngôi sao sinh năm 1989 còn là đồng sở hữu của công ty môi giới công nghệ Fintech Silicon. "Tôi luôn nghĩ đến quãng thời gian sau khi rời xa bóng đá và biết rằng bản thân cần có sự chuẩn bị cho tương lai", hậu vệ người Anh tiết lộ.