Theo thống kê trên 27 ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán, hiện có 10 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%, tức số dự phòng còn lớn hơn cả con số nợ xấu.
Trong 5 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hiện nay đều có tên của các "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV, VietinBank. Ngoài ra còn có MB và ACB.
Cụ thể, cuối tháng 6/2022, nợ xấu của Vietcombank ở mức 6.694 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,61% trong tổng dư nợ cho vay.
Đặc biệt, Vietcombank thiết lập kỷ lục mới về tỷ lệ bao phủ nợ xấu khi nâng từ 424% hồi đầu năm lên 506% vào cuối tháng 6/2022. Đây cũng là tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành ngân hàng từ trước đến nay.
Đứng sau Vietcombank là BIDV. Tỷ lệ trang trải nợ xấu ngân hàng mẹ BIDV đạt 279%, tăng so với mức 235% thời điểm 31/12/2021. Số dư dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tại BIDV hiện đã lên tới 38.864 tỷ đồng. Những năm qua, BIDV là một trong những ngân hàng tích cực trích lập nhiều nhất với chi phí dự phòng thường chiếm trên 50% lợi nhuận.
Tại MB, nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ cuối quý 2/2022 là 3.704 tỷ đồng, tăng 59% so với đầu năm. Ngân hàng có dự phòng rủi ro cho vay khách hàng hơn 10.053 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 271%, vẫn ở mức cao top đầu ngành dù đã giảm đáng kể so với mức 349% hồi cuối năm 2021.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại VietinBank nhìn chung không có nhiều biến động, ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức cao xấp xỉ với cuối năm 2021. Tại ngày 30/6/2022, nợ xấu của nhà băng này là 16.667 tỷ đồng trong khi dự phòng rủi ro lên tới hơn 31.621 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank ở mức 189%, đứng thứ 4 trong hệ thống.
ACB cũng là ngân hàng có quan điểm thận trọng trong cho vay và chú trọng việc duy trì chất lượng tài sản ở nhóm tốt nhất. Nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ nợ xấu của ACB luôn ở mức dưới 1%. Hiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng cuối quý 2/2022 là 185%, giảm so với mức 209% hồi đầu năm. Tuy nhiên, ACB vẫn giữ vững vị trí thứ 5 trong hệ thống.
5 ngân hàng còn lại có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100% lần lượt là Techcombank, BacABank, TPBank, Sacombank, LienVietPostBank.
Nhìn chung, tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành tiếp tục được cải thiện trong nửa đầu năm. Các ngân hàng thời gian qua đều tăng chi phí dự phòng rủi ro để ứng phó với những biến động khó lường trong tương lai, đặc biệt là khi nợ tái cơ cấu từ dịch Covid-19 có thể chuyển thành nợ xấu.
Tuy nhiên, bức tranh tỷ lệ bao phủ nợ lại có sự phân hóa khá mạnh. Còn rất nhiều ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu rất thấp, mà theo thống kê trong 27 ngân hàng thì có 7 nhà băng dưới mức 60%, thậm chí cá biệt có ngân hàng chỉ đạt 17%.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn 100% cho thấy, trong trường hợp xấu nhất là toàn bộ nợ xấu không thể thu hồi được thì ngân hàng vẫn còn dự phòng để xử lý và không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Còn nếu trường hợp nợ xấu thu hồi được, ngân hàng còn có thể hoàn nhập dự phòng, từ đó được xem như "của để dành" cho tương lai.
Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, do tình hình kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, những ngân hàng có chiến lược phòng phủ và sở hữu tỷ lệ bao phủ nợ nợ xấu cao sẽ có khả năng duy trì mục tiêu kép là tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản tốt.
Mức kỷ lục về tỷ lệ bao phủ nợ xấu mà nhiều nhà băng vừa đạt được có thể cũng đã là đỉnh. Trong thời gian tới, các ngân hàng có thể sẽ tiết giảm chi phí dự phòng, hoàn nhập dự phòng do tỷ lệ nợ tái cấu trúc chuyển thành nợ xấu đang diễn biến tốt hơn dự báo, qua đó tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại hạ xuống.