Đây sẽ là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 4 năm 2017, khi đó đa số người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ cải cách Hiến pháp, trao phần lớn quyền hành pháp cho Tổng thống.
Tổng thống Erdogan tuyên bố đưa ra quyết định này sau khi trao đổi với người đứng đầu đảng Phong trào Dân tộc chủ nghĩa (MHP) Devlet Bahceli, người trước đó một ngày đã nêu ra khả năng sẽ tổ chức bầu cử sớm. Các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống ở Thổ Nhĩ Kỳ trước đó dự định tiến hành vào tháng 11/2019.
Ông Erdogan cho biết ủng hộ việc đợi cuộc bầu cử đến tháng 11/2019. Tuy nhiên, các chiến dịch quân sự tại Syria cùng diễn biến khu vực buộc Thổ Nhĩ Kỳ cần phải vượt qua những thách thức này. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải chuyển đổi sang hệ thống mới để đưa ra các quyết định cũng như bước đi cụ thể về tương lai đất nước.
Ông Erdogan nói:“Thay đổi hệ thống mới đang trở nên khẩn cấp để đưa ra các quyết định mạnh mẽ hơn đối với tương lai của đất nước. Sau khi xem xét các thực tế và nhìn vào bức tranh đất nước đang phải đối mặt chúng tôi nhất trí rằng chúng ta phải có cách tiếp cận với đề xuất bầu cử sớm theo một cách tích cực”.
Trong cuộc trưng cầu ý dân – được cho là cuộc cải tổ lớn nhất của nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ thời hiện đại vào ngày 16/4/2017, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ những cải cách hiến pháp, theo đó trao quyền lực áp đảo cho Tổng thống.
Tổng thống sẽ trở thành người điều hành chính phủ, có thể trực tiếp bổ nhiệm các quan chức nhà nước cấp cao và giải tán Quốc hội cũng như đề xuất các khoản thu chi ngân sách, ban hành các sắc lệnh, ban bố tình trạng khẩn cấp và ban hành các sắc lệnh giám sát các Bộ mà không cần có sự phê chuẩn của Quốc hội. Trong khi vị trí Thủ tướng sẽ lần đầu tiên bị bãi bỏ trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quyền lập pháp của Quốc hội sẽ được duy trì, nhưng quyền hạn bị thu hẹp lại trong giới hạn nhất định. Tổng thống sẽ có nhiệm kỳ 5 năm và được kéo dài tối đa hai nhiệm kỳ. Theo quy định, tất cả sự thay đổi này sẽ phát huy hiệu lực kể từ cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, với việc tổ chức bầu cử sớm, các thay đổi này sẽ có hiệu lực sau cuộc bầu cử 24/6 tới.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18/4 cũng thông qua quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng. Đây là lần thứ 7 tình trạng khẩn cấp tại Thổ Nhĩ Kỳ được gia hạn kể từ khi lệnh này được áp đặt sau âm mưu đảo chính bất thành vào tháng 7/2016. Điều này có nghĩa cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội sẽ được tiến hành (đồng thời) trong điều kiện an ninh được siết chặt theo tình trạng khẩn cấp.
Nhiều chuyên gia khu vực cũng nhận định, việc tổ chức cuộc bầu cử sớm cũng là một nước cờ chiến lược của Tổng thống Erdogan, giúp Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền tránh được những tác động xấu của các vấn đề kinh tế mà quốc gia này đang phải đối mặt.
Theo tờ Guardian, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế với giá trị đồng lira giảm cùng với những cảnh báo về một nền kinh tế quá nóng, với thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, có thể ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền – vốn dựa vào một nền kinh tế phát triển và vững mạnh để kêu gọi sự ủng hộ từ các cử tri. Tổ chức cuộc bầu cử vào thời điểm này cũng sẽ mang lại lợi thế cho Đảng Công lý và Phát triển (AKP) với quan điểm chủ nghĩa dân tộc chống người Kurd đang gia tăng sau chiến dịch Afrin tại Syria.
Dù với lí do nào đi chăng nữa thì quyết định tổ chức bầu cử sớm của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đánh dấu sự thay đổi căn bản về cơ cấu chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ. Giám đốc trung tâm nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washinton Soner Çağaptay nhận định, ngày 24/6 là một ngày lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là thời điểm Tổng thống có thể điều hành bằng sắc lệnh và quyền hành pháp một cách đầy đủ. Đây sẽ là ngày Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước bước chuyển lớn trong bức tranh chính trị, có thể tạo ra những bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ thời gian tới./.