Top 5 ngành nghề khó bị thất nghiệp trong tương lai

Minh Hằng |

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang rất phát triển. Tuy nhiên, đây là 5 ngành nghề mà AI khó có thể thay thế được con người trong tương lai.

Theo các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở thành công cụ hay trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp, thậm chí chúng còn giúp thực hiện các nhiệm vụ chính xác hơn con người.

Trước đó, theo kết quả khảo sát của những nhà tuyển dụng trong báo cáo Triển vọng việc làm năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố vào tháng 5, gần 1/4 việc làm trên toàn thế giới sẽ thay đổi trong vòng 5 năm tới. Cụ thể, 69 triệu việc làm mới có khả năng được tạo ra và đồng thời có 83 triệu việc làm bị mất đi. Trong đó, những công việc bị suy giảm nhanh nhất sẽ liên quan tới thư ký, văn thư... do có thể được tự động hóa trong tương lai.

Top 5 ngành nghề khó bị thất nghiệp trong tương lai- Ảnh 1.

Sự bùng nổ của AI có thể khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp trong tương lai. Ảnh: Linkedin

Mặc dù sự trỗi dậy của AI ngày càng tác động lớn tới thị trường lao động, tuy nhiên, vẫn có một số ngành nghề được đánh giá là an toàn trước AI.

Giáo viên

Theo kết quả khảo sát trong báo cáo về Triển vọng việc làm năm 2023, dự kiến việc làm trong ngành giáo dục sẽ tăng trưởng 10% vào năm 2027. Dù công nghệ đã và đang tạo ra những tác động to lớn cho giáo dục, nhưng các chuyên gia cho rằng AI vẫn không thể thay thế hoàn toàn con người trong lĩnh vực này. Bởi trên thực tế, lĩnh vực này vẫn cần giáo viên, những người có thể hướng dẫn, giải đáp thắc mắc và chấm điểm cho học sinh. 

Mặt khác, việc giảng dạy không chỉ có sự truyền đạt kiến thức chuyên môn mà còn cần sự tương tác phức tạp với những người khác, chẳng hạn như đồng cảm, lắng nghe tích cực... Đây là những kỹ năng cao của con người và chúng nằm ngoài khả năng của AI.

Luật sư, thẩm phán

Top 5 ngành nghề khó bị thất nghiệp trong tương lai- Ảnh 3.

Luật sư là nghề AI rất khó thay thế được con người. Ảnh: Vdiscovery

Luật sư hay thẩm phán là những công việc đòi hỏi phụ thuộc nhiều vào phân tích vụ việc, chiến lược và kỹ năng đàm phán. Những công việc trí óc này phần lớn phụ thuộc vào kinh nghiệm và chuyên môn riêng của từng chuyên gia để có khả năng đàm phán thành công các vụ án pháp lý phức tạp... 

Đặc biệt, ở vai trò của thẩm phán, người đưa ra phán quyết cuối cùng có thể khiến bị cáo chịu nhiều năm tù... thì yếu tố con người càng đóng vai trò quan trọng. Do đó, AI không thể thay thế cho con người trong việc làm luật sư và thẩm phán dù ở thời điểm hiện tại hay trong tương lai.

Nhà văn

Nhà văn là những người sử dụng khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng của bản thân để tạo ra những tác phẩm có nội dung hấp dẫn. Trên thực tế, AI ngày nay có thể viết bài, thậm chí viết rất nhanh nhưng chúng vẫn chưa thể biết cách đặt tên, chỉnh sửa và mang dấu ấn cá nhân vào trong các tác phẩm. 

Các chuyên gia cho biết, AI với những thuật toán lập trình sẵn có thể được dùng để rà soát chính tả, ngữ pháp hoặc kiểm tra đạo văn, viết ý tưởng. Nhưng công nghệ không thể thay thế cho trí tưởng tượng, sự sáng tạo cần thiết để tạo ra những ý tưởng thực sự độc đáo của con người.

Phân tích hệ thống máy tính

Những công việc có liên quan đến máy tính rất ít bị robot hay AI thay thế. Bởi các chuyên gia cho biết, khi nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào tự động hóa thì càng phải cần tới những người có đủ khả năng triển khai, cập nhật, nâng cấp, sửa chữa cũng như quản lý những hệ thống này.

Nhu cầu về nghề phân tích hệ thống máy tính sẽ ngày càng tăng trong những năm tới. Theo ước tính của Cục Thống kê lao động Mỹ, số lượng các nhà phân tích hệ thống máy tính sẽ tăng 9% đến năm 2028. Tỷ lệ này được đánh giá là cao hơn so với hầu hết những ngành nghề khác. 

Tuy nhiên, với sự phát triển của AI, các chuyên gia cũng dự đoán rằng mặc dù không thể thay thế trong tương lai gần, nhưng AI sẽ làm thay đổi cách các kỹ sư phần mềm, chuyên gia về khoa học máy tính... thực hiện công việc của họ.

Biên tập viên

Trên thực tế, AI với những thuật toán được thiết lập sẵn có thể làm thu nhỏ công việc của một biên tập viên như rà soát lỗi chính tả, kiểm tra đạo văn... Nhưng hiện tại nó thiếu một số kỹ năng chuyên sâu cần thiết để đánh giá nội dung. 

Biên tập viên thường phải xem các bài viết và tính đến đối tượng mục tiêu, phong cách viết, đồng thời phải kiểm tra tính chính xác và kỹ lưỡng của tác phẩm. Khả năng tư duy phản biện và sự nhạy bén trong việc kiểm tra, đánh giá thông tin một cách khách quan là điều cần thiết cho công việc này. Đây là điều mà công nghệ hay máy móc khó có thể thay thế.

Bài viết tham khảo nguồn: WEF, Interesting Engineering, Investopedia

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại