Theo báo cáo tài chính của 27 ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán, tính đến cuối quý I/2023, các nhà băng có hơn 8,58 triệu tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tăng 3,6% so với đầu năm.
Top 10 ngân hàng có tiền gửi khách hàng nhiều nhất
Top 10 ngân hàng có nhiều tiền gửi khách hàng nhất hiện đang nắm giữ 6,75 triệu tỷ tiền gửi khách hàng, chiếm tỷ trọng gần 78,9% trong 27 ngân hàng.
BIDV vẫn nắm giữ vị trí đầu bảng với hơn 1,49 triệu tỷ tiền gửi khách hàng, tăng khoảng 23,7 nghìn tỷ (tương đương 1,6%) so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn hiện đang chiếm tỷ trọng khoảng 84% và đóng góp gần 59,2 nghìn tỷ.
Vietcombank đã thay thế VietinBank ở vị trí á quân. Theo đó, đến cuối quý I/2023, tiền gửi khách hàng của Vietcombank đạt hơn 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,1% so với đầu năm. Trong khi đó, VietinBank ghi nhận chỉ tiêu này là hơn 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 1,9%.
Với gần 478,79 nghìn tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 5,3% so với đầu năm, Sacombank đang dẫn đầu khối tư nhân trong bảng xếp hạng. Trong giai đoạn vừa qua, tiền gửi có kỳ hạn là động lực chính thúc đẩy tiền gửi khách hàng tại nhà băng này đi lên. Cụ thể, tiền gửi có kỳ hạn tăng hơn 28,3 nghìn tỷ trong 3 tháng đầu năm, trong khi tiền gửi không kỳ hạn giảm hơn 4 nghìn tỷ.
MB ở vị trí thứ 5 với 445,41 nghìn tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 0,4% so với đầu năm. Động lực tăng trưởng chỉ tiêu này của MB cũng đến từ tiền gửi có kỳ hạn (tăng gần 28,15 nghìn tỷ). Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm gần 24,7 nghìn tỷ.
ACB nối gót với hơn 422,76 nghìn tỷ đồng tiền gửi. Đến cuối quý I/2023, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại ACB là 261,7 nghìn tỷ, tăng 14,7 nghìn tỷ so với đầu năm. Ở chiều ngược lại, CASA của ngân hàng lại giảm gần 6,8 nghìn tỷ.
Nắm giữ hơn 391,4 nghìn tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 8,24%, SHB đứng ở vị trí thứ 7. Tăng trưởng tổng tiền gửi của ngân hàng hiện chủ yếu đến từ tiền gửi có kỳ hạn. Tính đến 31/03/2023, tiên gửi có kỳ hạn ở SHB đạt gần 367 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 94% trong tổng tiền gửi, tăng 32,5 nghìn tỷ (~9,74%) so với đầu năm. Các khoản còn lại gồm CASA, ký quỹ, tiền gửi vốn chuyên dùng giảm tổng cộng hơn 2,7 nghìn tỷ.
Cuối cùng trong top 10 ngân hàng có nhiều tiền gửi khách hàng là Techcombank (387,3 nghìn tỷ); VPBank (331,18 nghìn tỷ); HDBank (249,8 nghìn tỷ).
Top 10 tăng trưởng tiền gửi khách hàng nhanh nhất quý I/2023
Có khoảng 11/27 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tiền gửi khách hàng trên 5%. Trong đó, chỉ có khoảng 3 nhà băng ghi nhận chỉ tiêu này tăng nhanh hơn 10%.
Theo đó, KienLongBank gây bất ngờ khi ghi nhận tăng trưởng tiền gửi khách hàng hơn 19,2% và vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng. Kết quả này có được là nhờ hầu hết các khoản mục tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiết kiệm đều tăng trưởng (tổng cộng tăng gần 10,1 nghìn tỷ), chỉ trừ có khoản ký quỹ giảm nhẹ (11 tỷ).
HDBank theo sau với tăng trưởng tiền gửi lên đến 15,8%. Kết quả này có được là nhờ tiền gửi có kỳ hạn - khoản mục chiếm tỷ trọng chính (~92% tổng tiền gửi khách hàng) tăng hơn 37,5 nghìn tỷ (tăng 19,5%) so với với đầu năm.
NamABank đứng thứ 3 với tổng tiền gửi đạt 137,56 nghìn tỷ, tăng 10,1% so với đầu năm. Động lực chính thúc cũng đến từ tiền gửi có kỳ hạn.
VietABank theo sau với tăng trưởng tiền gửi gần 9,8%, tiền gửi khách hàng của nhà băng này đến cuối quý I/2023 là hơn 77 nghìn tỷ đồng.
Tăng trưởng tiền gửi khách hàng gần 9,2% đã mang lại vị trí thứ 5 cho VPBank . Điều này chủ yếu nhờ vào tiền gửi có kỳ hạn của VPBank đã tăng từ 249,3 nghìn tỷ lên 284,1 nghìn tỷ (tăng 34,75 nghìn tỷ, gần 14%) vào cuối quý I/2023.
5 ngân hàng còn lại trong bảng xếp hạng top 10 nhà băng có tăng trưởng tiền gửi cao nhất là SHB (tăng trưởng 8,2%); Techcombank (+8,1%); VietCapitalBank (+8%); MSB (+7,6%); Sacombank (+5,3%).
Theo các chuyên gia, giai đoạn cuối quý IV/2022 và đầu quý I/2023, lãi suất tiền gửi ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Vì lẽ đó, lượng khách hàng gửi tiết kiệm cũng nhiều hơn. Điều này đã góp phần thúc tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng tăng trưởng mạnh hơn và là động lực chính giúp tổng tiền gửi tại các nhà băng tăng lên.